Tại cuộc họp ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật nhà giáo. Tại cuộc họp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều trong dư luận. Trong đó phần lớn cho rằng đây là đề xuất thiếu căn cứ, không công bằng cho con em các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nhà giáo cũng là viên chức trong hệ thống công chức, viên chức nhà nước, không thể có quá nhiều "đặc quyền, đặc lợi" so với những đối tượng viên chức khác.

Mặc dù đời sống giáo viên hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống nhưng ông Phạm Văn Hòa cho rằng, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, đãi ngộ đặc biệt cho đội ngũ nhà giáo. Hiện nay, nhà giáo được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp vượt khung. Giáo viên giảng dạy tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo còn được hưởng các chính sách đặc thù khác của nhà nước và địa phương.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, việc cải thiện đời sống, thu nhập cho nhà giáo là đúng nhưng không nên miễn phí bất kỳ thứ gì, kể cả học phí cho con em giáo viên. "Chúng ta không thể chuyển sự không công bằng này thành sự không công bằng khác. Trong một xã hội, thì ngành nghề nào cũng là ngành nghề phải đáng được trân trọng và ưu tiên như nhau", ông Hòa nói.

Chia sẻ quan điểm với VOV2, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo là hoàn toàn không hợp lý, không khả thi và thiếu căn cứ.

"Nếu miễn học phí cho con em giáo viên thì con em công nhân, công an, quân đội, y tế... thì sao? Con em phải bình đẳng như nhau chứ không nên gây mất công bằng quá lớn giữa các ngành/nghề như vậy", ông Lê Như Tiến nói.

Đồng tình với kiến nghị tăng lương, cải thiện thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nhưng ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, việc tăng lương, phụ cấp cho nhà giáo cũng cần có sự tương quan, công bằng với các lĩnh vực, ngành nghề khác.

"Ngay cả việc quy định xếp lương giáo viên cao nhất cũng cần tính toán, cân nhắc thận trọng. Tôi đồng ý là tăng nhưng tăng ở mức độ nào cho hợp lý bởi có những ngành rất đặc thù khác là Y tế, cán bộ y, bác sĩ, nghiên cứu trong môi trường độc hại, nguy hiểm họ cũng rất vả, khó khăn, luôn đối đầu với dịch bệnh rất cần chế độ, chính sách, ưu đãi nghề", ông Lê Như Tiến nói chia sẻ.

Bàn về công tác xây dựng luật pháp, theo ông Lê Như Tiến kiến nghị, ban soạn thảo Luật, thẩm tra dự án Luật Nhà giáo cần có cái nhìn toàn diện. Nếu chỉ nhìn ở góc độ ngành thì khó toàn diện, công bằng.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến lần này, Bộ GD-ĐT còn đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những giáo viên mới được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Đồng thời, mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non được tăng thêm 10%, tiểu học 5%.

Hiện, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Nếu đề xuất mới được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho giáo viên sẽ khoảng hơn 12.800 tỷ đồng một năm.