Thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch năm 2025, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận công tác điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nêu bật những tồn tại đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và hoạt động dạy thêm, học thêm chưa được quản lý hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh nhiều khó khăn từ bên ngoài tác động, đặc biệt là biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Năm 2024, Chính phủ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như sắp xếp lại đơn vị hành chính, hoàn thiện mô hình hệ thống chính trị, đảm bảo điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng GDP.

“Cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, nhiều dự án cao tốc trọng điểm được triển khai khẩn trương. Chính sách an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững”, bà Nguyệt nhấn mạnh.

Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn len lỏi, trách nhiệm bị chồng chéo

Tuy nhiên, đại biểu Thu Nguyệt cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi và lan rộng từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử.

Bà cho biết, dù Chính phủ đã có nhiều đợt cao điểm ngăn chặn và Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được thành lập đến cấp địa phương, nhưng tình trạng vi phạm vẫn chưa được giải quyết triệt để, phần vì thể chế chưa rõ ràng, phần vì trách nhiệm giữa các cơ quan bị chồng chéo.

“Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và môi trường chịu trách nhiệm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng khi kiểm tra trên thị trường lại là Bộ Công Thương. Khi xảy ra vi phạm, rất khó xác định cơ quan nào có trách nhiệm xử lý. Trong khi người nông dân là người chịu thiệt hại trực tiếp”, bà dẫn chứng.

Đại biểu Nguyệt kiến nghị cần đánh giá lại toàn diện, tháo gỡ các vướng mắc thể chế và triển khai đồng bộ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao nhận thức và quyền tự bảo vệ của người dân.

Đồng tình về nội dung này, đại biểu Thái Thu Xương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ bức xúc trước thực trạng buông lỏng quản lý trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng - một vấn đề đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Dẫn chứng từ vụ việc xảy ra tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), nơi được cho là buôn bán công khai hàng giả, hàng nhái với quy mô lớn, đại biểu Xương đặt vấn đề: “Vai trò quản lý nhà nước ở đâu mà cả chợ bán hàng giả công khai như vậy?”. Bà đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường và chính quyền địa phương, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” xảy ra. “Nếu cả chợ đều bán hàng giả thì người dân làm sao biết được đâu là thật, đâu là giả”, đại biểu bày tỏ sự lo lắng.

Quản lý dạy thêm, học thêm: Vẫn thiếu đồng bộ và chặt chẽ

Ở lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề cập đến tình trạng dạy thêm học thêm, đã có những chuyển biến tích cực từ khi Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực. Bà cho biết: “Đội ngũ quản lý, giáo viên đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch kiểm tra. Phụ huynh cũng quan tâm hơn đến việc học của con cái, góp phần hình thành tinh thần tự học tại nhà.”

Tuy nhiên, bất cập vẫn còn rõ rệt. Đại biểu chỉ ra rằng việc học thêm ngoài nhà trường không giảm, thậm chí còn tăng, kéo theo sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm. Trong khi đó, Thông tư mới chưa quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất hay chuẩn đội ngũ giảng dạy tại các trung tâm, gây khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra.

“Không phải trung tâm nào cũng có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hoặc có kinh nghiệm sư phạm. Vì vậy mà việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ khiến chất lượng giảng dạy tại nhiều trung tâm là một điều rất đáng lo ngại.” - đại biểu Hà bày tỏ.

Về phía đại biểu Thái Thu Xương, bà nhấn mạnh, “dạy thêm - học thêm là nhu cầu thiết thực của người dân”, nhất là trong bối cảnh chất lượng giáo dục giữa các vùng miền còn chênh lệch. Theo đại biểu, việc cấm dạy thêm nếu không đi kèm giải pháp thay thế hợp lý sẽ phản ánh sự yếu kém trong công tác quản lý.

Bà cũng bày tỏ băn khoăn khi tới đây, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện có sự thay đổi, nhiều địa phương không còn Phòng Giáo dục cấp huyện do sáp nhập. “Vậy ai sẽ là người kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm khi địa bàn rộng lớn hơn?”, đại biểu đặt câu hỏi. Theo bà Xương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, cập nhật thực tế tại địa phương để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học.

Từ các ý kiến của đại biểu, có thể thấy bên cạnh những tín hiệu tích cực về điều hành kinh tế - xã hội, cử tri và Quốc hội vẫn trăn trở về những bất cập kéo dài trong quản lý hàng hóa kém chất lượng và dạy thêm học thêm. Đây là những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân, cần được Chính phủ tiếp tục rà soát, tháo gỡ bằng giải pháp đồng bộ, quyết liệt và thực chất hơn trong thời gian tới.