Bức bí nghỉ hè mùa dịch

Khác với người lớn, năng lượng hoạt động của trẻ rất nhiều và mạnh. Nếu bị giới hạn các hoạt động này sẽ tạo ra sự buồn chán căng thẳng. Nghỉ hè cũng là lúc nhịp sinh hoạt của trẻ ít nhiều bị đảo lộn, thức đêm chát với bạn bè, buổi sáng dậy muộn hơn, các con cũng có thể đắm chìm vào không gian internet mà quên đi các hoạt động hè bổ ích.

Việc duy trì thói quen này trong quãng thời gian dài sẽ khiến trẻ không có động lực cho các hoạt động cá nhân, làm mất hứng thú, không kích hoạt cách nhìn nhận, suy nghĩ từ những hoạt động vui chơi của các con.

Nghỉ hè, thực hiện 5K thì làm gì?

Thông thường, nghỉ hè cũng là khoảng thời gian trẻ được bồi đắp kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, với diễn biến dịch Covid -19 phức tạp, mọi kế hoạch vui chơi, trải nghiệm của trẻ bị hạn chế. Nhưng, theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, điều đó không có nghĩa là các em khó rèn luyện kỹ năng sống. Nghỉ hè trong mùa dịch, trẻ vẫn có thể đi chợ, nấu ăn, sáng tạo món ăn mới, dọn dẹp, trang trí lại phòng ở, bỏ đi sách báo, quần áo cũ không còn dùng đến. Đó là những hoạt động trước đây các bạn ít có thời gian làm.

“Hồi còn bé tôi đọc rất nhiều sách, tôi còn có cả nhóm bạn thay nhau mượn sách vì thế khả năng ngôn ngữ của tôi tốt lên. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta sẽ không có nhiều thời gian để đọc sách nữa. Vì vậy, đọc sách để phát triển khả năng ngôn ngữ cũng là hoạt động bổ ích trong dịp hè Covid-19.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể nói chuyện với bạn bè qua mạng, tham gia các khóa học phát triển bản thân qua internet.

Dùng các thiết bị thông minh bao nhiêu là đủ?

Sử dụng máy tính, điện thoại thông minh quá nhiều trong kỳ nghỉ hè Covid-19 này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ. Trước câu hỏi, sử dụng điện thoại, máy tính bao nhiêu là hợp lý, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, ngay cả vị thành niên 14-18 tuổi cũng cần có sự giới hạn. Thay vì dùng internet cho các hoạt động giải trí đơn thuần, trẻ có thể tận dụng công cụ cho các hoạt động hữu ích hơn như tập thể dục nhịp điệu, yoga, sách nói…Dù vậy, tất cả cũng chỉ nên giới không quá 2-3 tiếng/ngày.

Lên thời gian biểu hợp lý

Với những bạn có khả năng quản lý thời gian và độc lập thì không cần phải có một thời gian biểu quá chi tiết nhưng với những bạn gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian thì nên có thời khóa biểu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải duy trì chuông đồng hồ, rèn luyện thói quen dậy đúng giờ.

“Tôi mong đợi các bạn ăn ngủ đúng giờ, sáng 6h30-7h30 dậy tập thể dục, làm những công việc trong nhà, chuẩn bị đồ ăn trưa, chiều có thể đọc sách, học ngoại ngữ,…Vào dịp hè, tôi thấy một số bạn chơi vào đêm rồi ngủ ngày, quên cả bữa sáng, bữa trưa. Nhiều bạn cho rằng nghỉ hè, hãy để các bạn được tự do làm những điều mà các bạn mong muốn nhưng điều đó sẽ khiến các bạn mệt mỏi, căng thẳng và tạo ra lối sống không tốt.

Để mùa hè bổ ích mà không cần ra ngoài

Khẳng định tầm quan trọng của những hoạt động thể chất đối với thanh thiếu niên, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, những hoạt động thể chất vẫn có thể diễn ra an toàn trong không gian sống của gia đình, phụ thuộc vào sự sáng tạo của phụ huynh và con trẻ. Ví dụ, nếu nhà bạn có không gian hạn chế, trẻ vẫn có thể tự tập cardio, aerobic trong nhà. Nếu nhà rộng hơn thì có thể tạo ra không gian đánh bóng bàn, thậm chí mua cây vợt đánh bóng bàn vào tường. Nhà nào có sân có thể tạo ra sân chơi bóng rổ…

Chúng ta có thể tận dụng không gian phòng khách. Bố mẹ và con cái vẫn có thể tập võ, đối kháng với nhau, bố đưa bao cát và con tập đấm vào bao cát… “Tôi nghĩ đó là cách hay chứ không nhất thiết cần không gian rộng. Quan trọng là chúng ta tương tác nhiều với nhau”.

Phụ huynh hãy đồng hành cùng con

Cho dù con lớn hay nhỏ, ở tuổi dậy thì hay vị thành niên cũng không thể thả con ở nhà từ sáng đến tối. Phụ huynh dù bận đến mấy buổi tối về nhà vẫn phải trao đổi, chơi với con, đồng hành với các con trong giai đoạn khó khăn này.

Tôi thấy nhiều phụ huynh tận dụng camera để theo dõi, con chưa làm gì đã lập tức gọi về nhà ngay nói cần làm thế này, thế kia mà không bao giờ nói chuyện. "Tôi nghĩ đó không phải là đồng hành với con mà là áp đặt", chuyên gia Vũ Thu Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ thiếu kỹ năng vì mọi công việc đã được bố mẹ làm cho hết, thậm chí bố mẹ nấu ăn xong, gọi ra bàn, ăn xong không dọn dẹp gì cả, thậm chí còn đánh giá bữa ăn không ngon…Theo chuyên gia Vũ Thu Hà, cha mẹ cũng nên “lùi” lại để tạo điều kiện cho con được rèn luyện kỹ năng.

Cuối cùng, nghỉ hè trong mùa dịch không có nghĩa là trẻ bị “bó chân, bó tay”. Không việc gì phải chán nản và thất vọng vì đã bỏ lỡ cơ hội tụ tập bạn bè, bị hoãn các kỳ nghỉ dưỡng với gia đình. Đây là cơ hội rèn luyện ý chí, tinh thần vượt qua thách thức và cũng là điều kiện cần cho sự trưởng thành. Nếu có kế hoạch tốt thì đây vẫn sẽ là một cơ hội để bạn trẻ để có một mùa hè ý nghĩa./.

Nghe chương trình tại đây: