Tiếp nhận 7 tỷ đồng tại Lễ phát động

Ngay tại Lễ phát động, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục Đào tạo đã tiếp nhận gần 7 tỷ đồng tiền quyên góp. Trong thời gian tới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận các nguồn hỗ trợ về tài khoản của Công đoàn giáo dục Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, chiều qua (10/9), Công đoàn đã liên hệ với các đơn vị có giáo viên và học sinh gặp nạn để chuyển kinh phí. Đồng thời, đề nghị các đơn vị vùng bão lụt đến tận nơi thăm hỏi, động viên, hỗ trợ giáo viên và học sinh chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Ngày mai (12/9), lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ lên phương án phân bổ nguồn kinh phí đến sớm nhất với các vùng bão lũ đi qua.

Cũng trong chiều qua (10/9), ông Nguyễn Ngọc Ân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Công đoàn giáo dục các sở GD-ĐT từ Ninh Bình trở ra để nắm tình hình thiệt hại do mưa lũ.

Tại cuộc họp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam quán triệt 2 tinh thần chính. Một là: giữ vững thông tin liên lạc để nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên ở khu vực chịu ảnh hưởng do mưa bão có kênh phản ánh và nắm bắt tình hình. Hai là: động viên giáo viên ở các vùng mưa lũ vững tâm vượt qua khó khăn trước mắt. Các đơn vị báo cáo về Công đoàn giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT những thiệt hại bước đầu do mưa lũ.

Ngành giáo dục chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của Công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố, những ngày qua tại các tỉnh, thành phố phía Bắc có mưa lớn, kéo dài khiến nhiều trường bị ngập lụt; có địa phương bị cô lập hoàn toàn. Tình hình giáo viên, học sinh, nhà trường và các cơ sở giáo dục ở một số tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề, cây đổ tường sập, tốc mái, hư hỏng đồ dùng dạy học. Tại Yên Bái có có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng do mưa lũ và sạt lở đất.

Tại Thái Nguyên có 500 gia đình giáo viên bị ngập, 03 cơ sở giáo dục bị cô lập hoàn toàn.

Thành phố Hải Phòng: 100% các trường học bị ngập và thiệt hại, trong đó 20% trường bị thiệt hại nặng nề. Nhà công vụ của 30 giáo viên tại Hải Phòng bị đổ sập do bão YAGI buộc các giáo viên phải đi thuê nhà.

Tỉnh Tuyên Quang có trường nội trú Chiêm Hóa bị ngập tầng 1, cô giáo và học sinh phải ở nhờ và ở lại trường, đặc biệt có 01 học sinh Mầm non bị lũ cuốn trôi khi đi cùng bố mẹ.

Tỉnh Cao Bằng có 04 học bị thiệt mạng, 02 giáo viên và 01 học sinh bị mất tích.

Tỉnh Bắc Kạn: 30 căn nhà của giáo viên bị tốc mái, ngập nước, 01 nhà bị sập hoàn toàn, 40 trường học bị sụt, lún và tốc mái và 01 điểm trường bị sập, hỏng hoàn toàn (thiệt hại khoảng 737 triệu đồng).

Tỉnh Hải Dương 100% các trường học bị ảnh hưởng, các trò chơi, khu vui chơi ngoài trời ở các trường mầm non bị hư hỏng nặng.

Tỉnh Phú Thọ có 2500 học sinh khối THPT của huyện Tam Nông phải sang Lâm Thao để học (do sập Cầu Phong Châu).

Tại tỉnh Bắc Giang, các trường bị ngập, tốc mái, cây xanh bị đổ, ước tỉnh tổng thiệt hại khoảng 62 tỉ đồng.

Tỉnh Lạng Sơn có 196 trường bị ngập, tốc mái; tại tỉnh Lào Cai có 03 giáo viên ở cụm trường Tả Giáng Phình bị thương do sạt lở đất, 03 nhà công vụ giáo viên bị hư hỏng, 3 trường THCS và THPT huyện Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai bị sạt lở.

Tại thành phố Hà Nội các trường trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thường Tín bị ngập và hư hại nặng nề, trong đó học sinh của 118 trường không thể đến trường học, giáo viên một số trường phải đi dạy bằng xuồng….