Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm có tư cách là một môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với tên gọi hoạt động Trải nghiệm ở cấp học tiểu học, THCS và Trải nghiệm - hướng nghiệp ở cấp THPT. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, các trường học còn lúng túng với môn học này và nhiều nơi dừng lại ở hoạt động du lịch đóng phí.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục Trải nghiệm và Trải nghiệm - hướng nghiệp, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có cuộc trao đổi với VOV2 về môn học này.

Phóng viên: Thưa PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp được coi như nét mới trong chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Nhưng đến thời điểm này sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường vẫn còn lúng túng, phải chăng chưa có sự hiểu rõ về nội dung giáo dục này ?

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Như chúng ta được biết, hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp là rất mới theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Đây được coi như hoạt động giáo dục thường xuyên, nối tiếp từ bậc Tiểu học lên THPT, tập trung thông qua các hoạt động để hình thành những phẩm chất và năng lực tâm lý xã hội cho học sinh trên cơ sở học sinh có thể huy động những kinh nghiệm, những kiến thức đã được học, được trải qua góp phần hình thành những phẩm chất năng lực cho các em học sinh.

Trong chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, hoạt động giáo dục trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp đã có một chương trình với những yêu cầu cần đạt. Bên cạnh chương trình thì hiện nay chúng ta còn đang có các bộ sách giáo khoa để hỗ trợ các nhà trường thực hiện tốt nhất chương trình. Có chương trình và bộ sách thì nó gần như định hướng cho các nhà trường thực hiện đầy đủ hơn, chuẩn chỉnh hơn.

Tuy nhiên, mỗi một địa phương, mỗi một nhà trường có những, hoàn cảnh riêng, đặc điểm đặc biệt riêng. Bởi vậy, việc triển khai hiệu quả sẽ được giao về từng nhà trường, lãnh đạo các cơ sở địa phương. Dù vậy, mục đích cuối cùng vẫn cần phải theo yêu cầu cần đạt.

Phóng viên: Yêu cầu cần đạt ở đây cụ thể với học sinh từ hoạt động giáo dục trải nghiệm là những gì, thưa bà?

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Yêu cầu cần đạt ở đây sẽ là đưa ra cấu trúc năng lực. Nó gồm 3 năng lực cơ bản gồm năng lực thích ứng cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động và năng lực định hướng nghề nghiệp. Cùng 3 nhóm năng lực này cũng cần hình thành 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Từ đó sẽ còn cần hình thành năng lực chung gồm tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đó là những yêu cầu cần đạt chung ở cả hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm - hướng nghiệp.

Phóng viên: Thưa bà, với những yêu cầu cần đạt thì hoạt động giáo dục trải nghiệm liệu có cần có giáo viên bộ môn riêng?

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Trải nghiệm và Trải nghiệm - hướng nghiệp là hoạt động giáo dục trong nhà trường, thuộc về nội dung mới trong chương trình Giáo dục Phổ thông mới 2018 nhưng tất cả các giáo viên được đào tạo sư phạm, tức là đã được trang bị kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh đều đủ điều kiện dạy hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp.

Tất nhiên để hiệu quả thì còn tùy thuộc từng nơi, từng cá nhân thầy cô. Tuy nhiên về mặt lý thì tất cả giáo viên qua đào tạo sư phạm đều được trang bị kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh. Chính vì thế nhà trường hoàn toàn có thể phân công bất kì giáo viên nào đã có bằng sư phạm đều có thể tổ chức hoạt động này.

Có thể ở năm học 2022-2023, giáo viên cấp THPT coi đây như nội dung mới nhưng Giáo dục luôn có tính kế thừa. Hướng dẫn học sinh Hoạt động trải nghiệm và Trải nghiệm - hướng nghiệp, bên cạnh kế thừa những kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục, thầy cô cần được bồi dưỡng thêm nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình cũng như tổ chức các hoạt động này theo cách tiếp cận hiện đại.

Phóng viên: Thưa PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, vì rất mới nên ở nhiều nơi, đặc biệt các đô thị lớn việc giáo dục trải nghiệm thực hiện chủ yếu bằng việc đưa học sinh tham quan dã ngoại, khối THPT thường sẽ theo mô hình 2 ngày 1 đêm và xã hội hóa từ việc thu của phụ huynh một khoản khá lớn. Bà nghĩ sao để hoạt động này đúng tính chất, hiệu quả và không gây khó khăn thêm cho phụ huynh có con đi học?

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Thực ra tham quan, dã ngoại hay những hoạt động ngoài nhà trường tức là đã đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm. Ở nhiều nhà trường thường tổ chức cho học sinh, đặc biệt khối 12 tham quan, dã ngoại qua đêm sẽ góp phần cho học sinh thêm những kỷ niệm, tạo không gian để các em thể hiện bản thân, thêm những cảm xúc mới.

Nhưng để hoạt động này thực sự hướng vào mục đích giáo dục thay vì chỉ như một chuyến du lịch có đóng phí theo tôi cần có sự đầu tư rất nhiều về công sức, sự chuẩn bị nội dung, chương trình trước, trong và sau hoạt động cũng như kiểm soát toàn bộ chương trình.

Việc đưa học sinh đến một địa điểm và để hoạt động tự do cũng xem như một hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên sẽ không hiệu quả cũng như không đạt được mục tiêu nội dung giáo dục trải nghiệm hay trải nghiệm - hướng nghiệp mà chương trình đặt ra.

Phóng viên: Được biết hoạt động Trải nghiệm và Trải nghiệm - hướng nghiệp không đánh giá bằng điểm số. Nhưng thực tế đã có nhà trường sử dụng điểm như cách thức để yêu cầu học sinh tham gia. Bà nghĩ sao về điều này, thưa PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa?

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Hoạt động Trải nghiệm ở cấp học dưới và Trải nghiệm - hướng nghiệp khi bước vào cấp THPT sẽ không đánh giá bằng điểm số mà bằng đánh giá, nhận xét của giáo viên theo mức đạt và chưa đạt.

Các thầy cô căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình để thực hiện đánh giá. Còn thực tế thì giáo viên có thể có nhiều hình thức đánh giá khác nhau, có thể kiểm tra học sinh cách các em có biết lập kế hoạch không? Hiểu biết về địa phương mình thế nào? Giáo viên có thể dùng trắc nghiệm khách quan hoặc chúng ta có thể đưa ra các tình huống để các em thể hiện để biết các học sinh sử dụng kỹ năng đã được học đến đâu… Nghĩa là thầy cô cần nhiều hình thức khác nhau để đưa ra được đánh giá chuẩn nhất, khách quan nhất về mức độ phát triển của học sinh sau mỗi giai đoạn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!