Nhà tuyển dụng nói gì về nhu cầu nhân lực?
Một sự án của Tổng công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả trong 2 năm tới đây 2024-2026 cần 4.000 nhân lực là những kỹ sư ngành cầu đường, ngành công trình của trường. Trong khi đó mỗi năm trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Giao Thông vận tải, ĐH Thủy Lợi số sinh viên theo học những ngành này chỉ đạt con số vài trăm. Như vậy đủ thấy cung cầu nhân lực về những ngành đào tạo này đang mất cân bằng và cơ hội cho những thí sinh theo học những ngành này là rất lớn.
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết: “Hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của nước ta còn rất nhiều, dư địa tăng trưởng của ngành này rất là lớn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay thì Chính phủ đang thúc đẩy việc đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn hiện nay và từ năm 2025 đến năm 20 30. Do vậy, nhu cầu nhân sự cho các doanh nghiệp hoạt động cho lĩnh vực hạ tầng giao thông này cũng rất là lớn.
Cụ thể như Tập đoàn chúng tôi với tổng số nhân sự hiện nay khoảng 6.000 người trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2026 chúng tôi cần tuyển dụng thêm khoảng 4.000 người để đáp ứng các công việc của Tập đoàn đang triển khai. Nhu cầu rất lớn và nhân sự khi triển khai các dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc Nam thì yêu cầu về chất lượng nhân sự cũng là một điểm mà chúng tôi rất quan tâm. Khi tuyển dụng và khi tham gia các cuộc phỏng vấn nhân sự, chất lượng nguồn nhân sự là một yếu tố quyết định đối với việc mà các bạn có được tham gia vào các doanh nghiệm. Nhu cầu nhân lực cho các ngành hạ tầng giao thông như thế, đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm cho sinh viên ngành kỹ thuật hiện nay là rất rộng mở.
Hiện nay thì xu thế xã hội thì những ngành về công nghệ thông tin, về kinh tế thương mại thì có sức hấp dẫn thí sinh cao hơn so với ngành giao thông. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay của đất nước với chủ trương của Chính phủ, trong khoảng 2-3 năm tới ngành giao thông sẽ lấy lại vị thế của mình. Do vậy, tôi khuyên các bạn nên có những định hướng chọn nghề theo định hướng phát triển của Chính phủ. Vì khi chúng ta ra trường thì chúng ta sẽ có một cái dư địa có khả năng tìm được công việc phù hợp, có cơ hội phát triển dễ dàng hơn.
Tôi khuyên các bạn học sinh khi bước chân vào các trường đại học nên định hướng cho mình, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản từ trên ghế nhà trường. Nếu bạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình phù hợp với cái định hướng của mình thì các khi bạn ra khỏi trường đại học các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tiếp nhận các bạn tham gia vào các dự án trọng điểm của đất nước, đặc biệt là các dự án đường cao tốc mà Chính phủ đang thúc đẩy triển khai".
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: Trong những năm vừa qua thì ngành xây dựng công trình đường sắt đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong chức năng, nhiệm vụ của Ban hiện tại đang làm chủ 48 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội. Tổng mức đầu tư của 8 tuyến đường sắt đô thị này được ước tính khoảng 60 tỷ đô la Mỹ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Theo báo cáo của bộ phận bộ phận tuyển dụng của chúng tôi thì nhu cầu nhân lực của Ban đối với kỹ sư chất lượng cao là cỡ khoảng 450 đến 500 kỹ sư. Ban đã có kế hoạch tuyển dụng nhân lực từ các chuyên ngành Đại học Giao thông Vận tải hiện tại đang đào tạo, đặc biệt là kỹ sư công trình giao thông. Ngoài ra thì các nhân lực khác liên quan đến đầu máy toa xe liên quan đến hệ thống điều khiển tự động liên quan đến hệ thống cơ điện Ban cũng rất cần, trong 3 năm vừa qua Ban thì cũng đã tuyển dụng 25 kỹ sư chất lượng cao. Nhân lực tuyển dụng được chia ra làm 2 đối tượng:
Một là các đối tượng đã có kinh nghiệm có nghĩa là các đối tượng mà đã được tạo ra trường cũng đã công tác được khoảng 10 đến 15 năm có kinh nghiệm của các đơn vị khác. Ngoài ra thì 50 % ưu tiên tuyển dụng mới, đối tượng tuyển dụng nhân lực do Trường Đại học Giao thông Vận tải đã đào tạo. Ban đã đặt hàng với Trường đại học Giao thông Vận tải để đưa thông tin về nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn. Do đặc thù riêng so với các ngành khác đối với ngành xây dựng công trình giao thông đường sắt đô thị thì nó đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao từ kỹ sư xây dựng cho đến thông tin tín hiệu, kỹ sư đầu máy, bộ phận kinh tế dự án… Phổ tuyển dụng nhân sự của chúng tôi sẽ rộng hơn so với các công trình giao thông khác.
