Mời các bạn bấm nút nghe nội dung
Yêu thôi đừng phụ thuộc
Xuân Diệu, nhà thơ tình nổi tiếng đã từng viết “Làm sao định nghĩa được tình yêu?”. Khi không định nghĩa được thì việc làm sao để yêu đúng? Làm thế nào để là mình khi yêu? Nhận diện sự phụ thuộc khi yêu và quan trọng nhất cần lí giải việc "ngại yêu" cũng như chỉ ra giải pháp bởi lẽ đó sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên theo chị Giang Đinh, chuyên chuyên gia tâm lý, huấn luyện viên cuộc sống đồng thời là tác giả sách “Phiên bản tôi tốt nhất” cho rằng không cần nỗ lực để định nghĩa một khái niệm thuộc về cảm xúc cá nhân, diễn ra tự nhiên và rất khó, thậm chí không thể can thiệp để thay đổi.
Nhưng mặt khác, chuyên gia Giang Đinh lại khẳng định “yêu nên dẫn tới cảm giác gắn bó, không nên dẫn tới cảm giác phụ thuộc”. Việc phân định rõ ở đây rất cần thiết để nuôi dưỡng và duy trì tình yêu ở mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, lứa tuổi yêu nhiều và đang trên hành trình trải nghiệm tình yêu ở nhiều cung bậc.
“Đôi khi chúng ta tưởng rất yêu người này, đến mức nghĩ không có họ không thể sống nổi. Nhưng tình yêu khi lệ thuộc sẽ tạo cảm giác bất an, sợ hãi, lo lắng, kiểm soát và muốn sở hữu, muốn kiểm soát. Sự lệ thuộc cũng tạo nên một thứ na ná tình yêu. Trong khi bản chất tình yêu sẽ mong muốn gắn bó, thể hiện ở sự mong muốn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, muốn đồng hành với nhau”, chị Giang khẳng định.
Dù trước bất kì vấn đề gì trong cuộc sống, kể cả trong chuyện tình yêu, chuyên gia Giang Đinh cũng khẳng định “bạn là nhân vật chính duy nhất trong cuộc đời mình. Tất cả dù là ai cũng chỉ là nhân vật phụ”. Nhưng khi bước vào tình yêu, các cặp đôi, đặc biệt đôi trẻ sẽ rất dễ biến đối phương thành “nhân vật chính”, để bản thân vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau…trở nên phụ thuộc. Bất kì ai phải chịu trách nhiệm trước cảm xúc của người khác rồi sẽ mệt mỏi và mong muốn rời đi. Tình yêu sẽ không thể tiếp tục trong trường hợp này.

Trong cuốn sách của mình, chuyên gia Giang Đinh đã kể về trường hợp một người mẹ tìm đến với mong muốn tìm giải pháp cho cô con gái mới lớn rơi vào tình huống thất tình, muốn tìm đến cái chết.
“Người trẻ chưa đủ trưởng thành, thiếu trải nghiệm để nhận ra rằng không có người này sẽ có người khác, không yêu người này rồi sẽ yêu người khác. Không ai thiếu ai mà chết”. Bên cạnh đó theo chị Giang, việc được nuông chiều, bao bọc cũng trở thành một yếu tố khiến người trẻ “mong manh” hơn, dễ nghĩ đến những phương án tiêu cực hơn. Các bạn được đáp ứng mọi mong muốn vật chất, tinh thần nhưng dù yêu con bao nhiêu, sẵn sàng chi nhiều đến mức nào, bố mẹ cũng không thể mang đến cho con mình một tình yêu đích thực nếu không xuất phát từ chính người trong cuộc. Với người trẻ thường xuyên được đáp ứng mọi nhu cầu, việc không được đáp lại tình yêu sẽ cư xử giống như một cách “ăn vạ” để hi vọng có được điều mình mong muốn.
Xu hướng "ngại yêu"
Những năm trở lại đây, trào lưu “hạnh phúc một mình” của giới trẻ nhiều quốc gia xung quanh tràn tới. Nhiều “đứa trẻ lớn tuổi” đã đi làm, có thu nhập ổn định nhưng vẫn không yêu, không cưới khiến người lớn lo lắng. Tuy nhiên, chuyên gia Giang Đinh cho rằng sự thúc ép, áp đặt trong những trường hợp này khó đem lại kết quả tốt đẹp.
“Phụ huynh mong muốn con em mình hạnh phúc hay mong muốn chúng phải yêu một ai đó? Và nhất định đến tuổi phải lập gia đình? Đến tuổi phải sinh con? Nhiều cha mẹ nói chỉ cần con hạnh phúc. Nhưng rõ ràng hạnh phúc ở đây đang vận hành theo cách của cha mẹ. Tình yêu thuộc về cảm xúc trong khi người lớn lại áp đặt mong muốn của cá nhân, khuôn mẫu của xã hội lên các bạn”, chuyên gia Giang Đinh phân tích.
Việc cố gắng để “yêu đúng” theo chị Giang cũng khó có mẫu chung cho tất cả mọi người. Những trải nghiệm đem lại cho các bạn trẻ khả năng đánh giá để trưởng thành và tiến tới “yêu đúng” với từng cá nhân. Ở đây chỉ có những yếu tố mỗi người nhận thức để giảm những sai lầm như giảm sự kì vọng vào đối phương, khắc cốt ghi tâm những câu thần chú: “Tôi là người chịu trách nhiệm cho niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời tôi”.
Với các bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa tình yêu, chuyên gia Giang Đinh chia sẻ trước bất kì tình huống nào xảy đến ngoài mong muốn cũng đều cần trân trọng hiện tại và biết ơn cả những đau khổ, sai lầm khi đây, xem đó như cơ hội để chúng ta thay đổi, trở thành “phiên bản tốt hơn”. Chị Giang nêu ví dụ trường hợp đã từng tư vấn cho một bạn gái trẻ bị người yêu bỏ chỉ bởi thừa cân. Và trong đau khổ đó, bạn ấy vượt qua bằng cách chăm chỉ tập luyện, ăn uống khoa học để giảm cân.
“Trong trường hợp này ai là người có lợi nhất? Nỗi đau khiến chúng ta trở nên tốt hơn. Tôi muốn nói với các bạn trẻ một điều thôi: Sống trong hiện tại, trọn vẹn với hiện tại này. Nếu bạn đang sống trong một tình yêu rất đẹp mà lại đặt ra câu hỏi liệu tình yêu này có đẹp mãi không? Có cách gì để người yêu mãi yêu mình lại chính là lúc chúng ta mất đi cơ hội tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Thêm nữa bạn cần không ngừng phát triển bản thân mình”, chuyên gia Giang Đinh nhấn mạnh lời khuyên với các bạn trẻ với tình yêu.