Cởi áo lính, khoác áo sinh viên

Bên trong xưởng thực hành rền vang tiếng máy, Bùi Văn Dũng – sinh viên năm cuối Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cùng nhóm bạn đang vận hành kho lạnh có thể tích 10 m3. Kho lạnh này giúp bảo quản thuốc và nông sản ở nhiệt độ từ âm 5 đến 0 độ C. Công trình này đã đạt giải 3 cuộc thi Sáng tạo trẻ của trường, đồng thời cũng là tác phẩm tốt nghiệm của nhóm sinh viên Khoa máy lạnh và điều hòa không khí.

26 tuổi, nhiều bạn trẻ sớm ổn định công việc thì Dũng mới sắp sửa tốt nghiệp. Sở dĩ đi học muộn bởi học hết cấp 3, Dũng đi công an nghĩa vụ. Dũng có 3 năm làm việc tại Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Sơn La. Từ bé, mơ ước của Dũng là trở thành một người lính cứu hỏa chuyên nghiệp. Thế nhưng anh không may mắn thi đỗ vào ngành.

Nhắc lại nghề cũ, mắt Dũng vẫn “long lanh”. Dũng vui vẻ kể về những lần tập nghiệp vụ phải vác người 70-80 cân và cả những cuộc chiến không cân sức với "bà hỏa".

“Hồi mới vào nghề thì gặp ngay vụ cháy hàng mã ở Sơn La, lửa bùng lên to lắm. Là lính mới nên khoản leo trèo em rất sợ. Cả đơn vị mất cả đêm dập lửa nhưng tinh thần ai nấy đều sẵn sàng, không quản hiểm nguy. Sau đợt đó em thấy tự tin hơn, mạnh dạn hơn”, Dũng nhớ lại.

Làm lính cứu hỏa, lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần chiến đấu 24/24, cứ có cháy là đi, nửa đêm đang ngủ hay ăn dở bữa cơm cứ nghe tin là bỏ dở giữa chừng.

“Có lần đang tắm, nghe còi báo động, em không kịp dội nước cứ thế mặc áo vào chạy, người thì ướt nhem, xà bông vẫn lấm lem. Sau mỗi lần cứu hỏa, thân thể mệt rã rời nhưng thâm tâm thì thanh thản, nhẹ nhõm”, Dũng kể.

Kết thúc 3 năm làm lính cứu hỏa, vốn cũng thích nghề điện lạnh, Dũng xin một chân làm công việc này. Thế nhưng vì chỉ học truyền nghề nên em không hiểu nguyên lý hoạt động của các loại máy móc. “Hơn nữa người ta hay làm tắt các công đoạn nên không đảm bảo tính an toàn”.

Được một người bạn trước cùng ra lính đang học tại Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh giới thiệu, Dũng tìm hiểu về nội dung, chương trình học, lại nhận được cam kết việc làm ngay sau khi ra trường. Thế là Dũng quyết định đăng ký học nghề.

“Mình muốn được đào tạo bài bản, học ở trường mình được hướng dẫn nguyên lý, nguồn gốc thiết bị còn học ở ngoài không thể bằng trong trường được. Được cái nghề điện lạnh thì gia đình nào hiện này cũng cần, cũng là nghề không sợ thiếu việc”.

Vốn là lính cứu hỏa nên khi chuyển sang học nghề, làm nghề điện lạnh, Dũng nói không cảm thấy khó khăn. “Cứu hỏa thì bắt buộc là không sợ độ cao và phải leo trèo. Em cũng vận dụng kỹ năng này vào nghề điện lạnh trong việc leo trèo, sử dụng thang dây nên cảm thấy làm nghề điện lạnh khá ổn”.

Ngay từ năm thứ nhất, Dũng đã được giới thiệu học thực hành, vừa làm việc cho một công ty điện lạnh trên địa bàn Bắc Ninh. Đến nay khi chưa tốt nghiệp mức lương của Dũng là 9 triệu đồng/tháng. Dự định của Dũng là sẽ mở một xưởng sửa chữa máy lạnh điều hòa không khí khi đủ vốn.

Giã từ sự nghiệp wushu liền đi học nghề

Cũng là sinh viên Khoa Máy lạnh và Điều hòa không khí nhưng Bùi Văn Long Khánh lại có xuất phát điểm là một vận động viên wushu. Tiếp xúc với võ thuật từ năm 10 tuổi, theo đuổi con đường chuyên nghiệp từ 15 tuổi, Long Khánh thi đấu cho Đoàn Bắc Ninh và đội tuyển quốc gia ở các hạng cân 75, 80, 85 kg. Những tưởng sẽ mãi gắn bó với nghiệp võ thì một tai nạn bất ngờ ập đến với Long Khánh.

Năm 2018, khi ép cân để “đánh giải” vô địch hạng cân 75 kg, Khánh bị suy thận. “Từ 80 kg ép xuống 72 kg trong vòng một ngày nên cơ thể em không chịu được, ảnh hưởng sức khỏe, sa sút phong độ phải chữa trị trong 1 tuần”.

“Sau cú sốc đó mọi người khuyên em đi học ĐH thể dục thể thao, vào trường ĐH Từ Sơn để lấy bằng làm huấn luyện viên nhưng mơ ước của em là được đi thi đấu chứ không phải trở thành một huấn luyện viên”. Vậy là Long Khánh giã từ sự nghiệp wushu.

Nhà ở Bắc Ninh, nơi có các khu công nghiệp phát triển, Long Khánh dễ dàng tìm được việc ở một công ty sản xuất thiết bị điện tử với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, vì chỉ được đào tạo qua loa nên Khánh chỉ được giao làm những việc vặt. Hơn nữa xung quanh em, những lao động phổ thông, không có bằng cấp, không được đào tạo bài bản bị sa thải rất nhiều. Điều đó buộc Khánh đưa ra quyết định phải nắm chắc một nghề trong tay mới có thể ổn định công việc.

“Không có bằng nghề không làm được lâu dài với các công ty khác, em suy nghĩ kỹ mới quyết định đi học”. Nghĩ là làm, Khánh đăng ký học nghề.

Đi học nghề, đương nhiên Khánh không còn nhiều thời gian kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dẫu vậy, em nói không tiếc vì dù sao học nghề cũng là một khoản đầu tư lâu dài.

“Học không thừa, càng học càng biết nhiều. Tuy lúc này phải dành thời gian và công sức học hành nhưng bù lại khi có kỹ năng, tay nghề rồi thì lúc đó cơ hội để mình nâng cao thu nhập sẽ không thiếu".