Bấy lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, học sinh sau THCS không đỗ vào lớp 10 THPT công lập và học sinh học xong lớp 12 không tiếp tục học đại học là một sự thất bại. Tại một đất nước có truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng, lấy sự đỗ đạt, bằng cấp cao là mục đích phấn đấu… thì dễ hiểu vì sao tâm lý chuộng bằng cấp vẫn nặng nề như vậy!

Nhưng, trong một xã hội mà cơ hội việc làm rộng mở, cơ hội thăng tiến và khẳng định giá trị bản thân được chia đều cho tất cả mọi người thì không học cao có phải là sự thất bại? Việc "ép" học sinh có học lực chưa tốt không thi vào lớp 10 công lập mà chuyển hướng đi học nghề thì liệu trường nghề chỉ dành cho học sinh yếu? Xung quanh vấn đề này, TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã dành cho P/V VOV2 cuộc trả lời phỏng vấn!

"Ép" học sinh không thi lớp 10 là hệ quả của phân luồng theo kế hoạch, chỉ tiêu

Phóng viên: Mỗi mùa tuyển sinh lớp 10 THPT và tuyển sinh đại học, câu chuyện phân luồng, hướng nghiệp lại nhận được sự quan tâm của xã hội. Ông nghĩ sao khi trong suy nghĩ của nhiều người, học nghề vẫn là lựa chọn sau cùng, hoặc 'chỉ có học yếu mới đi học nghề'?

TS. Đồng Văn Ngọc: Bức tranh hướng nghiệp, tuyển sinh những năm gần đây dù đã có những thay đổi tích cực nhưng về cơ bản học nghề vẫn là lựa chọn sau cùng.

Trước hết, mong muốn con em mình học lên cao là nhu cầu chính đáng bởi mọi người đều nghĩ đại học sẽ giúp con đường thăng tiến được rộng mở hơn. Nhưng quan điểm của tôi, mỗi học sinh có năng lực, sở trường, điểm mạnh, hạn chế khác nhau.

Thứ hai, không phải học giỏi là không đi học nghề. Bởi con đường học tập có nhiều hướng đi khác nhau nhưng điều quan trọng chúng ta phải nghĩ đến sự thành công, sự phát triển của mỗi người.

Có những bạn không học đại học, không học cao đẳng mà chỉ học chương trình ngắn hạn như chế tác các sản phẩm kim hoàn, làm tóc, làm móng… trong thời gian ngắn họ đã có hoạt động kinh doanh của riêng mình hay còn gọi là khởi nghiệp và thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp đó.

Như vậy, chúng ta cần nhìn định hướng tư vấn nghề nghiệp một cách rộng hơn, tức là làm thế nào để mỗi học sinh sau khi học hết lớp 9 THCS hoặc lớp 12 THPT đều chọn được một con đường học tập phù hợp với năng lực, nhu cầu và sở trường của mình.

(TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội)

Phóng viên: Những ngày qua lại rộ lên hiện tượng giáo viên gợi ý, nhà trường "ép" học sinh có học lực yếu không thi lên lớp 10 THPT mà đi học nghề. Hiện tượng này theo ông cho thấy góc nhìn thiên lệch về phân luồng, hướng nghiệp ra sao?

TS. Đồng Văn Ngọc: Quả đúng rằng mỗi mùa tuyển sinh, hướng nghiệp đến đâu đó lại xảy ra hiện tượng trường học, giáo viên gợi ý hoặc “ép” học sinh có học lực yếu, trung bình không thi lên lớp 10 THPT. Có trường chỉ trong một tuần đón nhận nhiều trường nghề đến làm công tác tuyển sinh và đưa ra lời tư vấn các em là không nên học đại học, không thi vào các trường THPT mà đi theo con đường học nghề.

Cách hướng nghiệp này là chưa chuẩn. Hướng nghiệp là phải giúp học sinh có đầy đủ thông tin, giúp các em có khả năng phân tích năng lực, sở thích, xu hướng việc làm, ngành nghề từ đó lựa chọn bậc học phù hợp. Chúng ta đừng hướng nghiệp theo kế hoạch, cứ đến mùa thi, mùa tuyển sinh mới triển khai.

Phóng viên: Nhiều năm trước đây, chúng ta từng sửng sốt trước hiện tượng sinh viên giấu bằng đại học đi làm công việc phổ thông; chúng ta ngỡ ngàng khi không ít sinh viên đại học bỏ ngang quay lại học nghề. Nhiều năm qua đi, dường như hiện tượng này vẫn tái diễn?

TS. Đồng Văn Ngọc: Ngay trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội vẫn đang có những trường hợp như vậy. Có những sinh viên học tại một cơ sở đại học, thậm chí là một trường danh tiếng nhưng sau một thời gian theo học các em đã dừng lại và quay trở lại học nghề.

