Cùng với sự băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường các thí sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phụ huynh của các em còn đang có nhiều lo lắng về vấn đề học phí của các trường Đại học đã và sẽ tăng ở mức nào? Cần có sự công khai, minh bạch với người học về mức học phí của từng ngành học, từng chương trình đào tạo để người học và gia đình có sự lựa chọn phù hợp. TS Lê Đông Phương - chuyên gia nghiên cứu về Giáo dục đại học chia sẻ với phóng viên VOV2.
PV: Thưa ông, hiện nay rất nhiều phụ huynh và học sinh đang lo lắng về việc các truờng ĐH sẽ tăng học phí trong khi 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kinh tế nhiều gia đình gặp không ít khó khăn. Vậy quan điểm của ông như thế nào về việc tăng học phí ở bậc Đại học ?
TS Lê Đông Phương: Theo tôi, việc tăng học phí ở hệ giáo dục ĐH là việc không thể tránh khỏi. Mặc dù cũng rất thông cảm với các gia đình đang có con em học ĐH hoặc đang chuẩn bị vào theo học bậc ĐH vì trong giai đoạn dịch bệnh thì chúng ta cũng đã chịu rất nhiều ảnh hưởng về mặt kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hình dung về mặt tổng thể, Nhà nước cũng bị thiệt hại rất nhiều về mặt kinh tế do quá trình giãn cách xã hội trong dịch bệnh dẫn đến các trường ĐH cũng không có được nhiều kinh phí của Nhà nước cấp như giai đoạn trước. Chính vì vậy nếu muốn duy trì được chất lượng giống như trước khi đại dịch xảy ra thì các trường ĐH bắt buộc phải tăng một phần học phí để bù đắp vào thiếu hụt kinh phí.
PV: Trên thực tế thì nhiều trường ĐH không công khai mức học phí nên có nhiều thí sinh ảo tưởng rằng mình khi học ở trường đó thì mức học phí phải đóng chỉ khoảng chừng này thôi, nhưng khi vào học thì phát sinh rất nhiều thậm chí là hàng chục lần mức công khai ban đầu. Vậy theo ông các trường ĐH có nên công khai mức học phí để cho thí sinh và gia đình có thể chủ động có kế hoạch chuẩn bị cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình?
TS Lê Đông Phương: Đúng là có hiện tượng một số trường ĐH khi công bố học phí và các khoản chi phí cần phải đóng của sinh viên trong thời gian theo học tại trường ĐH thì không được rõ ràng và rành mạch. Chúng ta cũng biết rằng đại đa số mọi người cho rằng học phí là thứ duy nhất mà người ta phải đóng nhưng thực ra sinh viên cũng phải đóng rất nhiều khoản chi khác còn liên quan trực tiếp tới quá trình học tập tại trường ĐH. Và điều này đôi khi được tính tách riêng và sử dụng cách tính khác nhau và không được minh bạch ngay từ đầu dẫn tới phụ huynh và học sinh không thể hình dung được khoản thực chi của họ cho quá trình học tập của con em mình sẽ là bao nhiêu. Có thể khi chuẩn bị vào trường thì phụ huynh và học sinh chỉ nghĩ đóng vài chục triệu đồng một năm học. Tuy nhiên, khi vào trường rồi thì có chi phí thực tập, đồng phục thể thao, rồi chi phí phải ra ngoài học để thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để đủ điều kiện tốt nghiệp... Trong khá nhiều trường hợp tôi biết thì nó vượt xa mức gánh chịu được của gia đình và đồng thời nó còn vượt mức học phí công bố khoảng 3-4 lần. Như vậy khiến cho phụ huynh và học sinh rất bức xúc vì giữa cái họ được thông báo và cái họ thực chi là khác nhau nhiều. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng các trường ĐH nên hết sức minh bạch trong việc công bố các khoản phải đóng của sinh viên không chỉ dừng lại ở các khoản học phí mà còn cả chi phí thực tập. Đồng thời, tôi cũng mong rằng các trường đại học cũng giữ mức chi phí liên quan tới việc học tập ở mức vừa phải, không quá cao để thứ nhất, phụ huynh các em học sinh hình dung ra được mức chi họ phải trả hằng năm, thứ hai là một sự hỗ trợ cho học sinh sinh viên. Thay vì chúng ta thu theo ngẫu hứng thì nên có kế hoạch trước.
PV: Hiện nay có lượng thí sinh rất là lớn đổ xô vào các khoa ngành học hot, nhưng bên cạnh đó một số ngành Khoa học cơ bản xã hội đang rất cần trong tương lai gần cũng như xa thì lại rất khó tuyển sinh. Theo ông chúng ta có nên điều chỉnh mức học phí như thế nào cho phù hợp để cân bằng tình trạng thừa thiếu nhân lực như hiện nay?
TS Lê Đông Phương: Đúng là hiện nay có sự lệch lạc trong việc đào tạo ở các trường ĐH. Chúng ta thấy rằng có những nhóm ngành thì có số lượng thí sinh khá đông đảo, ví dụ như nhóm ngành Quản lý kinh doanh theo như dữ liệu tôi có được thì hiện nay chiếm tới 1/4 tổng lượng sinh viên ĐH đang theo học tại các trường ĐH, trong khi đó có những ngành cơ bản, kỹ thuật, công nghệ thì số sinh viên đăng ký theo học nhiều khi không đủ số chỉ tiêu đã giao cho nhà trường. Chúng ta có thể hình dung được như sau này khi mà nền kinh tế phát triển, nhu cầu về mặt nhân lực thay đổi thì chúng ta sẽ có tình trạng thiếu hụt nhân lực trong một số lĩnh vực nhất định. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng cần phải có sự can thiệp của nhà nước, không phải chỉ thông qua học phí mà phải dùng cả cơ chế hỗ trợ tài chính để làm sao tăng sức hút với những ngành mà thị trường không tạo được sức hút, ví dụ như Toán, Địa lý, Lịch sử… Còn đối với các trường ĐH có các chương trình đào tạo hot như Quản trị kinh doanh, Ngân hàng... mặc dù mức học phí rất cao nhưng các em vẫn chấp nhận vào học. Trong trường hợp đó các trường ĐH nên điều tiết một phần khoản thu được từ những chương trình đó sang hỗ trợ cho những ngành mà không thu hút được nhiều sinh viên lắm để cân đối được cơ cấu đào tạo của chính nhà trường và của cả hệ thống giáo dục ĐH hướng đến cho tương lai đất nước trong 20-30 năm nữa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS Lê Đông Phương.