ChatGPT xuất hiện với những tính năng ưu việt hơn hẳn nhiều công cụ khác làm cho không ít người hoang mang về vai trò của con người rồi đây sẽ ra sao khi trí tuệ nhân tạo AL phát triển một cách bứt phá như vậy? Với Giáo dục Đào tạo, ChatGPT tác động thế nào đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kiểm tra đánh giá? Mỗi người cần trang bị cho mình những gì để sẵn sàng đón nhận cái mới và ứng dụng nó một cách hiệu quả, tích cực? Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Phóng viên VOV2 với TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PV: Quan điểm của ông như thế nào về sự xuất hiện của ChatGPT ? Theo ông thì nó sẽ có bước đột phá như thế nào đối với ngành giáo dục ?

TS Lê Đông Phương: ChatGPT thực chất là một công cụ, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ. Những người sử dụng internet từ lâu thì thì đã biết, các công cụ tìm kiếm trên mạng từ những năm 1995 có AltaVista, sau đó có Yahoo rồi Google. Tôi nghĩ rằng ChatGPT là đại diện cho một thế hệ trí tuệ nhân tạo mới, sẽ giúp cho con người làm chủ được khối lượng kiến thức hiện nay. Bởi vì những năm 80, người ta nói rằng, chỉ mất 10 năm là tri thức loài người được nhân đôi. Đến khoảng năm 2010 thì cho rằng 1 năm và tôi nghĩa rằng đến thời điểm này, sẽ có người bảo rằng chỉ mất nửa năm là tri thức loài người nhân đôi. Rõ ràng khả năng xử lý thông tin của bộ não người sẽ không kịp lượng kiến thức sản sinh ra. Vì vậy những công cụ dạng ChatGPT này thì sẽ giúp chúng ta nắm bắt thông tin, tìm kiếm những điều chưa biết hoặc những điều đã khẳng định trong quá khứ để giảm bớt thời gian phải "học gạo" hoặc lần mò tự tìm kiếm. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cần phải có những người dùng thật sự thông minh. Và cũng phải hiểu rằng, đây chỉ là một công cụ, không thay thế được tri thức ở trong đầu mỗi người. Người học cần nâng cao năng lực thông qua khả năng phản biện, tìm ra chân lý ở khối lượng thông tin khổng lồ. Giáo viên cũng cần biết cách tìm kiếm và sử dụng thông tin để từ đó phân biệt được đâu là sản phẩm đích thực của học sinh và đâu là sản phẩm máy tạo ra.

PV: Nhiều người lo ngại rằng, việc ra đời ChatGPT sẽ làm lu mờ vai trò của giáo viên. Theo ông, giáo viên cần chuẩn bị như thế nào để có thể khẳng định được vai trò, vị trí của mình?

TS Lê Đông Phương: Như chúng ta đều biết, trong quá khứ, việc tiếp cận thông tin, tri thức còn khó thì giáo viên là người làm chủ, là trung tâm của quá trình dạy học. Nhưng với sự phát triển của công nghệ khoảng 30 năm trở lại đây thì giáo viên không còn là nguồn thông tin chính, mà trở thành cố vấn cho học sinh trong việc tìm kiếm thông tin đúc kết thành tri thức. Để làm được điều đó, giáo viên phải hiểu được quá trình vận động của tri thức và các công nghệ có liên quan, tự cập nhật, nâng cao khả năng của mình trong việc nhận định, đánh giá về kết quả làm việc của học sinh. Đồng thời cũng phải hình dung được, với sự vận động của công nghệ như này thì phải dạy và kiểm tra kiến thức của học sinh như thế nào? Không nên cực đoan, cấm đoán mà phải tiên phong tìm hiểu công nghệ mới và đem vận dụng vào quá trình dạy học.

PV: Như ông nói thì rõ ràng đây là tín hiệu mừng chứ không phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay, dư luận rất băn khoăn về sự xuất hiện của công cụ này. Theo ông thì các nhà trường nên có định hướng như thế nào về tiếp thu cái mới và sử dụng nó một cách thông minh?

TS Lê Đông Phương: Tôi nghĩ rằng mọi công nghệ hay mọi phương thức mới khi xuất hiện đều gặp sự phản ứng đôi khi cũng thái quá. Rất đơn giản là vì có những thế hệ cũ không theo kịp, thích ứng được đối với sự thay đổi của xã hội. Thế nhưng những người nắm bắt, làm chủ được công nghệ hay tri thức mới sẽ rất thích thú. Trong trường hợp của ChatGPT, những thanh niên làm chủ được công nghệ sẽ tiết kiệm được thời gian và thu được nhiều thông tin hữu ích. Nhà giáo phải là người tiên phong trong tiếp thu những kiến thức mới và thay đổi hoạt động dạy và học của mình. Còn đối với nhà trường, cần có sự hướng dẫn cho người học và kể cả người dạy trong việc sử dụng công nghệ mới này thông qua trải nghiệm. Tôi nghĩ rằng, làm theo cách đó, giáo viên sẽ nâng được vị thế của mình, hướng học sinh đến những điều tốt đẹp, thay vì để cho các em sử dụng nó vào các việc vô bổ.

PV: Vâng xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.