Tiếc nuối khi dừng tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng

Trường THCS Chu Văn An là 1 trong 7 trường cấp 2 của Hà Nội đang đào tạo thí điểm hệ song bằng. Là học sinh lứa đầu tiên theo học hệ này, Phạm Huyền Minh Ngọc, học sinh lớp 8 cảm thấy chương trình mới mẻ, hấp dẫn bởi em có nhiều thời gian tiếp xúc với giáo viên bản địa, có cơ hội tiếp xúc nguồn kiến thức đa dạng hơn.

Trong khi đó, Phạm Bảo Minh tỏ ra tâm đắc khi được rèn luyện ngoại ngữ tốt hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Khi học hệ song bằng, Minh cũng cảm thấy tự tin hơn về khả năng giao tiếp tiếng Anh. Do đó, em mong muốn sẽ được học tiếp hệ song bằng ở bậc THPT.

Được đánh giá là “chất lượng ngoại” nhưng “học phí nội”, chương trình đào tạo song bằng ngày càng có sức hút sau 3 năm triển khai thí điểm. Thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội cho biết, đây là mô hình hoàn toàn mới với các trường công lập nên không tránh khỏi bỡ ngỡ trong những năm đầu tiên triển khai. Tuy nhiên, sau nhiều năm điều chỉnh, học sinh hệ này có sự tiến bộ rõ rệt. Minh chứng là học sinh hệ này có khả năng tự học tương đối tốt, chủ động tự tin thể hiện bản thân. Đây là sự khác biệt so với học sinh cùng trang lứa.

Riêng chương trình trong nước, nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh hệ song bằng thi chung với học sinh toàn khối. Kết quả, học sinh hệ song bằng vẫn đứng tốp cao nhất so với các bạn trong khối.

Sau 3 năm thí điểm, cách tiếp cận với một chương trình mới đã thay đổi cả quá trình quản lý dạy và học của toàn trường chứ không riêng chỉ có học sinh khối Cambridge. Cô Trịnh Diệu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, đồng thời cũng tham gia giảng dạy môn Toán hệ song bằng có chút tiếc nuối khi năm tới sẽ tạm dừng tuyển sinh lớp 6 hệ này.

“Trong thời gian làm việc với học sinh lớp song bằng, tôi học hỏi nhiều từ giáo viên nước ngoài là những người trực tiếp giảng dạy hệ Cambridge của chương trình, học hỏi về phương pháp sư phạm, giao tiếp với học sinh, bản thân giáo viên Việt Nam cũng hoàn thiện hơn”, cô Hằng khẳng định.

Theo cô Hằng, chương trình song bằng có ưu điểm hơn hẳn so với chương trình thường ở phương pháp giảng dạy và tiếp cận khác. Học sinh tự học, tự tìm hiểu tài liệu, chủ động, tự giác.

Người ngoài tê tái, người trong khóc thầm

Có con đang học lớp 8 hệ song bằng tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Hương trăn trở lúc này là kết thúc bậc THCS, con có “lách” qua được cánh cửa hẹp để tiếp tục được học tiếp hệ song bằng ở cấp 3 hay không?

Hiện nay, Hà Nội có 7 trường đang đào tạo thí điểm hệ song bằng gồm: THCS Chu Văn An, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Trưng Vương, THCS Thanh Xuân, THCS Hà Nội Amsterdam, THCS Cầu Giấy và THCS Nghĩa Tân. Mỗi khóa thí điểm có 350 học sinh song bằng, nhưng chỉ có 2 trường trung học phổ thông tuyển 100 học sinh song bằng là THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Điều chị Hương mong muốn là Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có chính sách mở rộng chỉ tiêu tuyển học sinh cấp 3 hệ song bằng, vì không tiếp tục học lên cấp 3 thì các con học chương trình cấp 2 rất phí…

Tuy nhiên, chị cũng khẳng định sẽ không gây áp lực cho con phải vào bằng được hệ song bằng THPT vì để theo học chương trình song bằng ở THCS, con chị cũng đã rất vất vả. Chương trình con học ở lớp dày đặc, các con học 2 buổi/ngày, học cả thứ 7 cho cả bằng Việt và bằng Cambrigde. Tôi chưa cho con đi học thêm nhiều. Chị Hương còn lo lắng con học song bằng sẽ có thi và học được chương trình THPT bình thường. "Nếu dứt khoát không mở rộng chỉ tiêu cấp 3 hệ song bằng, tôi sẽ phải cho con học toàn diện hơn ở các môn Việt Nam để con thi được vào trường cấp 3 công lập nào đó"- chị Hương chia sẻ.

