Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, Trường THPT Thủ Đức, TP. Thủ Đức có 4 học sinh rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ. Thầy Lê Ngọc Khái, hiệu trưởng nhà trường cho biết, để trợ giúp các em, ngoài hỗ trợ phương tiện học tập, gây quỹ học bổng...nhà trường còn kết nối các em với những mạnh thường quân, thông qua các thầy cô giáo làm công tác xã hội trường học.

Các nhân viên làm công tác xã hội trường học là giáo viên kiêm nhiệm nên họ có thể vừa làm công tác chủ nhiệm, vừa như một người trợ giúp các em vượt qua những khó khăn ám ảnh khi mất đi người thân.

Ban giám hiệu vận động mạnh thường quân để có kinh phí đến gia đình trao máy tính bảng, kinh phí, thậm chí đồ ăn thức uống hỗ trợ các em từ đợt phong tỏa. Đến khi đi học lại, nhà trường vận động mạnh thường quân, các anh chị cựu HS, thầy cô, cán bộ nhân viên, ban đại diện đồng lòng gây học bổng, miễn giảm học phí cho các em.

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất Trường THPT Thủ Đức cho biết sau khi lấy thông tin nhiều phía, cô cố gắng nói chuyện, tâm sự với các con có hoàn cảnh mất người thân, tâm sự như người bạn, người chị chứ không phải như giáo viên. Gần gũi được với các em mới gỡ được nút thắt.

Cô Liên cho biết, nhân viên làm công tác xã hội trường học hiện nay đa phần đều kiêm nhiệm. Không chỉ trợ giúp học sinh ở nhiều vấn đề từ sức khỏe, tâm lý tuổi dậy thì, định hướng nghề nghiệp... họ còn phải hỗ trợ phụ huynh trong các phương pháp giáo dục con cái. Tuy vậy, việc đảm đương quá nhiều nhiệm vụ trong khi chỉ làm tay ngang, không qua đào tạo khiến nhiều giáo viên làm công tác xã hội cảm thấy áp lực.

Cô Phạm Thị Hà, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết HS khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt giáo viên mảng công tác xã hội rất thương yêu nhưng khả năng của các cô, của nhà trường nhỏ, có thể chia sẻ an ủi, nhưng làm được cái gì rộng hơn thì chưa tìm ra, phương pháp thì chưa có.

Cô Nguyễn Thúy Liễu, Phó phụ trách phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Hải Phòng nêu thực tế nhận thức về công tác xã hội, tâm lý học đường chưa được lan tỏa, đặc biệt trong các phụ huynh, điều quan tâm nhất vẫn là con đứng tốp đầu về văn hóa.

Theo cô Liễu, người làm công tác xã hội và tâm lý học đường kiêm nhiệm gây khó khăn, bấp bênh, không phải kiêm nhiệm từ đầu đến cuối mà có thể làm vài ba tháng lại chuyển sang một công việc khác, hoặc hết tuổi tổng phụ trách nên không làm nữa. Mà công tác xã hội, tâm lý học đường lại đòi hỏi phải có kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết nên chưa kịp triển khai đã chuyển công việc khác là một khó khăn. Định biên không có cho nghề công tác xã hội trong trường học nên rất mong muốn có người làm chuyên trách mà không được.

Theo TS. Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa công tác xã hội, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, nhiều trường phổ thông đang tư duy theo kiểu, đã cử người đi học tư vấn trường học rồi, có ca khó đẩy hết cho họ. Tuy nhiên, người làm công tác xã hội trường học chỉ là đầu mối điều phối, kết nối các bên và kết nối chuyên gia để hỗ trợ học sinh.

Nguyên nhân gốc rễ TS. Phạm Văn Tư chỉ ra là do nhân viên công tác xã hội trường học hiện vẫn kiêm nhiệm, chưa có vị trí việc làm. Hiện giờ chỉ có một số trường tư thục vận hành theo mô hình công tác xã hội trường học, tuyển dụng người tốt nghiệp công tác xã hội để điều phối cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học như tham vấn trường học, điều phối hỗ trợ phụ huynh học sinh hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Tư, ở các trường học công lập, công tác xã hội trường học hoàn toàn có thể xã hội hóa theo Thông tư 33. "Những trường học đóng trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp hoặc có điều kiện kinh tế tốt có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo giáo viên để có nghiệp vụ công tác xã hội trường học. Chính họ cũng là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ, bảo trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Khi chúng ta thuyết phục được phụ huynh đấy là dịch vụ quan trọng hỗ trợ chính con em họ thì phụ huynh sẽ ủng hộ, nhà trường sẽ triển khai thuận lợi"./.