Con đi theo lời kêu gọi lên Bắc Giang chống dịch

Gần 10 ngày tham gia vào phòng tuyến chống dịch ở Bắc Giang, bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ nghe thấy tiếng chuông tin nhắn Zalo là Vũ Thị Huyền Trang, sinh viên Khoa điều dưỡng, Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương và các bạn lại sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm.

"Thầy yêu cầu túc trực 24/24h, lúc nào chúng em cũng trong trạng thái sẵn sàng. Đây là báo cáo đột xuất, chỉ cần nghe tiếng “tinh tinh” là bật dậy ngay lập tức. Có những lần không kịp ăn sáng mà đi luôn”- Huyền Trang chia sẻ.

10 ngày trước, khi nhận được tin nhắn của lớp trưởng về việc Bắc Giang cần chi viện, theo tinh thần tự nguyện của sinh viên, không nghĩ nhiều, Trang vội vàng đăng ký rồi lập tức phi xe máy từ Hải Phòng chạy thẳng về Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tập kết.

12h trưa có mặt ở trường, đến 1h chiều thì lên xe về Bắc Giang, 7h tối thầy huy động đi lấy mẫu ngay trong đêm ở thôn Núi Hiểu, đến 2h sáng mới xong. Trước khi đi Trang chỉ kịp nói vài câu với bố mẹ "Con đi theo lời kêu gọi của nhà trường lên Bắc Giang chống dịch". Đồng hành cùng Trang có nhiều sinh viên mang tinh thần sẵn sàng chi viện cho Bắc Giang như thế.

Từng có kinh nghiệm tham gia chống dịch ở Hải Dương, lên Bắc Giang lần này, Nguyễn Đức Giang, sinh viên lớp Y Đa Khoa 4, Trường Đại học Kỹ Thuật Y Tế Hải Dương vẫn giữ một nhiệt huyết sôi sục. “Ở đây, không cảm thấy buồn, chỉ có 2 trạng thái vui và mệt”.

Đợt dịch lần trước ở Hải Dương thời tiết còn mát mẻ nên khi mặc đồ bảo hộ cảm giác chỉ mệt, hơi khó thở một chút chứ không ra mồ hôi quá nhiều. Ở Bắc Giang có hôm nhiệt độ 37-38 độ C, mặc đồ bảo hộ vào thì không thể cởi ra uống nước được. Mất nước, nhiều bạn nữ say nắng, ngất trong lúc làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm.

Mệt nhất là những ngày đầu tiên, 6h xe đã chuẩn bị khởi hành đến địa điểm lấy mẫu. Có hôm 12h trưa, 1h chiều mới nghỉ. Được 1-2 tiếng nghỉ trưa, có hôm lấy mẫu tiếp từ 3h chiều đến 10-11h đêm mới về đến nhà. Tuy nhiên, ai cũng cố gắng bởi nếu không nhanh, không dập được dịch sớm thì sẽ ảnh hưởng đến cả nước. "Chúng em quyết tâm ở lại đến khi nào hết dịch mới thôi”- Giang chia sẻ.

Không ai còn nhớ đến "cái mệt" của mình

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” chẳng còn ai nhớ đến cái mệt của bản thân mình. “Mấy hôm đầu về khàn tiếng, không nói được bởi vì mặc bảo hộ nói dân khó nghe nên nói phải to hơn rất nhiều. Ngại nhất là thời tiết không ủng hộ, có ngày áo vắt ra nước luôn, ướt đẫm” - Vũ Huyền Trang kể.

Tham gia vào công tác chống dịch ở Bắc Giang đợt này, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có 212 sinh viên và 3 giảng viên. Thạc sỹ Ngụy Đình Hoàn – giảng viên khoa xét nghiệm trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết hiện nay mỗi ngày đoàn xét nghiệm cho gần 20 nghìn người. Ngày cao điểm nhất thực hiện lấy được cho 23 nghìn dân.

Thầy cô và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã từng tham gia chống dịch ở Hải Dương nên luôn trong trạng thái sẵn sàng được huy động bất cứ lúc nào. Công việc không có giờ giấc, thậm chí vừa đi làm về, chưa kịp ăn uống, Sở Y tế yêu cầu hỗ trợ, lập tức có những đoàn tách ra lên đường làm nhiệm vụ ngay, có những hôm làm việc đến 2-3h sáng.

"Một bạn sinh viên Y khoa 4, mặc bảo hộ, khử cồn, bạn bị dị ứng với cồn nên lưng của bạn rộp đỏ. Mình cảm thấy rất thương, tuy nhiên các bạn lúc nào quyết tâm “thầy cho em đi đi”… Đó là một trong vô vàn hình ảnh xúc động mà thạc sỹ Ngụy Đình Hoàn kể lại với phóng viên.

Theo thầy Hoàn, tất cả sinh viên của trường tham gia chống dịch đã được tập huấn và trải qua giai đoạn chống dịch ở Hải Dương nên tiếp cận công việc nhanh, đảm bảo an toàn trong quy trình lấy mẫu. Tuy nhiên, hằng ngày trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các thầy vẫn thường xuyên nhắc nhở các em đảm bảo phòng dịch.

Thức trước, ngủ sau lo hậu cần

“Thức trước khi sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thức, ngủ sau khi sinh viên y tế Hải Dương đã ngủ” là những sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang). Chia suất, phục vụ bữa ăn, vệ sinh khuôn viên sân bóng, phòng ở, nhà tắm dã chiến…tại Trường Tiểu học Thu Hương (Hoàng Văn Thụ, Tp. Bắc Giang) – nơi cắm chốt của đoàn sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương là công việc hằng ngày của Phạm Thu Thủy, sinh viên Khoa Mầm non và 14 sinh viên, giảng viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự.

Căng nhất là những ngày đầu, các y bác sĩ Hải Dương tăng cường lực lượng xuống KCN lấy mẫu gấp rút, các bạn sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương chia đoàn làm 2 đoàn sáng, đoàn chiều rồi lại quay vòng. Có khi 1-2h đêm mới về, thời gian tắm, ăn uống cũng gấp rút. "Chúng em túc trực phục vụ các bạn ăn đêm, hôm nào các bạn đi sớm 4h30-5h thì chúng em đã phải dậy sớm phục vụ để các bạn đi tiếp”, - Thu Thủy kể.

Công việc hậu cần thường bắt đầu lúc 5h sáng và kết thúc vào lúc 11-12h đêm, có khi là tới 2h sáng ngày hôm sau. Anh Nguyễn Văn Đông, Giảng viên trường CĐ Ngô Gia Tự cho biết, những ngày đầu tham gia chống dịch, có hôm sinh viên tình nguyện chỉ có 3 tiếng để ngủ thế nhưng không ai muốn từ bỏ công việc này.

“Chúng tôi cũng động viên, hỏi han các bạn xem có bạn nào mệt không? Có muốn dừng lại không? nhưng ai cũng quyết tâm ở lại đến khi hết dịch”.

Chạy như bay đến điểm lấy mẫu như đi đánh trận

Tình hình dịch dã nguy cấp, ai cũng tự đặt mình vào tư thế sẵn sàng, những suất cơm chưa kịp giở ra đã quá quen thuộc với những sinh viên tình nguyện chống dịch ở Bắc Giang.

Anh Đông kể, nhớ nhất là một buổi tối đưa các y bác sĩ đến phường Lê Lợi - nơi có ca dương tính Sars-CoV-2 để làm xét nghiệm. Hôm đấy, nhiều sinh viên, giảng viên vừa đi lấy mẫu về, vừa giở hộp cơm ra thì có thông tin điểm lấy mẫu cần hỗ trợ. Lúc đó, cô giáo gọi tôi ra bảo “liệu có thể trợ giúp đưa đến các điểm chốt được không?”, tôi nhất trí. Thế là các cô trò bỏ hết cơm lại, rất nhanh, các bạn người nhỏ, cả ngày mệt, chưa được ăn cơm mà cầm đồ y tế chạy như bay như là đi đánh trận.

Đêm xuống. Không biết đêm nay có phải lên đường không? Tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi, Trần Hữu Mạnh, lớp trưởng lớp Y đa khoa 4 tranh thủ gọi điện về cho bố mẹ. "Bố mẹ hỏi có mệt không, ngày hôm nay thế nào…? Đôi lúc mình phải trấn an lại bố mẹ đừng lo, ở đây chúng con phòng hộ rất kỹ càng, được thầy cô tập huấn, có kinh nghiệm đợt dịch trước ở Hải Dương, ai cũng có ý thức trách nhiệm cao tự bảo vệ mình nên con có thể tự chăm sóc được cho bản thân".

Ở một góc khác, anh bạn học Nguyễn Đức Giang vẫn tranh thủ bài vở, sau một ngày mệt nhoài chống dịch. Sinh viên trường Y, đã quen với thức khuya dậy sớm nên ngay cả khi về muộn vẫn cố gắng học bài.

Những sinh viên tham gia vào phòng tuyến chống dịch ở Bắc Giang giữ một tâm thế bình thản khi bước vào cuộc chiến không tiếng súng. Sục sôi nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng ở họ cũng đầy sự bản lĩnh, tự tin khi Tổ quốc gọi tên mình.