Thứ hai là điều kiện làm việc của chúng tôi là làm việc với các nhà thầu tư vấn nước ngoài 100 % cho nên nhân sự cũng cần đảm bảo trình độ tiếng Anh để có thể giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài. Điều này các trường ĐH cần tăng cường tập trung đào tạo cho sinh viên trong thời gian tới. Mức lương khởi điểm cho sinh viên mới tốt nghiệp là 10 triệu đến 15 triệu đồng/1 tháng. Đây là những thông tin có thể giúp cho các em sinh viên tự tin khi theo học những ngành kỹ thuật vì sau khi tốt nghiệm hoàn toàn có môi trường làm việc tốt cũng như có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Các cơ sở đào tạo
Việc đổi mới chương trình đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp sinh viên có việc làm ngay từ những năm cuối khi chưa tốt nghiệp và nhiều sinh viên giỏi đã nhận được những học bổng đi du học nước ngoài ở bậc thạc sỹ...
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Kiểm định đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải: Hàng năm, Trường ĐH Giao thông Vận tải đều tổ chức kế khảo sát làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo theo đúng nhu cầu, theo sự đặt hàng của các doanh nghiệp để đến khi các tốt nghiệp, thậm chí còn chưa tốt nghiệp đến khoảng những học kỳ cuối, các doanh nghiệp đã có thể mời các em tham gia vào những dự án. Việc này nó đáp ứng học kỳ doanh nghiệp theo chương trình đào tạo của trường, thứ hai nữa là nó gắn với thực tế học đi đôi với hành để giúp sinh viên có kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực tế ngay sau khi ra trường hoàn toàn có thể tiếp cận được công việc một cách tốt nhất hiệu quả nhất để có được thu nhập xứng đáng.
Những năm gần đây ngay trong lễ bảo vệ tốt nghiệp của các sinh viên khối ngành kỹ thuật, các doanh nghiệp đều đến dự để nghe, để xem những cái đồ án của các em, nếu thấy phù hợp là các doanh nghiệp đã có thể ký hợp đồng nên ngay trong Lễ tốt nghiệp nhận bằng nhiều em đã được các công ty mời đi làm việc luôn.
TS Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho biết: Hiện nay Trường ĐH Thủy lợi đang ký kết với khoảng 150 doanh nghiệp lớn trong khối kỹ thuật trong và ngoài nước. Chúng tôi đã làm việc với 1 số tập đoàn lớn để ký kết biên bản ghi nhớ để đưa những sinh viên có nguyện vọng, bắt đầu từ năm thứ ba có thể đi thực hành thực tập ngay tại nước ngoài cụ thể ở các nước như Isarel, Nhật và Hàn Quốc, hoặc đi tham gia ngay các dự án của các tập đoàn đang triển khai tại Việt Nam. Ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo hỗ trợ học bổng, tiếp nhận sinh viên thực hành, các công ty còn tham gia vào quá trình hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Chính các giám đốc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá luận văn tốt nghiệp cũng như khóa luận tốt nghiệp để nhìn nhận đúng năng lực của sinh viên. Tư cách, thái độ, năng lực của sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp được doanh nghiệp chấm điểm và điểm đó được tính vào quá trình đánh giá tốt nghiệp của sinh viên. Thông qua việc này, doanh nghiệp đánh giá đúng năng lực của sinh viền để tuyển dụng.
Theo TS.KTS Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh trường ĐH Xây dựng Hà Nội: Hiện nay 7 trường kỹ thuật: ĐH Xây dựng, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận Tải, ĐH Mỏ địa chất và 3 trường ĐH Bách Khoa ( ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Tp HCM) đã đồng hành hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực: đào tạo, truyền thông, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế … tạo nên sức mạnh tổng thể cho khối ngành kỹ thuật công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Riêng đối với trường ĐH Xây dựng Hà Nội, nguồn cung nhân lực cho các nhóm ngành trường đang đào tạo còn rất thiếu trong khi đó nhu cầu xã hội đang rất cần. Với các doanh nghiệp về kiến trúc, xây dựng, công trình biển, cầu đường, xây dựng dân dụng, môi trường… các doanh nghiệp hiện nay cũng rất có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, trường ĐH xây dựng cũng hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên thực tập và tuyển dụng kỹ sư, kiến trúc sư ngay trước và sau khi tốt nghiệp. Việc Trường ĐH Xây dựng Hà Nội giữ ổn định cơ cầu đào tạo, không tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và cân bằng cung cầu nhân lực cho lĩnh vực ngành nghề mà trường đào tạo.