Còn hiện tượng cất bằng cử nhân đi làm công việc phổ thông đã xảy ra và vẫn tiếp tục xảy ra. Đây là hệ quả của việc định hướng nghề nghiệp không phù hợp. Không xác định được học để làm gì và sau khi học thì việc làm ra làm sao? Cơ hội học tập suốt đời dường như chỉ dừng ở mặt nhận thức còn cơ bản mong muốn của hầu hết phụ huynh vẫn là con em học trình độ càng cao càng tốt.

Như tôi nói, đây có thể là nguyện vọng chính đáng nhưng chưa hẳn là phù hợp với thực tiễn. Bởi cơ hội phát triển, cơ hội học tập suốt đời cần được nhìn nhận một cách thực tế. Để sau khi tốt nghiệp trình độ nào đó, ở một lứa tuổi nào đó, các em có một gia đình riêng và mỗi thành viên trong gia đình đều có khả năng kiếm tiền một cách chính đáng, cùng có cơ hội phát triển và hạnh phúc. Đấy chính là mục đích cuối cùng của bất kỳ ai.

Học nghề không phụ thuộc vào học sinh giỏi hay yếu

Phóng viên: Sự chênh lệch giữa đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học phải chăng do chúng ta chưa giải quyết được nút thắt trong phân luồng, hướng nghiệp, thưa ông?

TS. Đồng Văn Ngọc: Đúng vậy! Hướng nghiệp trong hệ thống giáo dục của chúng ta thường làm theo kế hoạch chứ chưa đưa vào chương trình mang tính chất hệ thống. Tại các nước phát triển, họ định hướng phân luồng rất sớm. Ví dụ, Nhật Bản có mô hình Kosen, CHLB Đức có chương trình đào tạo nghề kép… tại các nước này ngay ở bậc tiểu học, học sinh đã được định hướng nghề nghiệp, chương trình hướng nghiệp nằm trong các giờ học, bài học.

Trong khi đó, chương trình hướng nghiệp của chúng ta 1 năm thường chỉ dành một vài tiết học. Việc hướng nghiệp theo kế hoạch như vậy nên dễ hiểu vì sao nhiều phụ huynh bức xúc việc con em họ muốn học THPT nhưng trường học lại “gợi ý” các em đi học nghề.

Rõ ràng cần phải đổi mới cách định hướng nghề nghiệp và đưa chương trình hướng nghiệp trở thành hoạt động thường niên từ bậc tiểu học đến bậc THPT để học sinh hiểu được mình nên học đại học hay nên đi theo con đường học nghề. Khi học sinh thấy rằng một bậc học đó phù hợp với mình, phù hợp với năng lực, phẩm chất của mình thì đấy là sự thành công của hướng nghiệp.

Phóng viên: Tuy nhiên, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã được đầu tư đủ mạnh, sự đổi mới của các trường nghề thực sự tạo sự chuyển biến về chất lượng hay chưa để học sinh, phụ huynh nhìn thấy được sự hiện đại, nhìn thấy được cơ hội của con em mình khi lựa chọn học nghề?

TS. Đồng Văn Ngọc: Trong những năm qua không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp của chúng ta phát triển và tiệm cận trình độ đào tạo khu vực và thế giới. Nhưng cũng có cơ sở đào tạo tồn tại nhiều hạn chế.

Theo quy định, chương trình đào tạo từ trình độ Cao đẳng trở xuống phải đảm bảo 70% đào tạo kỹ năng thực hành và 30% đào tạo lý thuyết. Nhưng không phải cơ sở đào tạo nào cũng có đủ trang thiết bị, năng lực nhà giáo để đảm bảo đào tạo cho các em đủ được 70% thực hành.

Các cơ sở đào tạo chất lượng tuyển sinh thuận lợi hơn nhưng những cơ sở chưa đảm bảo chất lượng thì việc tuyển sinh và đào tạo chưa đạt được kết quả đặt ra.

Đào tạo kỹ năng tay nghề muốn hiệu quả thì phải dạy thật, làm thật, nói thật; kiến thức lý thuyết gắn liền với thực hành. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng việc làm sau này của người học. Trước hết, các em có được việc làm sau khi ra trường hay không? Thứ hai, thu nhập khi đi làm thế nào? Thứ ba, cơ hội thăng tiến ra sao? Cần phải trả lời được ba câu hỏi đó.

Thực tế, nếu các em chọn học nghề chỉ cần 2-3 năm đã đủ điều kiện hòa nhập thị trường lao động, các em có việc làm, có thu nhập cùng cơ hội thăng tiến kèm theo. Nếu muốn học đại học và sau đại học, các em hoàn toàn có thể đăng ký và ứng tuyển vào một cơ sở đào tạo nào đó đảm bảo cơ hội học tập một cách bình thường lên trình độ đại học và sau đại học.

