Ngày 13/2/2025, chị Giang Phương Thanh (38 tuổi) ở xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai phát hiện vườn cây của mình với khoảng 100 cây cà phê, 4 cây sầu riêng và 200 cây tiêu bị chặt phá, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Mang Yang đã điều tra và tạm giữ hình sự về hành vi Hủy hoại tài sản đối với Đặng Văn Thêm, 38 tuổi, anh rể của Thanh, sống cùng huyện.

Ngày 5/5/2025, trong lúc thăm vườn chuối rộng gần 11 ha tại ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), ông Minh phát hiện nhiều buồng chuối đã bị kẻ gian chặt phá hư hỏng không thể xuất bán. Bước đầu gia đình ông Minh kiểm đếm đã có gần 1.000 buồng chuối bị thiệt hại. Ông Minh cho hay toàn bộ diện tích gần 11 ha được gia đình ông trồng chuối cấy mô xuất khẩu, theo kế hoạch thì trong tuần này sẽ thu hoạch để đóng thùng xuất khẩu. Mỗi buồng chuối khoảng 20 kg, giá 14.000 đồng/kg. Ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Hành vi hủy hoại hoa màu, cây trồng hoặc tài sản nông nghiệp của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu tài sản được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và giá trị thiệt hại, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 5 triệu. Trong trường hợp gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương tự mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa xóa án tích mà tái phạm... bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, tùy mức độ thiệt hại. Mức phạt tù cao nhất có thể tới 20 năm nếu gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng trở lên theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Luật sư Toại cũng cho biết thêm: Ngoài hình phạt tù, đối tượng hủy hoại nông sản của người khác còn phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo Điều 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: trong vụ án hình sự, nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự), tòa án sẽ xem xét giải quyết cùng với trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp vụ án phức tạp hoặc cần thời gian thu thập thêm chứng cứ về thiệt hại, thì trách nhiệm dân sự có thể được tách ra giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, người gây thiệt hại đến tài sản của người khác phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, bao gồm giá trị tài sản, lợi ích bị mất, chi phí khắc phục. Hình thức bồi thường: Có thể bằng tiền, hiện vật (trồng lại cây), hoặc thực hiện công việc khắc phục (tùy thỏa thuận hoặc phán quyết của tòa). Tòa án sẽ ấn định mức bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế và khả năng kinh tế của người phạm tội./.