Hơn 10 năm trước, Ly Thị Cộng, cô gái 9X người Mông quê Sơn La chọn nghề giáo viên mầm non với một lẽ đơn giản: “Tình yêu thương với con trẻ”. Cũng bởi tình yêu ấy mà suốt 10 năm qua, Ly Thị Cộng đã đi khắp các bản của xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên để chăm trẻ, gieo chữ. Điểm trường Vàng Lếch 2 – nơi cô được phân công giảng dạy năm học 2021-2022 nằm tít trên núi cao và là một trong những điểm bản khó khăn nhất của xã Nậm Tin. Trên đỉnh núi ấy, lớp mầm non, mà thực chất là một gian nhà học tạm, luôn rộn vang tiếng cười, tiếng hát của cô và trò.

Phóng viên VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã ghi lại những âm thanh và cả hình ảnh xúc động của cô giáo Ly Thị Cộng tại điểm trường Vàng Lếch 2 (Xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

(Bấm nghe phóng sự phát thanh Cô giáo Mông trên đỉnh núi Nậm Tin)

Sáng sớm, cô Ly Thị Cộng đã có mặt tại điểm trường chính nhận thực phẩm nấu bữa trưa cho học sinh. Để đến được điểm trường Vàng Lếch 2, cô phải chèo bè vượt qua con suối Nậm Tin.

Cô Cộng nhớ lại, ngày đầu tiên chèo bè qua suối, tay run run vì sợ. Lên đến điểm trường, cô phải định thần lại một chút vì sợ hãi. Chèo bè mãi cũng thành quen nhưng ngại nhất lúc mưa to, gió lớn, nước suối lên cao thì sức của một nữ giáo viên khó lòng chèo qua được.

“Trước đây cũng có một cô giáo ở trường bị trôi bè ngã xuống. Rất may học sinh nhìn thấy nên xuống cứu không sao. Trong tuần vừa rồi mưa to nước suối chảy xiết lắm nên phải ngủ ở bản. Nếu muốn về thì phải đi đường vòng rất xa”, cô Ly Thị Cộng kể lại.

(Cô Ly Thị Cộng chèo bè qua suối để đến điểm trường Vàng Lếch 2)

Lớp học mầm non của cô Cộng cách điểm trường chính không quá xa nhưng lại nằm tít trên núi cao, độ dốc lớn nên đến đó phải mất khá nhiều sức lực. Những ngày mưa gió, giáo viên phải xác định đi thật sớm để đến lớp đúng giờ đón học sinh.

Lớp học của cô Cộng trên bản Vàng Lếch 2 thực ra chỉ là một gian nhà dựng tạm mượn lại của một người dân trong bản. Đón cô giáo, 16 đứa trẻ dân tộc Mông từ 2-5 tuổi, đứa nào đứa nấy cũng bé nhỏ so với tuổi. Nhìn thấy cô, chúng háo hức lắm, duy chỉ có một cô bé là khóc mãi không thôi. Cô Cộng phải mất hồi lâu để dỗ dành.

Như một người mẹ, cô Ly Thị Cộng gọi từng đứa nhỏ đến chải đầu, buộc tóc cho gọn ghẽ. Có đứa mới ngủ dậy, còn đang ngái ngủ bố mẹ đã đưa vào lớp để lên nương nên chưa kịp rửa mặt, cô giáo lại lấy khăn để lau rửa…

“Hầu như giáo viên nào cũng phải làm như một người mẹ vậy, từ việc vệ sinh, thay quần áo cho trẻ, cơm nước, dọn dẹp… Chỉ có điều, nếu ở nhà mình chỉ chăm 1-2 đứa con nhưng lên đây mình phải vài chục cháu nên nhiều khi cũng khá mệt, áp lực”, cô Ly Thị Cộng chia sẻ.

16 đứa trẻ, cô Cộng chia ra làm các nhóm tuổi khác nhau. Những cháu 2 tuổi chủ yếu là chăm sóc, dỗ dành; nhóm 3-4 tuổi cô cho học hát, chơi trò chơi… còn với trẻ 5 tuổi, cô cho học các chữ cái, con số trong phạm vi 10.

“Chỉ dạy các em thuộc một bài hát thôi giáo viên cũng phải mất mấy ngày trời. Dạy mọi lúc, mọi nơi để cho trẻ nhớ. Riêng với trẻ 5 tuổi, đến nay hầu như các bé đã thuộc được bảng chữ cái và nhớ được con số trong phạm vi 10 để khi vào lớp 1 trẻ có thể hòa nhập được nhanh”, cô Cộng nói về khó khăn khi dạy trẻ mầm non ở trên bản.

Điều thuận lợi là cô Ly Thị Cộng là người Mông nên những gì các bé không hiểu, cô lại dùng tiếng Mông để giải thích. Nhưng cũng phải rất hạn chế vì theo cô, nếu giao tiếp nhiều bằng tiếng Mông, trẻ sẽ gặp khó khăn khi học, giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

10 giờ sáng, cô Cộng tạm dừng lớp học để chuẩn bị bữa cơm trưa cho học sinh. Rất mừng là từ năm học này, cô được phụ huynh ở bản hỗ trợ trong việc chuẩn bị bữa trưa cho con, nhưng để bữa cơm của học sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, cô giáo vẫn phải vào bếp để hướng dẫn.

Bữa cơm của trẻ hôm nay có món thịt băm xào với trứng và canh cải. Đây là món ăn mà như cô Cộng nói, trẻ ở đây rất thích ăn. Nhưng để các em không chán, các bữa ăn trong tuần đều được giáo viên thay đổi thực đơn.

