Trước bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác an toàn vệ sinh lao động đã và đang được các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ chú trọng để nâng cao chất lượng hoạt động. Đây chính là lý do khiến Bảo hộ lao động trở thành ngành nghề thu hút nguồn nhân lực khá lớn.

Trong hệ thống đào tạo giáo dục đại học ở Việt Nam, hiện tại có 2 trường đào tạo ngành Bảo hộ lao động, đó là trường Đại học Công đoàn và trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo TS Vũ Văn Thú, trưởng Khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp của trường Đại học Công đoàn, 99,9 % sinh viên tốt nghiệp ngành này đều tìm được việc làm.

Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ngành Bảo hộ lao động ​​​​

Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ có kỹ năng điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá và quản lý tổng hợp môi trường lao động; đề xuất các giải pháp công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường lao động trong quá trình sản xuất; loại trừ các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động, sự cố trong sản xuất và các yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp.

Người đã tốt nghiệp có đủ năng lực để làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh hay các cơ quan đơn vị với các vị trí việc làm như sau:

- Làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề về an toàn sức khỏe và môi trường, ví dụ như ở Bộ lao động thương binh xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành phố.

- Làm việc ở các Bộ, các ngành kinh tế kỹ thuật hay là khối công nghiệp quốc phòng, an ninh về công tác an toàn sức khỏe và môi trường.

- Làm việc phục vụ trong hệ thống của tổ chức công đoàn các cấp từ Tổng Liên đoàn Lao động người đến Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố, công đoàn quận, huyện và xã.

- Làm cán bộ an toàn lao động hay an toàn sức khỏe và môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, trong các trường học.

- Làm cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu ở các Viện nghiên cứu về vấn đề về an toàn sức khỏe và môi trường; giảng dạy ở trường đại học, đặc biệt là các trường khối cao đẳng nghề.

Các bạn trẻ cần chuẩn bị hành trang gì khi muốn trở thành kĩ sư Bảo hộ lao động?

Theo TS Vũ Văn Thú, nghề an toàn sức khỏe môi trường là một nghề mang tính chất nhân văn, chúng ta phải nói được, phải làm được mà làm thật tâm, thật dạ, thật lòng nên các bạn học sinh có chiều hướng muốn học ngành này phải yêu nghề, yêu ngành, có chí hướng phát triển.

Các em học sinh học khối A hay và khối D có lợi thế khi chọn học ngành Bảo hộ lao động. Còn những học sinh theo khối C có thể học song ngành nhưng sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận những học phần mang tính kỹ thuật.

Ngành Bảo hộ lao động có phù hợp với nữ?

Đây là một vấn đề được rất nhiều thí sinh, học sinh, phụ huynh cũng quan tâm vì mọi người thường nghĩ rằng nghề an toàn sức khỏe môi trường này là kỹ thuật mà kỹ thuật thì ưu tiên nam giới.

Thế nhưng từ thực tế sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo hộ lao động của trường Đại học công đoàn cho thấy nhiều bạn nữ khi làm việc đã thể hiện năng lực rất tốt, đặc biệt là trong hệ thống khối công tác ở các bộ, ban, ngành quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh. Các bạn nữ càng ngày càng khẳng định được tính đúng đắn, sự lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Tìm hiểu hành trình trở thành kĩ sư Bảo hộ lao động ở đây: