Doanh nghiệp đến xin người từ khi chưa tốt nghiệp
Khuôn viên xưởng thực hành khoa Cơ khí chế tạo Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc thoáng rộng. Thầy và trò say sưa thực hành trên hệ thống máy móc hiện đại. Hệ thống tủ kính trưng bày sản phẩm do chính học viên làm ra thực sự gây ấn tượng với khách tham quan.
Những mô hình nhà, đình chùa, những biểu tượng, logo của các công ty, những bộ cờ vua, cờ tướng hay những vật phẩm quà tặng đã hoàn thiện được đặt trang trọng. Cô Nguyễn Trịnh Hoàng Quy, giáo viên nhà trường khoe đây chính là sản phẩm do chính tay sinh viên ngành cắt gọt kim loại làm ra.
Cắt gọt kim loại thuộc ngành cơ khí chế tạo, gia công cơ khí trên bề mặt kim loại để tạo nên những sản phẩm cơ khí có kích thước, hình dáng và độ bóng bề mặt khác nhau theo yêu cầu kỹ thuật từ một phôi vật liệu ban đầu. Việc cắt gọt kim loại để trở thành các sản phẩm hoàn thiện hiện nay hầu như đều được gia công bằng các loại máy móc hiện đại.
Nguyễn Văn Quân, sinh viên năm cuối hệ cao đẳng cho biết em theo học vì một người bạn thân đã theo học trước đó chia sẻ những điều thú vị của ngành học này. Khi mới vào học, những thao tác nghề trên máy khá nhiều khó khăn nhưng khi vượt qua, quen dần, Quân ngày càng yêu thích những giờ thực hành tại xưởng.
Đến lúc này, Quân đã có thể dễ dàng thực hiện được các thao tác kỹ thuật từ cơ bản đến phức tạp, sử dụng máy tính để thiết kế ra các khuôn mẫu, sau đó hoàn thiện sản phẩm tự động hoàn toàn trên máy CNC. Suốt quá trình học, bạn trẻ này được nhà trường tạo điều kiện vừa thực tập vừa làm thêm trang trải học phí và sinh hoạt phí. Quân không phải lo về công việc sau khi tốt nghiệp khi nhiều doanh nghiệp ngay trên địa bàn tỉnh đang cần nhân lực có tay nghề.
Dương Mạnh Quang, đến với trường nghề khi đã 23 tuổi và đã có gia đình. Một thời gian dài kinh doanh tự do, Quang nhận thấy cần có một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống. Ở tuổi 26, Quang đang chuẩn bị tinh thần bước vào nghề với nhiều cơ hội, dự định mở ra.
“Quá trình học em được ra doanh nghiệp thực hành và có kinh nghiệm, có lương rồi. Các doanh nghiệp cũng đến xin người. Nhưng em chưa quyết định chính thức về đâu vì có thể còn những lựa chọn khác. Như em có gia đình rồi nên chọn làm việc tại tỉnh. Nhiều bạn học cùng khóa em cũng có dự định xuất khẩu lao động”, Quang chia sẻ.
Chuyển đổi theo yêu cầu thị trường lao động
Năm 2006, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chiến lược công nghiệp hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề. Được hỗ trợ kinh phí đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc triển khai 3 bậc đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề với quy mô tuyển sinh từ 4000-5000 học viên.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 37, Quyết định số 42 thúc đẩy phát triển đào tạo nghề. Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ra Quyết định 19 nhằm động viên người học theo đuổi toàn bộ thời gian quy định cho từng trình độ nghề. Theo đó, học viên sẽ được cấp kinh phí học tập lần lượt 800.000 đồng/tháng cho bậc cao đẳng chất lượng cao, 500.000 đồng/tháng cho cao đẳng đại trà và 300.000 đồng/tháng cho học viên hệ trung cấp.
Theo Th.s Phan Thị Hằng, Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, nhà trường đã có những điều chỉnh về chương trình đào tạo cũng như ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trên địa bàn tỉnh và tiếp tục cho những yêu cầu cao hơn. Hằng năm, 95% học viên tốt nghiệp có việc làm ở các tập đoàn trên địa bàn tỉnh.
Trong tương lai gần, trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu mỗi năm đạt 5000-6000 chỉ tiêu tuyển sinh, hoàn thành kiểm định các tiêu chí, tiêu chuẩn của trường chất lượng cao, tập trung nguồn lực trở thành một trong 40 trường tiệm cận Asean sau năm 2025. Trường phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong 12 trường thực hiện chức năng đào tạo thực hành nghề chất lượng cao và đào tạo 10 ngành nghề trọng điểm với một số nghề tiệm cận quốc tế.
Trong xu thế chung của khối trường nghề, trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc vận động theo hướng cập nhật và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Những ngành nghề không còn phù hợp đã dừng đào tạo. Học viên trường nghề được thực tập trên hệ thống trang thiết bị hiện đại, được xuống thực hành nghề tại doanh nghiệp.
“Chúng tôi xác định việc hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đặt mình ở vị trí cầu nối giữa doanh nghiệp và người học để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo.”, TS Hà Vũ Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Thầy Nguyễn Trung Thiện, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đáp ứng nhu cầu về lao động và phát triển công nghiệp của địa phương, những ngành như may mặc, xây dựng đang được cắt giảm song hành việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở những lĩnh vực đang khát nhân lực như thương mại điện tử, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại.
Không chỉ chuyển đổi về ngành nghề đào tạo, những giảng viên như Th.S Lê Thành Chung, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo cùng các đồng nghiệp trong trường buộc phải cập nhật về nội dung, chương trình đào tạo nhằm thích ứng với yêu cầu ngày càng cao chất lượng nguồn lao động.
Thay vì việc "có gì dạy nấy", giáo viên khoa Cơ khí chế tạo phối hợp với chính doanh nghiệp để xây dựng giáo trình với mục tiêu học viên tiến sát nhất công nghệ sản xuất, khi ra trường về các doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại. Giáo viên cũng phải tham gia những khóa tập huấn về công nghệ trong, ngoài nước, cùng sinh viên vào xưởng nghề của doanh nghiệp sản xuất thực tế nhằm tối ưu nhất quá trình đào tạo.