“Bà ơi bà, cháu yêu và lắm”

Bé Céci, tên thật là Nguyễn Linh Đan vừa tròn 3 tuổi mải mê chơi và hát cả ngày với bà nội, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Hà, hiệu trưởng trường THCS Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội. Đây là lần thứ 2 Céci về Việt Nam thăm ông bà nội, ngoại. Lần trước về nước, mới chỉ bập bẹ tập nói, còn lần này, tiếng Việt của Linh Đan đã chuẩn, sõi và lém lỉnh như bất kỳ cô bé, cậu bé nào sinh ra ở Việt Nam ở độ tuổi lên 3.

“Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng màu trắng như mây…gì nữa bà nội nhỉ?...Cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay, khi cháu vâng lời cháu biết bà vui”, Linh Đan vừa hát vừa tìm gợi ý từ bà nội.

Không ít người thân quen vẫn trêu gia đình cô giáo Thanh Hà là “gia đình liên hợp quốc” khi con trai gốc Hà Nội, con dâu người Tây Ninh lấy nhau và định cư ở Canada. Vùng đất con trai, con dâu định cư, người dân lại sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Để hỗ trợ vợ chồng trẻ và đặc biệt để cháu gái biết về ông bà, nói được tiếng Việt, cô giáo Thanh Hà đã tận dụng tối đa công nghệ.

“Ngày nào mình cũng duy trì nền nếp nói chuyện cùng nhau ít nhất một tiếng qua camera mạng viễn thông để cháu được nghe tiếng Việt, nghe giọng ông bà từ bé. Rồi có những tấm ảnh gia đình mình hướng dẫn cháu nhìn vào để nhận ra từng người thân như ông bà, cô, bác”, cô giáo Thanh Hà chia sẻ.

Bà nội Thanh Hà còn dạy cháu các trò chơi như đố chữ, kể chuyện. Thậm chí bố mẹ Linh Đan bận có thể làm việc ở phòng khác, bật camera ở phòng bé để ông bà có thể trông cháu bằng những câu hỏi, những trò chơi đơn giản mà hấp dẫn, dù không gian cách xa cả ngàn km, thời gian chênh nhau đến hơn chục giờ đồng hồ. Buổi tối tất cả các ngày trong tuần, Linh Đan được bố hoặc mẹ đều đặn đọc hai câu chuyện ngắn bằng tiếng Việt trước giờ đi ngủ.

Trở về Việt Nam lần thứ hai đón tết dương lịch 2024 này, Linh Đan có thể hát nguyên bài, trò chuyện thoải mái bằng tiếng Việt.

Nguyễn Minh Châu, cô ruột của Linh Đan hiện là giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi cũng hào hứng vận dụng những kĩ năng sư phạm trong việc tham gia “dạy tiếng Việt” từ xa cho cháu gái.

Sở dĩ cô giáo Thanh Hà nghĩ đến việc kết nối và dạy cháu tiếng Việt từ thuở lọt lòng bởi câu chuyện về thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài không nói được tiếng Việt khá phổ biến trong bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp.

“Ngay gia đình em trai mình định cư ở Mỹ khi sinh con đầu còn chịu khó dạy và nói tiếng Việt nhưng đến cháu thứ 2 thì việc nói tiếng Anh đã nhiều hơn, phổ biến hơn trong gia đình. Dù bố mẹ cố rèn nhưng không sát sao nên giao tiếp bằng tiếng Việt của con ngày càng khó khăn, hạn chế. Ngôn ngữ không tốt kéo theo hạn chế việc nói chuyện với ông bà nội ở Việt Nam”, cô Hà chia sẻ tình huống trong chính gia đình mình.

Nghĩ là làm, cô giáo Thanh Hà đã mở trại hè Việt Nam cho các cháu. Thời gian nghỉ hè ở Mỹ, các cháu họ và bạn bè về cùng sẽ được “tắm mình” trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Tuần đầu như cô giáo Thanh Hà kể, khả năng bật nói chưa tốt, các cháu có thể ngần ngại. Nhưng các thành viên trong gia đình cứ duy trì việc trò chuyện tự nhiên, chỉ sang đến tuần thứ hai, thứ ba, các cháu có thể tự tin hơn trong việc giao tiếp.

Với cháu nội, gia đình dự kiến năm nào cũng ít nhất một lần đưa cháu về Việt Nam thăm ông bà để Linh Đan không chỉ thuần thục ngôn ngữ mà còn thêm cơ hội hiểu về văn hóa, ứng xử trong mỗi gia đình người Việt. Bố mẹ, ông bà của Linh Đan còn dự kiến sẽ dạy chữ, dạy viết tiếng Việt cho cô bé dẫu biết sẽ nhiều khó khăn, nhất là khi em đến trường, học cùng các bạn chỉ nói và viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Người Việt xa quê tạo môi trường sinh ngữ cho con trẻ

Chị Lê Thương, Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam ở Nhật Bản trong lần về Việt Nam gần đây đã chia sẻ những câu chuyện của cá nhân và cộng đồng gần 500.000 người Việt ở Nhật Bản trong việc giữ gìn và truyền dạy ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ thứ 2, thứ 3. Hiện nay, chị Thương cùng nhiều phụ huynh khác ở Nhật vẫn duy trì được lớp học tiếng Việt cho các cháu thế hệ thứ 2,3 từ 6 đến 11 tuổi học tiếng Việt.

Theo chị Thương, bố mẹ chính là những người giáo viên đầu tiên đầy nhiệt thành và kiên nhẫn trong việc dạy và duy trì tiếng Việt cho con em mình. Sẽ khó khăn hơn nếu bố hoặc mẹ các em là người Nhật. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào tất cả bổ mẹ Việt kiều đều cố gắng để các em thế hệ thứ 2,3 có thể giao tiếp được trong cộng đồng người Việt ở Nhật hay để kết nối với ông bà, họ hàng người thân ở quê hương.

Trong điều kiện chưa có trường nào ở Nhật dạy tiếng Việt, để học tiếp lên hoặc duy trì được khả năng tiếng Việt sau giai đoạn này chị Thương khẳng định cần nỗ lực đồng hành từ chính bố mẹ, ông bà các em.

Cùng tham gia dạy tiếng Việt, cộng đồng người Việt ở Kansai, địa phương gia đình chị Thương sinh sống luôn cố gắng tổ chức các hoạt động giúp con em hiểu về văn hóa, phong tục tập quán quê hương các dịp lễ tết đồng thời tạo môi trường giao lưu thực hành sử dụng tiếng Việt. Con trai chị Thương 5 tuổi cũng đã có thể tự tin nói chuyện bằng tiếng Việt nhờ việc chị tận dụng khoảng thời gian tiếp nhận ngôn ngữ rất nhanh của trẻ trước 3 tuổi.

Dù đã có khung năng lực tiếng Việt 6 bậc nhưng chưa thể thực hiện ở Nhật Bản do có những hạn chế về lớp học, về giáo viên. Việc tổ chức thi, đánh giá năng lực tiếng Việt theo chị Thương nếu triển khai bài bản và hiệu quả cũng sẽ thêm động lực cũng như thước đo để các gia đình Việt kiều nỗ lực hơn trong việc duy trì học tập tiếng Việt cho con em.

Chị Trần Hồng Vân, kiều bào Úc khẳng định gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đều mong ước con em mình dù xa quê hương, sống trong môi trường khác, ngôn ngữ khác nhưng mỗi ngày về nhà có thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ Việt.

3 con của chị Vân sinh ra và lớn lên ở Australia, nguy cơ không nói được tiếng Việt hiển hiện từ sinh hoạt thường ngày. Có thể khi được yêu cầu, các con sẽ nói với mẹ bằng tiếng Việt nhưng cũng ngay trong không gian bữa cơm, khi quay sang với nhau, đám trẻ sẽ lại sử dụng tiếng Anh.

“Không thể để tình trạng này xảy ra nữa, mình muốn giữ tiếng Việt cho con", chị Vân chia sẻ suy nghĩ của mình tại thời điểm năm 2018, khi mà chị có cơ duyên tham gia dự án nghiên cứu và phát triển tiếng Việt được cộng đồng tài trợ.

Trong 4 năm tham gia với tư cách là nghiên cứu sinh, khảo sát hơn 300 gia đình người Việt, chị Vân thấy yếu tố quan trọng nhất để trẻ sinh ra ở nước ngoài nói được tiếng Việt chính từ việc bố mẹ phải rất quan tâm cũng như tích cực sử dụng tiếng Việt trong nhà.

Dự án của chị Vân nhằm vào quá trình phát triển ngôn ngữ của mỗi cá nhân. Những năm đầu đời được tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ tạo nền móng vững chắc để trẻ có thể tiếp tục học tập, rèn luyện và duy trì sử dụng tiếng Việt trong những năm tiếp theo, đặc biệt khi các em tiếp xúc nhiều hơn, rộng hơn với cuộc sống của người bản địa.

Khóa huấn luyện thí điểm cho 15 gia đình Việt kiều kéo dài trong 10 tuần nhằm cung cấp phương pháp dạy và duy trì tiếng Việt đem lại những kết quả tích cực thêm khích lệ để chị Vân tiếp tục mở rộng các hoạt động khác như kêu gọi được sự hỗ trợ từ đại sứ quán Việt Nam tại Australia để tổ chức những lớp học ngôn ngữ và văn hóa Việt cho học sinh tiểu học sau giờ học hay cung cấp 100 đầu sách tiếng Việt cho các gia đình có con từ 3 đến 10 tuổi cho chương trình “Đọc sách cùng con”. Những nỗ lực từng bước nhỏ đã mở ra những cánh cửa khác nhau cho việc dạy học và duy trì tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, thứ 3 ở nước ngoài.

Những người như chị Thương, chị Vân xuất phát từ mong muốn dạy và duy trì tiếng Việt cho con em đã rất nỗ lực trong việc lôi cuốn cả cộng đồng người Việt ở các quốc gia thuộc nhiều vùng lãnh thổ nhằm tạo nên những không gian mà ở đó thế hệ thứ 2,3 có được môi trường sử dụng tiếng Việt. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc tiếng Việt vươn lên trở thành ngôn ngữ được sử dụng phổ biến hoặc tiến tới được dạy như ngoại ngữ thứ 2 trong trường học ở nước sở tại khẳng định những nỗ lực nhỏ đã góp cho thành quả lớn.