Phóng viên: Đối với trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, những năm gần đây, bức tranh tuyển sinh đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực ra sao?

TS. Đồng Văn Ngọc: Kết quả tuyển sinh của trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội những năm gần đây thu hút học sinh ở 40 tỉnh thành trong cả nước. Về chất lượng đầu vào, nếu lấy điểm thi THPT làm căn cứ thì chúng tôi không thể so với các trường đại học top đầu mà chỉ ở mức độ trung bình.

Nhưng đặc thù đào tạo nghề không phải các em học giỏi, tốt nghiệp THPT điểm số cao thì đương nhiên sẽ học giỏi ở bậc này. Ngược lại không phải các em học yếu ở THPT hay THCS mà vào trường nghề lại không học tốt. Bởi như tôi nói, 70% thời gian, chương trình là dành cho đào tạo kỹ năng.

Đối với Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nếu các em có chí hướng, mục tiêu học tập rõ ràng, các em học tập đầy đủ, chuyên cần cũng như thực hiện đúng các bài tập được giảng viên trang bị thì tôi tin các em hoàn toàn thành công. Bởi nhà trường đã và đang tiếp tục đầu tư trang thiết bị đào tạo kèm theo những chương trình tiên tiến phù hợp với doanh nghiệp. Cùng với đó, hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hợp tác với nhà trường sẽ giúp các em có môi trường thực hành, thực tập và cơ hội việc làm sau khi đào tạo.

Để tăng cơ hội thành công của người học, ngay trong năm 2024 khi học sinh đăng ký hồ sơ tuyển sinh, các em sẽ ghi mong muốn việc làm của mình. Nhiệm vụ nhà trường sẽ đồng hành cùng với các em suốt quá trình đào tạo và giúp phụ huynh, người học kết nối với doanh nghiệp. Chúng tôi kết hợp với doanh nghiệp để cam kết việc làm cho sinh viên.

Doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đào tạo nghề

Phóng viên: Để học sinh, phụ huynh và xã hội thấy được giá trị của học nghề, tôi nghĩ, ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp thì việc đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng?

TS. Đồng Văn Ngọc: Đầu tư mà nguồn lực Nhà nước cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nếu đầu tư dàn trải thì rất khó. Bởi hiện nay hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nhiều trường từ bậc Cao đẳng, Trung cấp đến các Trung tâm GDNN- GDTX. Nếu đầu tư dàn trải sẽ không có quốc gia nào làm được. Do vậy, quan điểm của tôi nên đầu tư trọng tâm, trọng điểm và hướng đến xã hội hóa. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, làm thế nào để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và chia sẻ nguồn lực từ đó giúp cho nguồn lực đầu tư của Nhà nước được giảm dần.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo không thể thụ động mà phải năng động hơn. Kết hợp giữa Nhà nước đầu tư, nhà trường năng động, doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo sẽ đem lại một giải pháp về vấn đề đầu tư. Và nếu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có một cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến, cơ hội việc làm rộng mở thì tôi nghĩ không có lý do gì lại không thể hấp dẫn người trẻ tham gia học nghề!

Phóng viên: Một vấn đề quan trọng nữa không thể không nhắc đến đó là sự liên thông giữa trường phổ thông với trường nghề và giữa trường nghề với các bậc học cao hơn. Bởi dường như, hệ thống các trường nghề vẫn đang loay hoay mỗi mùa tuyển sinh khi chưa có sự liên thông này, ít nhất là liên thông về mặt dữ liệu?

TS. Đồng Văn Ngọc: Đúng như vậy! Hiện nay như trường chúng tôi là một cơ sở đào tạo nghề chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng dữ liệu về học sinh chúng tôi không được tiếp cận, không được kết nối mà hoàn toàn phải tự đi khai thác. Đây cũng là tình trạng chung của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước gặp phải. Điều này cần có sự chỉ đạo của Chính phủ để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chia sẻ dữ liệu học sinh để giúp các trường nghề có thể chủ động trong công tác tuyển sinh.

Hiện nay, trong quy định của luật, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp muốn đào tạo học sinh sau THCS theo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT thì phải có sự đồng ý của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, điều trở ngại là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với một trung Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn để đào tạo, giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên. Như vậy, các trường nghề chỉ quản lý về hồ sơ, sổ sách, chỉ tiêu… còn giảng dạy phải thông qua một Trung tâm GDNN-GDTX. Đây là một khó khăn, bất cập được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nêu từ nhiều năm nay nhưng chưa được tháo gỡ.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng đào tạo cả về kiến thức văn hóa và nghề, tiết kiệm thời gian cho học sinh khi phải học tập cả 2 cơ sở, các trường nghề mong mỏi được giao nhiệm vụ đào tạo, quản lý học sinh học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên THPT. Tôi nghĩ rằng Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm đề xuất để chỉnh sửa Luật, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!