Tuy nhiên khác với những lo lắng âm thầm của những phụ huynh có con học song bằng như chị Hương, “sốc” nhất lúc này là những phụ huynh có con học lớp 5 có nguyện vọng theo học hệ chương trình này. Chị Minh Hà ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, gia đình chuẩn bị thời gian và tiền bạc đầu tư ôn luyện để con thi vào hệ song bằng. Tuy nhiên, thông tin dừng tuyển sinh hệ này một cách đột ngột khiến bao dự định của cả gia đình “đổ sông đổ bể”. "Thông tin dừng tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng khiến gia đình tôi hoang mang, không kịp chuyển hướng, chị Hà phẫn nộ.

Sẽ mở rộng chỉ tiêu song bằng THPT?

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6 nhằm đảm bảo tiến trình thời gian quy định trong Đề án, đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng chương trình.

Là một chương trình mới nên tới đây, nếu tiếp tục thực hiện, ông Đặng Việt Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho rằng sẽ cần phải có một số điều chỉnh trong chương trình. Điều đầu tiên là cần tích hợp sâu hơn giữa chương trình Việt Nam và Cambridge để giảm tải lượng kiến thức trùng lặp cho học sinh càng nhiều càng tố, tránh để học sinh bị quá tải.

Thứ 2 là quan điểm của chương trình Việt Nam cho việc kiểm tra, đánh giá cần có sự thay đổi trong các nhà trường để gần như đồng nhất với chương trình Cambridge.

Thứ 3, hiện nay chương trình thí điểm nên chưa có biên chế chính thức cho những người tham gia ở Việt Nam mà toàn bộ nằm trong dự án thí điểm thì không lâu dài, phần tài chính chưa được nêu cụ thể trong chương trình. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách với những người hỗ trợ như biên chế giáo viên, phần tài chính để động viên những người tham gia, ông Hà đề xuất.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024 sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ đề án này. Trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bài học kinh nghiệm… Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu thành phố, Bộ GD&ĐT về kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Trước câu hỏi, học sinh lớp song bằng xin chuyển ra lớp thường ra sao? Học sinh song bằng tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ học ở đâu? Sở có cơ chế cộng điểm hay tuyển thẳng, ưu tiên nào cho các học sinh song bằng đạt kết quả cao? Thi vào 10 song bằng mà trượt, thi vào trường khác có hòa nhập được không? Ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, cơ hội của thí sinh là rất rộng. Học sinh từng theo học hệ này vẫn có thể học theo chương trình bình thường của Bộ GD&ĐT, hoặc theo học các chương trình hệ Cambridge ở các trường quốc tế, tư thục; trường chất lượng cao.

Ông Tiến cũng cho biết, Hà Nội sẽ tính toán việc tăng số chỉ tiêu song bằng ở Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đồng thời có thể xem xét mở rộng số trường THPT được đào tạo chương trình song bằng trong năm học tới. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo tỷ lệ HS học song bằng ở bậc THCS đỗ vào các trường THPT công lập đào tạo song bằng đạt 60%, tương tự tỷ lệ HS sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập bình thường.

Trong Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 4 hôm 28/4, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở GD-ĐT báo cáo, tham mưu UBND TP về việc tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng trên địa bàn. UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT báo cáo trước ngày 15/5/2021.

Dẫu biết, đào tạo hệ song bằng là chương trình thí điểm song việc chưa đánh giá tổng kết đã dừng đột ngột rõ ràng đã gây ảnh hưởng tới không ít phụ huynh, học sinh và không chỉ ảnh hưởng 1 năm mà là định hướng tương lai của nhiều em và nhiều gia đình. Đây lại tiếp tục là bài học kinh nghiệm về việc thí điểm trong giáo dục, một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến yếu tố con người../.

Nghe chương trình tại đây: