Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Đảng ủy Chính phủ được giao chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện từ năm học 2025 - 2026.

TS Đặng Tự Ân, chuyên gia giáo dục, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam cho rằng chỉ đạo này khiến ông thấy hạnh phúc và xúc động khi gần đây ngành giáo dục nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng, Nhà nước như việc xếp bảng lương giáo viên ở mức cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp, có lương tháng 13, mở rộng đối tượng hỗ trợ học phí và bữa trưa cho học sinh mầm non và nay tiến tới miễn học phí buổi học thứ hai cho học sinh ở những địa phương có điều kiện tổ chức.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày miễn phí đem lại những lợi ích cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Cụ thể học sinh sẽ có điều kiện tập trung học tốt chương trình chính khóa, nếu cần bổ trợ thêm kiến thức sẽ được miễn phí. Các thầy cô có thêm thời gian giúp học sinh hiểu nội dung kiến thức chương trình mới, đồng thời rèn luyện thêm kĩ năng cho các em. Phía phụ huynh, khi con học cả ngày ở trường, bố mẹ có thể yên tâm công tác, lao động. Có thể xem đây như một chính sách an sinh xã hội của ngành giáo dục.

Và chủ trương này sẽ tác động lâu dài tới nền giáo dục, chất lượng giáo dục và cả kỳ vọng đổi mới giáo dục trong việc tạo điều kiện để thầy cô thích ứng với chương trình giáo dục mới và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thời gian để thực hiện chỉ đạo này tính ra chỉ còn 4 tháng sẽ bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, việc tổ chức bán trú cho học sinh không hề dễ với nhiều địa phương và ngay cả ở các địa bàn khác nhau trên cùng một khu vực.

“Bậc tiểu học đã có quá trình dạy học 2 buổi/ngày từ khá lâu rồi, từ chương trình 2006. Nhưng cũng không phải tất cả học sinh tiểu học đã được học đầy đủ 2 buổi/ngày. Giờ mở rộng lên bậc THCS thực ra trở thành phần việc rất mới cho nhiều địa phương. Học sinh THCS khác so với học sinh tiểu học, đặc biệt vấn đề tâm sinh lí nên những câu hỏi đặt ra sẽ gồm việc tổ chức bán trú như thế nào? Ăn nghỉ trưa ra sao?... Không thể đưa mô hình dạy hai buổi của tiểu học để áp dụng cho bậc THCS. Điều này yêu cầu các địa phương, các nhà trường phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp thực tế”, TS Đặng Tự Ân phân tích.

Với phần lớn các trường học ở đô thị, có thể không thiếu kinh phí nhưng điều kiện đất đai xây dựng hạn chế, chật hẹp, rất khó khăn để tổ chức bữa trưa và nghỉ ngơi. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình, nhiều trường cho phép thuê dịch vụ ăn ngủ nghỉ ở các cơ sở gần trường. TS Đặng Tự Ân cho rằng không nên khuyến khích hoặc cho phép cách làm này bởi nhiều nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.

Trong chủ trương mà TBT Tô Lâm chỉ đạo nhắc tới việc cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa. Câu chuyện khuyến khích xã hội hóa thực ra từ xưa đến nay ngành giáo dục ở nhiều địa phương đã thực hiện đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không ít nơi bám vào chủ trương này để xảy ra tình trạng lạm thu hoặc bổ đầu gây khó khăn cho phụ huynh. Việc tổ chức học 2 buổi/ngày miễn phí theo chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân hoàn toàn có thể xem như cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại câu chuyện thu chi, đầu tư công khai, minh bạch và hiệu quả.

Chủ trương các địa phương có điều kiện sẽ dạy 2 buổi/ngày và miễn phí còn nhắc tới yêu cầu “giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện”. TS Tự Ân gợi ý ở buổi thứ hai trong ngày, các thầy cô có thể hướng dẫn học sinh rèn luyện khả năng tự học, phát triển tinh thần học tập suốt đời cho các em. Đây cần được xem như mục tiêu lâu dài của giáo dục. Bên cạnh đó có thể dạy thêm kĩ năng sống, công nghệ và các ứng dụng của công nghệ cho học sinh.

“Tính chất của buổi dạy thứ hai nhất định phải khác buổi thứ nhất. Ở đây đặc biệt cần “dẹp loạn” việc tiếp tục dạy kiến thức, một cách làm rất sai trong giáo dục trong những năm gần đây, đặc biệt khi đã triển khai chương trình 2018”, TS Đặng Tự Ân nhấn mạnh.

Giáo dục nước nhà đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ sau một loạt quyết sách: Từ việc siết chặt dạy thêm học thêm, miễn học phí, giảm tải áp lực thi cử, đến dạy miễn phí 2 buổi/ngày, yêu cầu phát triển thêm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... Những quyết sách tốt đẹp nếu được các địa phương thực sự đặt tâm huyết, quyết tâm thực hiện, chủ trương “Giáo dục là quốc sách” hay “Dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho giáo dục” sẽ được thực thi. Quan trọng hơn, giáo dục sẽ thực hiện được mục tiêu hình thành những công dân phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.