Anh Hờ A Chía, một người dân trong bản Vàng Lếch 2 cũng vào bếp phụ tay cho cô giáo. Anh nói, từ khi có giáo viên ở ngoài xã vào đây dạy học cho bọn trẻ, cái bản nhỏ bé trên đỉnh núi này vui lên hẳn. Con trẻ được cô giáo chăm sóc chu đáo để bố mẹ an tâm khi lên nương, lên rẫy.

“Hôm nào mưa to quá, cô giáo không chèo bè qua suối được là phụ huynh phân công nhau xuống tận điểm trường để đón cô giáo lên đây”, anh Chía xúc động nói.

Còn chị Vàng Thị Táu hôm nào đi làm nương về cũng ghé qua lớp học để xem cô – trò học hát, học chữ. Con chị Táu năm nay mới 2 tuổi, theo quy định, nhà trường chưa thể nhận. Nhưng cô Cộng vẫn bảo đưa cháu đến lớp học để vừa chăm sóc, vừa học cùng các anh chị. Điều này khiến chị Táu xúc động lắm vì nếu đưa cả con lên nương thì rất vất vả.

“Phụ huynh ở đây vất vả lắm. Sáng lên nương từ rất sớm nên con nhỏ đều để lại cho cô giáo chăm sóc. Cô dạy dỗ, chăm sóc cả ngày đến cuối giờ chiều bố mẹ các cháu mới đón”, cô Cộng cho biết.

Buổi trưa, lớp học nhỏ bé im lặng giữa núi rừng Nậm Tin. Các bé được ngủ trưa để cho giờ học buổi chiều. Cô Cộng tranh thủ sắp xếp đồ đạc, rửa bát hay thiết kế đồ chơi tự làm cho các bé.

Cô Vì Thị Hà, đồng nghiệp của cô Cộng hôm nay cũng lên bản Vàng Lếch 2 để dự giờ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Cô Hà cho biết, các điểm bản ở Nậm Tin hầu như đều khó khăn như nhau, đều phải đi bộ mới đến tận điểm trường được. Riêng với bản Vàng Lếch 2, khó nhất là giáo viên phải chèo bè qua suối. Nên mỗi khi mưa lũ đến các cô phải nhắn tin, gọi điện hỏi thăm hôm nay đi như thế nào? Đã đến nơi chưa?

Vất vả, khó khăn là không kể hết, nhưng cả cô Cộng hay cô Hà đều không hề hối hận khi lựa chọn nghề giáo viên mầm non. Các cô cũng không hề ca thán về những khó khăn, cách trở mình gặp phải. Thậm chí, mỗi ngày đến điểm trường nhìn thấy học sinh là một niềm hạnh phúc với các cô!

“Điều hạnh phúc nhất của cô giáo mầm non mỗi khi đến bản là thấy các con đều khỏe mạnh, vui chơi, đến lớp đầy đủ. Tôi coi học sinh giống như con của mình thôi. Thấy các con vui là mình vui theo!”, cô Cộng chia sẻ về niềm hạnh phúc của mình.

Nói về mức lương hiện nay, cô Ly Thị Cộng cho biết, gần 10 năm tuổi nghề, cô được hưởng 8 triệu đồng tiền lương một tháng. Dù nói rằng hài lòng với mức lương này nhưng cô Cộng cho biết ở nhà vẫn phải chăn nuôi, trồng trọt thêm bởi nếu chỉ dựa vào đồng lương thì không thể đủ.

“Đối với điểm trường Vàng Lếch 2, tôi mơ ước có một cây cầu bắc qua suối để bà con đi lại cho dễ dàng, thuận lợi. Cô giáo đi đến bản cũng đỡ vất vả hơn. Ngay cả các con đi học tiểu học, học cấp 2 cũng đều phải đi qua suối, phải đi bè nên rất vất vả, nguy hiểm nên rất mong có một cây cầu. Nếu mà chờ đợi để nhà trường cùng dân bản làm thì rất khó”, cô Ly Thị Cộng mong ước.

Bà Tòng Thị Nọi (Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ): Cô Ly Thị Cộng là một giáo viên rất tâm huyết với nghề. Cô là người Mông nên giống như một người dân bản địa ở đây vậy. Cô hiểu được phong tục, tập quán ở đây nên hầu như các điểm trường khó khăn ở Nậm Tin cô đều xung phong đi.

Cô Cộng cũng giống như các giáo viên mầm non khác ở đây, các cô như một người con trong bản vậy. Và đối với trẻ, các cô cũng như một người mẹ. Chăm sóc trẻ từ ăn uống, dạy dỗ đến vệ sinh. Niềm mong mỏi lớn nhất của các cô giáo mầm non ở đây là tại các điểm trường có đường đi lại thuận lợi hơn...

Bà Hoàng Thị Bích (Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ): Đối với giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn thiếu 117 giáo viên so với định mức. Tức là chỉ được 1,2 giáo viên/lớp trong khi đó tỉ lệ học sinh lại khá đông. Giải pháp của Huyện là đối với những bản xa, bản đặc biệt khó khăn thì cử 2 giáo viên/điểm trường để vừa đảm bảo an toàn cho giáo viên, vừa hỗ trợ nhau trong quá trình giảng dạy. Lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo Huyện rất chia sẻ với những khó khăn, vất vả, sự hy sinh của giáo viên mầm non. Không chỉ quan tâm về mặt tinh thần mà riêng về chế độ chính sách, lãnh đạo Huyện quán triệt là phải đảm triệt để, kịp thời và đầy đủ các quyền lợi, chính sách cho các cô.