“Chữ Tâm chữ Tài”- Tour trải nghiệm mở rộng biên độ văn chương nhà trường
18h, vườn tượng ở trung tâm Bảo tàng Văn học Việt Nam trên phố Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội bừng ánh sáng hồng ấm báo hiệu giờ tour “Tâm-Tài” bắt đầu. Giữa vườn cây lá xanh tươi, những gương mặt thi nhân, văn nhân trong dạng bản điêu khắc toàn thân, bán thân qua lời giới thiệu mở đầu của hướng dẫn viên mở ra một không gian hứa hẹn nhiều xúc cảm.
Phạm Gia Linh,Trường THPT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội thuộc lứa học sinh 2k7 học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Trong chương trình mới, văn học được xem như môn học đổi mới nhiều nhất, bằng việc tháo bỏ sự khuôn gọn nội dung học ở sách giáo khoa, xóa bỏ học tác phẩm nào, kiểm tra thi cử quanh tác phẩm đó. Chính điều này, cộng thêm những gợi ý, hướng dẫn từ giáo viên bộ môn, Gia Linh đã tìm đọc thêm những tác phẩm khác cùng thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết. Em cũng chịu khó tìm kiếm thêm thông tin mở rộng về tác giả, tác phẩm. Gia Linh tham gia tour “Tâm- Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng từ kiếm tìm cá nhân trong tâm thế háo hức tìm hiểu nền văn học Việt Nam theo một cách thức khác.
“Đây là lần đầu tiên em đến bảo tàng dự một tour đặc biệt thế này. Ngay khi ở khu vườn tượng, với những chia sẻ mở màn của hai chị hướng dẫn viên, em hi vọng sau hành trình tour kéo dài 90 phút sẽ có được cái nhìn tổng thể nhất về nền văn học Việt Nam, về tác giả cùng tác phẩm nổi bật và đặc biệt những câu chuyện văn chương mà nếu chỉ học ở trường em sẽ khó có cơ hội tiếp cận. Hoạt động trải nghiệm mà nhà trường tổ chức lâu nay vẫn chỉ là những chuyến vui chơi, teambuiding. Còn lần này, em nghĩ sẽ rất khác”, Gia Linh chia sẻ.
Rời vườn tượng, Gia Linh cùng các khách tour bắt đầu tham gia phần chơi đầu tiên: Gánh chữ “Tâm- Tài”. Nương theo câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, đoàn khách gồm học sinh, giáo viên, phụ huynh gánh chữ cách điệu được thắp sáng bằng những ngọn đèn, bước qua một quãng hành lang tối để bước vào ngôi đền văn chương. Từng bước, thế giới văn chương mở ra với khách tham quan bằng những tình huống bất ngờ, đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Phần văn học chữ Hán bắt đầu bằng tác phẩm “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Tiếp ngay phần giới thiệu của hướng dẫn viên, trên nền nhạc trầm hùng, giọng đọc trầm hùng cất lên kết hợp cùng video tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm văn chương nổi bật nhất giai đoạn thế kỉ X đến thế kỉ XIV. Lần lượt qua văn học chữ Nôm, khách tham quan được tiếp cận với chiếc bàn làm việc của đại thi hào Nguyễn Du, hiện vật quý báu duy nhất còn sót lại.
Khi các cô cậu học trò còn đang lần theo những dòng ghi chú về tác giả, tác phẩm văn học thì giật mình khi anh Chí với chai rượu ngất ngưởng bước ra vung tay chửi cả làng Vũ Đại. Trường đoạn anh Chí thức tỉnh sau bát cháo hành của thị Nở diễn ra tự nhiên bằng hình thức sân khấu hóa như một sự kết nối khéo léo, dẫn dắt khán giả chuyển sang không gian văn học hiện đại.
Nếu ở trường, học sinh phổ thông mới chỉ biết đến Xuân Quỳnh qua “Chuyện cổ tích về loài người” hay “Sóng” thì ở đây, các diễn giả khách mời sẽ kể những câu chuyện về cặp đôi Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, về căn phòng 6m2, nơi hai thi nhân sống cuộc đời với đủ cung bậc cảm xúc, về những câu chuyện đời tác động đến hành trình, cảm hứng sáng tác của hai tài năng văn chương nước nhà.
Chủ động đặt tour “Tâm- Tài” cô giáo Nguyễn Minh Thu, hiện đang dạy môn Địa lý tại trường THCS Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm cùng một nữ đồng nghiệp hào hứng tham gia đố chữ, trò chơi cuối cùng khép lại hành trình khám phá văn chương.
“Mình và bạn Nguyễn Thị Hoài Thu đều công tác trong lĩnh vực giáo dục, đều yêu thích văn chương từ thời phổ thông và cũng lại thích đi bảo tàng. Chúng mình có một dự án nho nhỏ là cùng nhau đến tất cả các bảo tàng của Hà Nội. Trải nghiệm tour Tâm- Tài hôm nay, mình thực sự rất thích và thấy nếu đưa học sinh đến đây cũng là cách góp phần đổi mới giáo dục môn Văn trong nhà trường bằng phương thức tạo nên một tổng thể chung, từ đó các tác phẩm cụ thể được thể hiện bằng nhạc, thơ, kịch, video, sân khấu hóa. Tham gia trải nghiệm sẽ khiến các em ấn tượng và rồi khắc sâu về tác giả, tác phẩm”, cô giáo Minh Thu chia sẻ.
Tiến Minh, học sinh lớp 8 trường Academy thích toán và khoa học tự nhiên. Minh học môn Ngữ Văn không tệ nhưng sự khuôn khổ của việc dạy học bộ môn trong nhà trường không khiến em hứng thú. Minh cũng không ngờ tour trải nghiệm văn chương hôm nay lại có sức cuốn hút đến vậy.
“Chương trình hôm nay khá hay, có kịch xen vào, thu hút sự chú ý của mọi người và không bị lặp đi lặp lại, thay đổi liên tục nhưng cũng kết nối đủ để con hiểu và nhớ về văn học Việt Nam. Có lẽ cũng sẽ giúp con và nhiều bạn tâm hồn phong phú hơn”.
“Không đổi mới thì không thể mong tạo sự hấp dẫn cho trải nghiệm văn chương”
Đỗ Anh Vũ, BTV ban Văn học nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam là diễn giả khách mời thường xuyên suốt từ khi Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức hoạt động trải nghiệm “Tâm-Tài”. Anh Vũ cho rằng bản thân phải tự đổi mới, phải hứng khởi trước rồi mới hi vọng chuyển tải được đến mọi người, đặc biệt các em học sinh những giá trị đẹp đẽ, hấp dẫn của văn chương.
“Chính mình không được chán mình mới đem được sự hứng thú và vẻ đẹp của văn chương tới mọi người. Mình nghĩ rằng tùy vào độ tuổi của khách trải nghiệm mà mình gia giảm. Ví dụ với Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh mà đối tượng nghe có đông học sinh tuổi tiểu học, mình nói nhiều về các tác phẩm thiếu nhi như “Mẹ yêu con”; “Bầu trời trong quả trứng”; “Ngày em vào đội”... Khi có đông các em bậc THPT, mình nói đến thơ tình cùng những câu chuyện về hai con người đặc biệt của thi ca Việt Nam”, diễn giả hoạt ngôn, có duyên đồng thời có sức nhớ phi thường về tác giả, tác phẩm chia sẻ.
Một trong những điều tạo nên sức hấp dẫn cho trải nghiệm văn chương nơi đây theo BTV Anh Vũ nằm ở những câu chuyện cuộc đời, chuyện của làng văn nghệ, vui buồn hằng ngày của văn nhân. Có thể giáo viên dạy văn các cấp cũng biết nhưng thời lượng tiết dạy quá ngắn và lại còn cần đảm bảo việc tập trung vào tác phầm cụ thể trong SGK sẽ khó lòng truyền tải hết cho học sinh.
Tạo sự khác biệt, đồng thời đem tác phẩm đến với học sinh phổ thông, với công chúng mỗi tác phẩm ở nhiều góc độ khác nhau như âm nhạc, kịch nói... góp phần kích thích các em yêu hơn, say mê hơn và thích khám phá hơn.
TS Thanh Nga công tác tại Viện Văn học Việt Nam đã cùng BTV Đỗ Anh Vũ dẫn khách trải nghiệm văn chương từ những ngày đầu mới mong muốn, hi vọng từ cách thức làm mới sẽ khiến công chúng, đặc biệt học sinh phổ thông chủ động đến với văn chương.
Tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn cả ở bậc phổ thông và đại học, TS Thanh Nga cho rằng trước nay, việc dạy và học bộ môn này khá máy móc, theo công thức chung học gì thi nấy. Chính điều này đã làm giới hạn tham vọng tìm hiểu, khám phá thế giới văn chương của các em. Sự thụ động thể hiện ở việc học sinh chỉ chú tâm tác phẩm sách giáo khoa, tìm đọc và thậm chí học thuộc lòng những trích giảng có sẵn, khiến đọc sách trở thành điều xa lạ với số đông học sinh.
“Chúng tôi cũng đã gợi ý với bảo tàng tới đây sẽ tổ chức tour dành riêng cho văn học thiếu nhi vì có khá đông các em lứa tuổi tiểu học. Ở đó, ít nhất trẻ con sẽ hiểu được ngôn ngữ dân tộc là như thế, thể thơ này là như vậy và những hình tượng văn học mình đọc thêm ở ngoài thế nào. Có thể sau này bảo tàng cũng nên mở rộng trải nghiệm từ văn học Việt Nam ra văn học thế giới. Điều này sẽ khiến các em học sinh trở lại, trải nghiệm thêm”, TS Thanh Nga chia sẻ thêm.