Sáng nay (6/6), hơn 96.300 học sinh tại TP.HCM hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024.

Đề thi môn Ngữ văn gồm 3 câu, với nội dung như sau:

Câu 1: (3 điểm)

Em hãy đọc bức thư sau:

Em thương mến!

Tuổi trẻ là tuổi giàu nghĩ suy về cuộc sống xung quanh và về những người thân yêu. Thế nhưng đôi khi vì e ngại, em giấu kín những tâm tư của mình; vì sợ hãi, em âm thầm chôn sâu những ước muốn riêng tư; vì chưa đánh giá đúng ý nghĩa của lời nói em thờ ơ với việc tỏ bày. Để rồi bao nhiêu tình cảm tốt đẹp vụt qua tầm tay. Để rồi nỗi niềm tích tụ ngày một nhiều làm cho tâm hồn nặng trĩu; cuộc sống bớt đi những sắc màu tươi sáng.

Em biết chăng có những lúc tâm tư cần được thể hiện, ước muốn cần được thổ lộ, tình cảm cần được bộc bạch? Nhiều khi suy nghĩ được cất lên thành lời sẽ mang đến sự chia sẻ, cảm thông; sẽ tạo thành mối dây liên kết giữa người với người; sẽ giúp lan truyền những điều tích cực, đẹp đẽ.

Đó là khi bác sĩ Đặng Thùy Trâm khẳng định trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước trong Nhật kí của mình:

Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến, và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt.

Đó là khi nhà thơ Lưu Quang Vũ day dứt vì những lỗi lầm ngày thơ bé trong bài thơ Gửi mẹ:

Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ

Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học

Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh

Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa

Đó là khi triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima chia sẻ về sự độc đáo của bản thân trong tác phẩm Mắt kính không vướng bụi:

Tớ không trở thành ai khác

Không ai khác có thể trở thành tớ.

Em hãy nhớ rằng không phải suy nghĩ nào cũng cần cất lên thành lời nhưng có những suy nghĩ nhất định phải nói ra. Để bày tỏ cảm xúc. Để giải tỏa tâm trạng. Để bộc lộ cái tôi riêng biệt của bản thân. Để hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn.

Luôn có những người chờ đợi để được lắng nghe em.

Cô giáo của em

Thực hiện các yêu cầu:

a) Dựa vào bức thư, hãy chỉ ra ít nhất hai lợi ích của việc để những nghĩ suy cất lên thành lời (0,5 điểm).

b) Tìm một thành phần biệt lập trong đoạn thơ của Lưu Quang Vũ (0,5 điểm)

c) Lời chia sẻ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm giúp em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh? (1,0 điểm)

d) Em có thích suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/Không ai khác có thể trở thành tớ? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng (1,0 điểm).

Câu 2:

Trên đường đời một lần tôi vấp ngã

Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi

Tôi xuýt xoa. Quên cảm ơn. Là lúc

Ngẩng mặt lên Người ấy đã đi rồi

(Lê Minh Quốc, Từng ngày ba mẹ thở theo con, NXB Kim Đồng 2022)

Từ ý thơ trên và những trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500 chữ với nhan đề: “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời”…

Câu 3: (4 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong hai đề sau:

Đề 1

Em hãy viết một bài văn nghị luận về một bài thơ hoặc một đoạn thơ khiến em suy nghĩ về tình yêu đất nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ngợi ca tình yêu ấy. Từ đó cho biết tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đó đối với em.

Đề 2

Câu lạc bộ Lớn lên cùng sách

Thông báo

Chủ đề sinh hoạt tháng 6

Các bạn hãy gửi bài viết về câu lạc bộ theo yêu cầu sau:

-Chọn một tác phẩm hoặc đoạn trích viết về đề tài tình cảm gia đình.

-Viết một bài văn nghị luận trình bày những suy nghĩ của bạn về tình cảm gia đình trong tác phẩm hoặc đoạn trích ấy. Qua đó chia sẻ đôi điều về cách bạn trò chuyện và thấu hiểu (cách đọc) đoạn trích hoặc tác phẩm mà bạn đã chọn.

Hạn cuối nộp bài 10h ngày 6/6/2023

Chủ nhiệm CLB

Đề thi ấn tượng cả hình thức lẫn nội dung

Thí sinh Lâm Thảo Vy, học sinh trường THCS-THPT Đức Trí cho biết đã làm bài khá tốt nhờ ôn bài kỹ.

"Em thấy đề thi năm nay có tính mở hơn vì lần này cả 2 đề đều cho mình tự chọn tác phẩm, còn những năm trước thì đề 1 chỉ định một tác phẩm và đề 2 sẽ mở rộng. Em thấy vấn đề gia đình thì ai cũng có. Em nghĩ là mọi người cần biết ơn cha me, ghi nhớ công ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng mình, đó là một tình cảm thiêng liêng nên em chọn viết về gia đình".

Thí sinh Hà Lê Uyên Thư tại điểm thi THPT Trưng Vương cho biết em làm bài được khoảng 70%. Theo Uyên Thư, phần nghị luận xã hội nếu không đọc kỹ sẽ dễ bị lạc đề nhưng nếu mình hiểu rõ ý nghĩa của phần khổ thơ đó thì sẽ làm được bài.

Nhận xét về đề Ngữ văn năm nay của TP.HCM, thầy Võ Kim Bảo – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 cho biết, đề thi mới lạ, gây ấn tượng cả về hình thức lẫn nội dung. Theo đó, lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp, có một bảng thông báo của CLB Lớn lên cùng sách. Tuy có vẻ dài nhưng đề Văn không khó, nội dung gần gũi, dễ hiểu, thiết thực, chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh tuổi 15.

Với các câu hỏi, đề có sự sáng tạo và không trùng lặp với các năm trước. Ngoài ra đề cũng vừa sức với học sinh, thí sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu.

Với câu 1, đề thi có hình thức và nội dung đều mới, đặc biệt nội dung đọc hiểu không trích dẫn 100% mà được dẫn dắt bởi người ra đề.

Câu 2 cũng có điểm mới so với các năm trước, được dẫn dắt bằng một ý thơ và tạo lập văn bản dựa trên một nhan đề cho sẵn. Đề này đa số học sinh có thể làm được, tuy nhiên nếu không cẩn thận có thể làm bài không đúng trọng tâm, chỉ bàn về nội dung thơ hoặc nhan đề cho sẵn mà không có sự liên kết.

Theo thầy Bảo, với yêu cầu phụ của đề 2 là học, miễn em viết đúng là em đã đọc tác phẩm này bằng cách nào, hiểu như thế nào là có điểm chứ không có cần luyện đề, giải đề. "Đề thi không khó, vừa sức, sáng tạo nhưng học sinh nào trước giờ có thói quen học văn mẫu thì chắc chắn không làm tốt được bài này. Còn học sinh không giỏi Văn cũng sẽ làm tốt, chỉ cần hiểu vấn đề là làm được"./.