Với nhiều mô hình đào tạo: cử nhân, kỹ sư và các chương trình đào tạo: Chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao PPEIV, chương trình liên kết với các đối tác uy tín của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức… sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn và phát huy năng lực của bản thân. Nhiều cựu sinh viên của trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã và đang giữ vị trí lãnh đạo, kỹ sư trưởng trong các tập đoàn, các công ty xây dựng lớn ở Việt Nam và ở các quốc gia khác. Đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội luôn ghi dấu ấn quan trọng, dành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi kiến trúc quốc tế. Ngành môi trường của trường đang hợp tác với tổ chức Jica Nhật Bản tổ chức thực hiện nhiều dự án quốc tế tại một số tỉnh thành của Việt Nam nhằm khắc phục, giải quyết 1 số bài toán về môi trường …
Ngành kỹ thuật không còn là độc quyền đối với nam giới
Nếu như nhiều năm trước đây tỷ lệ sinh viên nữ trong các trường kỹ thuật gần như chiếm tỷ trọng quá thấp, thậm chí một số ngành còn không hề có bóng dáng nữ sinh nào thì hiện nay tình hình cân bằng về giới trong các ngành đào tạo kỹ thuật đã thực sự được cải thiện.
TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng phụ trách Trường ĐH Thủy lợi cho hay: Cách đây khoảng 5 năm thì mỗi một lớp học của Trường ĐH Thủy lợi thì chỉ có cỡ khoảng từ 5 đến 10 sinh viên nữ. Nhưng bây giờ không tính những ngành thuộc khối kinh tế và quản lý thì tất hầu hết tất cả các lớp thì có số lượng sinh viên nữ chiếm từ 20 đến 30 %. Hiện nay tính trung bình tỷ lệ sinh viên nữ và sinh viên nam ở Trường ĐH Thủy Lợi có tỷ lệ là 50/50. Không chỉ chiếm tỷ trọng cân bằng về giới mà còn phải nói đến sự cân bằng về năng lực học tập và các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao ở trường ĐH Thủy Lợi thành tích của các bạn sinh viên nữ cũng không hề thua kém các bạn sinh viên nam. Và một con số mà chúng tôi muốn tiết lộ đó là hiện nay 50% cán bộ quản lý thủy lợi là nữ.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH GTVT cho hay: Nếu trước đây Trường đại học giao thông vận tải gần như là thế giới độc quyền của các bạn nam sinh viên thì bây giờ tình hình đã rất khác. Nhu cầu nhân lực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dù là khối ngành kỹ thuật, nhưng việc nhà trường đổi mới chương trình đào tạo và đưa những học phần công nghệ vào trong quá trình đào tạo giúp sinh viên khi ra trường có nhiều vị trí việc làm phù hợp. Quan niệm “giao thông, cầu đường châm lấm tay bùn vất vả” đã thay đổi, và không có sự phân biệt giữa nam và nữ trong chọn ngành nghề đã làm cho tỷ lệ sinh viên nữ trong các lớp khối ngành kỹ thuật tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Tỷ lệ những năm trước thì khoảng độ 5- 10 % là nữ thì bây giờ tỷ lệ này là 40%. Với bản tính chăm chỉ cần cù, nhiều nữ sinh đã vượt qua các bạn nam giành những giải thưởng về nghiên cứu khoa học cũng như là các học bổng. Đặc biệt các doanh nghiệp đến tài trợ cho các bạn học tốt thì lại hầu hết rơi vào nữ. Các doanh nghiệp tuyển dụng cũng ưu tiên nữ vì cần sự chính xác và cẩn thận.
TS.KTS Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: Hiện tại tỷ lệ sinh viên nữ của trường ĐH Xây dựng Hà Nội chiếm gần 30%. Đặc biệt một số ngành như Kiến trúc, Môi trường, Kinh tế xây dựng tỷ lệ sinh viên nữ chiếm trên 40%. Chọn ngành học căn cứ năng lực và niềm đam mê của bản thân cộng thêm sự tìm hiểu về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp khá cao, mức thu nhập lại hấp dẫn khiến cho các em thí sinh nữ ngày càng đưa ra quyết định chọn học những ngành kỹ thuật.
Tâm lý chạy theo đám đông lao vào các ngành hot là tiền đề dẫn tới hậu quả mất cân bằng nhân lực trong hệ thống ngành nghề cũng như chất lượng lao động của quốc gia đối với các cơ sở giáo dục đại học. Việc tập trung quá đông sinh viên một vài ngành học cũng kéo theo những bất cập về cơ sở vật chất, tỷ lệ giảng viên trên số lượng sinh viên làm mất cân bằng cơ cấu đào tạo của các trường, các ngành. Đầu vào cạnh tranh thì đương nhiên đầu ra cũng cạnh tranh vị trí việc làm ở mức khốc liệt dẫn tới nhiều sinh viên phải làm trái ngành nghề. Trong khi năng lực khá thì hoàn toàn có thể trở thành những nhân lực được săn đón và có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Những thông tin về các ngành đào tạo và nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp rất cần được phổ biến công khai đến cho thí sinh và phụ huynh, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần được làm từ sớm có như vậy chúng ta mới giải quyết được bài toán cân bằng cung cầu nhân lực và giữ ổn định an toàn cơ cầu đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu bền vững là đảm bảo được chất lượng nhân lực cả đầu vào và đầu ra.