Ngày 30/11, tại Trường ĐH Phenikaa, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2030 tổng quy mô đào tạo xấp xỉ 3 triệu người
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đào tạo 260 sinh viên ĐH/vạn dân. Đến năm 2030, 100% cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên dưới 25. Số giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ đạt trên 40%. Giảm ít nhất 20% số cơ sở giáo dục ĐH so với năm 2021. Dự thảo quy hoạch cũng đặt mục tiêu Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có hệ thống giáo dục ĐH tốt nhất châu Á. Trong đó, 10 cơ sở giáo dục ĐH và 20 ngành, nhóm ngành có tên trong bảng xếp hạng quốc tế uy tín.
Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH được phát triển đồng bộ và hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu học đại học chất lượng tốt của Nhân dân và yêu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao của nước phát triển, thu nhập cao. Giáo dục ĐH trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của quốc gia, động lực then chốt thúc đẩy phát triển đất nước. Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục ĐH tiên tiến trên thế giới.
Về quy mô đào tạo, dự thảo xác định đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo kỳ vọng đạt xấp xỉ 3 triệu người, trong đó khoảng 2.750.000 sinh viên ĐH, 210.000 học viên thạc sĩ và trình độ tương đương, 21.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ và trình độ tương đương.
Về quy mô các lĩnh vực cụ thể, dự thảo xác định tăng tỉ trọng quy mô đào tạo các lĩnh vực STEM, tới năm 2030 cả nước có khoảng 880.000 sinh viên đại học, 70.000 học viên thạc sĩ và trình độ tương đương, 7.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ và trình độ tương đương.
Ở lĩnh vực Kỹ thuật, định hướng ưu tiên phát triển một số lĩnh vực và ngành đào tạo then chốt: Công nghệ sinh học, y sinh, vật liệu, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, Kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa.
Về đào tạo giáo viên (trình độ ĐH) giữ ổn định tổng quy mô đào tạo và điều chỉnh tăng tỉ trọng sinh viên các ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, đào tạo giáo viên các môn học mới theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về lĩnh vực đào tạo ngành sức khỏe, tiếp tục tăng quy mô theo mức tăng trung bình chung để duy trì tỉ trọng khoảng 7,5% đến 8% tổng quy mô đào tạo trình độ đại học, trong đó các ngành đào tạo bác sĩ chiếm tỷ trọng khoảng 48%.
Về giải pháp tăng quy mô đào tạo, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ mở rộng các nguồn lực xã hội và sự tham gia của các trường tư thục. Năm 2030 quy mô sinh viên đại học khối tư thục chiếm ít nhất 25%. Tỷ trọng quy mô sinh viên ĐH tư thục hiện đạt khoảng 20%.
Mở rộng quy mô đào tạo trình độ đại học tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho người dân và đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ của các địa phương trong vùng.
Tiếp tục tăng quy mô đào tạo trình độ đại học một cách hợp lý tại hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ - đây là 2 khu vực tập trung số lượng lớn cơ sở giáo dục ĐH, với tỷ trọng giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư cao nhất cả nước – để thực hiện vai trò là các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất của cả nước.
Dự thảo cũng xác định mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Tới năm 2030 ít nhất 80% số nghiên cứu sinh được đào tạo tại các cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia.
Theo ông Dũng, hiện nay các sở giáo dục ĐH đào tạo trình độ Tiến sĩ đang có sự phân tán, thậm chí có những trường quy mô dưới 10 nghiên cứu sinh, không gian để nghiên cứu và phát triển còn gặp nhiều khó khăn.
Có 5 Đại học Quốc gia
Dựa trên các tiêu chí về năng lực, uy tín đào tạo và nghiên cứu khoa học, dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH và Sư phạm định hướng có 28-30 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia. Theo đó, tăng lên thành 5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng. 18-20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia.
Đánh giá về số lượng ĐH Quốc gia, ĐH vùng này, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cho rằng tỉ lệ này còn thấp hơn so với định hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới nhưng gắn với nguồn lực của chúng ta đặt ra bài toán phù hợp trong giai đoạn, thời kỳ tương ứng.
Dự thảo cũng định hướng phát triển giáo dục ĐH trên không gian số. Đến 2030, giáo dục ĐH số trở thành một trụ cột quan trọng của hệ thống GDĐH, chiếm tỉ trọng 30% quy mô đào tạo.
Những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH được sắp xếp theo các phương án: Tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; Sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục ĐH có uy tín; Đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Về cơ bản không thành lập trường đại học công lập mới, trừ các trường hợp cần thiết thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận đại học thấp như Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; Trường hợp tổ chức lại một số trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc các cơ quan trung ương đã được phép đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH; Trường hợp đã có chủ trương thành lập được cấp có thẩm quyền quyết định còn thời hạn cho đến thời điểm Quy hoạch này có hiệu lực thi hành.
Đến năm 2030 không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng
Đáng chú ý, dự thảo xác định từ sau 2030 chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục ĐH. Từng bước chuyển việc đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sang các trường đại học sư phạm và các cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Cụ thể, dự thảo xác định năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục ĐH tham gia đào tạo giáo viên các trình độ. Cụ thể có 11 cơ sở giáo dục ĐH giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực; tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
Ngoài ra, khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc; Khoảng 17 cơ sở giáo dục ĐH khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.
Năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng Sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành. Theo đó, sẽ sáp nhập vào một trường đại học Sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo giáo viên trong vùng; Sáp nhập vào một cơ sở giáo dục ĐH tại địa phương./.