Chỉ với hai từ chỉ số nhiều gồm “chúng” và “các”, Tiếng Việt đã cho thấy sự thú vị và đầy biến hóa. Cùng để chỉ số nhiều nhưng có trường hợp thay thế nhau mà vẫn mang ý nghĩa tương đồng và cũng có trường hợp không thể thay thế được cho nhau.
Trong chương trình Tiếng Việt vui của Đài Tiếng nói Việt Nam, hai bạn sinh viên Vân Khánh và Gia Long tham gia thử thách kết hợp của hai từ chỉ số nhiều "chúng" và "các". Thông qua phần thử thách cũng những phân tích, giải đáp của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, những nguyên tắc kết hợp các từ số nhiều trong tiếng Việt được "bật mí".

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, xét về khả năng kết hợp với đại từ chỉ người, “các” có mức độ kết hợp đa dạng hơn. Ví dụ như các ông, các bà, các cô, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị…là những từ số nhiều ở ngôi thứ hai. Ngoài ra “các” cũng kết hợp với từ chỉ số nhiều ở ngôi thứ ba như các anh ấy, các ông ấy, các bà ấy... “Các” cũng có thể kết hợp với từ chỉ ngành nghề khác nhau như các học sinh, các sinh viên, các giáo viên...
Trong khi đó, “chúng” không thể kết hợp với bà, bác, anh, chị... Ở đây, “các” không đi cùng với “tôi”, “ta”, “nó” như “chúng”.
Riêng từ “em” và từ “bạn” lại cùng lúc kết hợp được với “chúng” hoặc “các”. Ví dụ như: Các em, chúng em, các bạn, chúng bạn đều có ý nghĩa.
Để hiểu về nguyên tắc kết hợp cùng những lưu ý để sử dụng “chúng” hay “các” trong các trường hợp đặc biệt, thay thế hoặc không thay thế được cho nhau, các bạn có thể bấm nút nghe chia sẻ dưới đây.