Câu nói “Con người hơn nhau ở ngộ, quý ở thiện và cao ở nhẫn” nghe có vẻ như một lời khuyên răn trong kinh nhà Phật. Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao lại là hơn nhau ở ngộ, lại quý ở thiện và cao ở nhẫn?

Theo giải thích của TS Đỗ Anh Vũ thì trong câu này ngộ, thiện hay nhẫn đều là những khái niệm rất là quen thuộc trong Phật pháp, được dùng để khuyên răn con người. Ở đây ngộ là sự gặp nhau trong cuộc đời, là nhân duyên cực kỳ lớn. TS Đỗ Anh Vũ còn đơn cử chỉ ngay trong đất nước ta với số dân hơn 90 triệu người, mà có hai con người xa lạ gặp nhau, có thể coi như là sự sắp xếp đầy bất ngờ và có nhân duyên.

Về chữ thiện, TS Đỗ Anh Vũ phân tích thiện chính là lòng tốt. Đức Khổng Tử có nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là con người sinh ra vốn mang mầm thiện, tốt lành. Tuy nhiên cùng với sự lớn lên, phát triển thì điều thiện cũng bị tác động ảnh hưởng, nhưng nếu người ta cố gắng giữ gìn được lòng thiện tâm ấy chính là quý. Tấm lòng tốt, chân thành, chia sẻ, yêu thương, trắc ẩn nhân ái, đấy là bản chất của thiện.

Còn cao ở nhẫn được hiểu là sự kiên trì nhẫn nại, không bỏ cuộc trước những khó khăn gian khổ thử thách được đánh giá rất cao, bởi vì trong cuộc sống khi phải đối diện với muôn vàn thử thách, nhiều người sẽ buông xuôi và chỉ những người có ý chí sức mạnh, đặc biệt về mặt tinh thần mới không buông bỏ. Giá trị của chữ nhẫn chính là nằm ở chỗ đó.

Tóm lại, con người “hơn nhau ở ngộ, quý ở thiện, và cao ở nhẫn” có ý khái quát về hành trình của cả một kiếp người. Từ việc gặp gỡ nhau, đến giữ gìn lòng tốt, yêu thương, sự trắc ẩn trong mỗi tâm hồn. Rồi việc ứng xử cụ thể trong những điều kiện, hoàn cảnh đối với những con người riêng biệt mà không nóng nảy không bỏ cuộc, vẫn giữ được tinh thần kiên trì nhẫn nại. Sự kết hợp của ba chữ ngộ, thiện, nhẫn ở đây cũng chính là niềm hạnh phúc của đời người!

Cũng theo TS Đỗ Anh Vũ thì nhiều người có thể nghĩ ngộ là sự biết rõ, là sự thấu hiểu. Nhưng điều này giống như chặng đường cuối cùng của một sự đắc đạo, đạt được đến chân lý! Vì vậy nghĩa này không hợp lý vì sau chữ ngộ vẫn còn chữ thiện và chữ nhẫn. Nếu đạt được chân lý rồi cần gì phải biết đến những phạm trù khác nữa! Vì vậy ngộ trong trường hợp này chính là sự gặp gỡ!

Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ

Câu “ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ” được người xưa dùng với ẩn ý như thế nào?

Theo TS Đỗ anh Vũ câu này nói về những con ngựa quý, và ta có thể liên tưởng tới những con người có phẩm chất tốt đẹp, luôn biết hướng về phía trước, về những điều tốt đẹp. Họ giữ lập trường kiên định, mục tiêu, lý tưởng của mình để hướng đến những chân trời mới, khát vọng mới.

TS Đỗ Anh Vũ giải thích thêm rằng trong nhiều ngữ liệu thư tịch thời xưa, câu này có thêm một vế nữa, đó là “ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ. Con hư biết nghĩ quý hơn vàng”. Trong câu này, người xưa muốn nói đến cả hai chiều của một vấn đề, thứ nhất là một đi không trở lại, và đã đi là phải tốt hơn những gì mình đã trải qua. Nhưng một chiều nữa là quay trở lại sẽ tốt hơn, đó là khi mà người ta đã trót mắc phải những sai lầm nào đó, nếu như tiếp tục theo con đường lầm lạc ấy thì đương nhiên không tốt. Con hư biết nghĩ quý hơn vàng là lời khuyên răn người ta cần phải có ý chí, nghị lực để vượt qua những sai lầm để trở thành người hữu ích hơn.

Thà cho mượn nhà làm đám tang, chứ không cho mượn nhà làm đám cưới

Câu nói của người xưa thà cho mượn nhà làm đám tang, chứ không cho mượn nhà làm đám cưới, thoạt nghe thấy có vẻ vô lý! Nhiều người thắc mắc vì sao đám cưới vui vẻ như vậy mà lại không cho mượn nhà?

Lý giải về điều này, TS Đỗ Anh Vũ cho rằng theo quan niệm của dân gian, việc cho mượn nhà làm đám tang, đám hiếu rất được ủng hộ vì với người Việt nghĩa tử là nghĩa tận, khi một người nằm xuống, cũng là điều cuối cùng trong cuộc đời, nếu giúp được gì thì mọi người xung quanh sẽ rất tận tâm, nhiệt tình.

Còn việc cho mượn nhà làm đám cưới, tuy đám cưới là một tin vui, nhưng điều quan trọng là trong dân gian có một điều kiêng kỵ về việc này. Đó là nếu như ai đó cho mượn ngôi nhà của mình để làm nơi cô dâu chú rể động phòng hoa trúc, thì sẽ coi là một sự rủi ro. Vì thế nên trong dân gian mới có câu thà cho mượn nhà làm đám tang, chứ không cho mượn nhà làm đám cưới!