Sáng nay (18/7), Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đồng thời công bố phổ điểm từng môn thi, từng tổ hợp xét tuyển truyền thống như A, A1, B, C, D để xét tuyển đại học.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đánh giá, phổ điểm năm nay về cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn.
Cụ thể đối với môn Toán, nếu như năm ngoái điểm 8 trở lên chiếm tỷ lệ 21% thì năm nay chỉ chiếm hơn 15%. Môn Vật lí, năm ngoái tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 22,74 %, năm nay, theo số liệu thống kê có 21,3%.
"Như vậy, về cơ bản phổ điểm môn Vật lí có thấp hơn, có sự phân hóa và thấp hơn so với năm ngoái, điểm giỏi cũng thấp hơn so với năm ngoái một chút. Đặc biệt môn Hóa học, tỉ lệ điểm giỏi của năm ngoái là 27,8%, năm nay tỷ lệ điểm giỏi chỉ 22,6%", GS.TS Nguyễn Đình Đức nói.
Đối với môn Lịch sử, ông Đức cho rằng, năm nay đề thi có sự điều chỉnh phù hợp. Năm ngoái tỷ lệ điểm giỏi, điểm 8 trở lên của môn Lịch sử là 18%, năm nay chỉ còn 13%. Điều này cho thấy, đề thi phù hợp với trình độ của thí sinh cũng như chương trình THPT. Qua đây cũng có sự phản ánh cải thiện rất tốt đối với môn Lịch sử. Bởi vì như năm 2021, tỉ lệ điểm 8 trở lên chỉ đạt 5,43 %.
Riêng môn Ngữ văn, nếu theo tỷ lệ thông kê điểm giỏi năm ngoái là 42%, tính từ điểm 7 trở lên thì năm nay tỷ lệ này chiếm 46% - có nhích hơn so với năm ngoái.
Đối với môn Tiếng Anh, năm 2021 tỷ lệ điểm giỏi tiếng Anh gần 20%; năm 2022 tỷ lệ điểm giỏi là 11,9%. Năm nay, tỷ lệ này chiếm 15,03%. Điều này cho thấy đề thi đã sự điều chỉnh rất phù hợp và về cơ bản giữ được sự ổn định.
Từ kết quả kỳ thi THPT năm 2023 theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, đề thi đã có sự điều chỉnh, phân hóa rõ rệt, đặc biệt là những môn thi thuộc lĩnh vực STEM; sự phân hóa, sự điều chỉnh của năm nay tốt hơn so với năm ngoái.
Mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi THPT như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh vào đại học.
"Về mức điểm tốt nghiệp THPT năm nay dự báo ở một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối khoa học tự nhiên. Thậm chí tỉ lệ % chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác có thể tăng lên nên có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm. Về cơ bản, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học năm nay không có sự biến động lớn so với năm ngoái và các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh", GS.TS Nguyễn Đình Đức dự báo.
Bên cạnh đó, theo dự báo của GS.TS Nguyễn Đình Đức, các tổ hợp có môn Toán, Hóa, Địa Lý dự kiến điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn từ 0,5-1,5 điểm so với năm ngoái.
Các tổ hợp có tiếng Anh, Ngữ Văn, Giáo dục Công dân có thể sẽ nhích hơn chút, từ 0,5-1 điểm so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, việc tăng, giảm còn phụ thuộc vào chỉ tiêu so với năm 2022 cũng như chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức tuyển sinh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
"Một trong các kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại là kỳ thi tốt nghiệp THPT và hầu hết các trường đại học tin tưởng vào kết quả này cho nên đây là một cơ sở. Chúng ta thấy, đề thi mặc dù có mặt bằng chung nhưng có sự phân hóa. Chúng ta xem xét trên các tổ hợp khác nhau, tùy thuộc vào các trường có mong muốn tuyển sinh từng tổ hợp mà có thể nhìn nhận trên đây là một cơ sở được lựa chọn. Ví dụ như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi dành hơn 70% chỉ tiêu để tuyển các em thí sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này để thấy được niềm tin đối với kỳ thi rất cao".
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT:
"Phổ điểm năm 2023 cùng hai năm trước tương đối ổn định. Riêng phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ GD-ĐT nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có một kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ"