Sáng 06/08, gần 11.500 thí sinh của 36 tỉnh/thành phố với 13 Hội đồng thi làm bài thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021.

Về cơ bản, đề thi có cấu trúc và yêu cầu về kiến thức, kĩ năng tương đương đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn lần 1 năm 2021. Đề thi có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường – giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá, đề thi bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Yêu cầu về mức độ kiến thức và kĩ năng trong đề thi khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hữu Cường cũng cho rằng, đề thi cũng ít câu hỏi mở, khả năng phân loại thí sinh chưa cao, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngữ liệu đọc hiểu tương đối hay và có tính thời sự, đề cập đến mối quan tâm chung của nhân loại. Trong đề thi các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này, Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.

Câu nghị luận xã hội không khó và khá quen thuộc, ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được 1,5/2 điểm cũng là trong tầm tay.

"Là câu có nhiều “chất văn” hơn cả, câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề. Ở câu này, yêu cầu “nhận xét về càm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ” giúp phân hóa trình độ thí sinh. Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7-8 điểm.", Tiến sĩ Phạm Hữu Cường nhận định.

So sánh cụ thể hơn về độ khó-dễ giữa đề thi môn Ngữ văn đợt 1 và đợt 2, thầy giáo Vũ Thanh Hòa, giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) phân tích, phần đọc hiểu câu 1, 2 có độ khó và cách truy vấn tương đồng với đề thi đợt 1 (yêu cầu thí sinh phải đọc kỹ tư liệu và nắm bắt được các đáp án trọng tâm). Tuy nhiên câu 3,4 so với đề đợt 1 dễ hơn.

"Câu 3, 4 của đề thi đợt 1 câu hỏi khá trừu tượng, gây cho thí sinh sự hoang mang, các em nghĩ phải trả lời theo hướng mở rộng, tuy nhiên đáp án đưa ra chỉ là việc giải nghĩa các từ ngữ. Trong khi đó, câu 3,4 của đề thi đợt 2 tuy cách hỏi tương tự nhưng ý nghĩa câu văn thoáng hơn, thí sinh dễ suy luận.

Đối với phần nghị luận xã hội, thầy Hòa đánh giá đề thi của cả 2 đợt đều có độ khó tương đương: vấn đề nghị luận được đưa ra đều là những phẩm chất, đạo đức, hành vi tốt đẹp mà mỗi người cần có (đợt 1: sống cống hiến, đợt 2: tinh thần hợp tác). Thí sinh có "đất" để viết cũng như có thể dẫn được nhiều dẫn chứng.

Về phần nghị luận văn học, đề thi Ngữ văn đợt 1 rơi vào tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh (khổ 3,4,5) tác phẩm dễ phân tích, dù có 2 khổ 3 và 4 không phải là những đoạn trọng tâm nhưng đều là đoạn có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tới khổ thơ nổi bật nhất bài là khổ 5.

Trong khi đó, đề thi đợt 2 vào tác phẩm Tây Tiến (khổ 2). Thầy Vũ Thanh Hòa cho rằng, đoạn thơ này ít ra trong các đề thi. Do vậy thí sinh thường ôn trọng tâm ôn khổ 1, khổ 3. Chính vì vậy, phần thi nghị luận văn học đợt 2 yêu cầu thí sinh phải nắm vững kiến thức để phân tích được sâu và rõ ý.