Đèn tảo như cây xanh trong nhà
Đèn tảo của PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên và nhóm nghiên cứu, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, trường Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ có tác dụng chiếu sáng, trang trí mà còn có thêm 2 chức năng quan trọng khác là lọc bụi mịn, hấp thụ CO2 và sinh Oxy tươi, tương tự như việc trồng một cây xanh trong nhà.
Thiết bị sử dụng vi tảo như nguồn hấp thụ CO2 và sinh Oxy thông qua quá trình quang hợp. Quá trình hô hấp, con người thở ra nhiều CO2. Khí này được hút vào thiết bị và được tảo hấp thụ, bụi mịn và các thán khí khác được giảm bớt. Nhờ đó, chất lượng không khí trong phòng được cải thiện hơn.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề toàn cầu. Tảo là một trong những giải pháp hiện cả thế giới quan tâm vì khả năng quang hợp và hấp thụ CO2 lớn. PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên đã nhận thấy tiềm năng sản phẩm có thể đạt mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống ở các đô thị Việt Nam.
“Cuối năm 2018, đầu năm 2019 tôi có ý tưởng đưa thiết bị nuôi tảo vào trong nhà. Sau quá trình nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và đưa SV tham gia các giải thưởng, các cuộc thi, sản phẩm của cả nhóm nghiên cứu và sinh viên dần thay đổi diện mạo", PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên chia sẻ.
Thiết bị đèn tảo gồm có 3 bộ phân chính đó là màng lọc Hepa giúp tách bụi mịn. Bộ bơm sục khí giúp hút không khí từ ngoài vào đèn, qua đó loại bỏ khí cacbonic. Đèn LED cung cấp ánh sáng cho tảo phát triển.
Nút điều khiển ánh sáng có 3 mức sáng mờ, trung bình và mạnh, phù hợp nhu cầu người sử dụng. Nút bật/tắt bơm khí được tách riêng để đảm bảo bơm luôn hoạt động hút khí, đảm bảo chức năng lọc bụi của thiết bị. Tốc độ hút khí cũng theo 3 chế độ với lưu lượng khác nhau. Với tần suất sử dụng liên tục không ngừng nghỉ, một tháng, chiếc đèn tảo tiêu hao khoảng vài số điện.
Trong hướng dẫn sử dụng vòng tảo sẽ là 1 tháng/lần, quá trình thay tảo đơn giản. Theo đó, người dùng có thể lấy luôn tảo trong ống như nguồn giống, thêm dinh dưỡng mới để quay lại chu kỳ phát triển mới như chu kỳ sinh học. Nếu duy trì ổn định, thậm chí có nhiều đèn sử dụng 6-7 tháng không cần cấp thêm tảo mới.
Mới đầu, nhiều khách hàng chưa quen, công ty có hotline tư vấn lắp đặt cấp tảo. Nếu tảo không quay lại cu kỳ phát triển mới thì người dùng sẽ được cấp tảo miễn phí.
Đến nay khoảng vài trăm bộ thiết bị đã được bán ra thị trường. Chưa dừng lại ở đó, cô Yên và cộng sự có tham vọng cải tiến sản phẩm và đèn tảo chỉ như là một “tờ rơi”gửi đến khách hàng.
“Mục tiêu của tôi là tạo ra những sản phẩm có quy mô và hiệu quả xử lý khí, hấp thụ khí CO2 nhiều hơn, sinh oxy tốt hơn. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.
Hiện, đèn tảo chỉ có tác dụng ở khu bàn, ảnh hưởng phạm vi hẹp, đặt trong phòng phòng còn thêm chức năng trang trí, về mặt thẩm mỹ còn là nguồn xanh thư giãn. Nhưng ở góc độ sinh oxy và hấp thụ CO2, tôi muốn sẽ có quy mô lớn hơn và sản phẩm đa dạng hơn, các dòng sản phẩm cải tiến hơn. Quá trình đó không dễ và vẫn đang tiếp tục. Tôi muốn cùng đối tác phát triển thêm các sản phẩm đi từ kết quả nghiên cứu này”, cô Yên chia sẻ tham vọng.
Trước khi có sản phẩm thương mại như hiện nay, đèn tảo đã trải qua 4 phiên bản sau quá trình thử nghiệm và đón nhận phản hồi từ người dùng. Đèn tảo đang đang được thương mại hóa nhưng vẫn tiếp tục được nghiên cứu, đổi mới bắt đầu chuyển sang hướng vật liệu mới.
Cũng đã có người từng hỏi cô Yên vì sao không đứng ra thương mại, kinh doanh. Tuy nhiên, “tôi nghĩ nhà khoa học nên chuyên tâm vào nghiên cứu còn sản phẩm thì chuyển giao startup để doanh nghiệp có kinh nghiệm nguồn lực, nhân lực vật lực làm thì hay hơn”.
Theo đuổi mục tiêu vì môi trường
Là giảng viên trong lĩnh vực môi trường, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên đang hình thành những nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học để giảm phát thải, nghiên cứu biến chất thải, phụ phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm xử lý môi trường.
2 năm qua, 2 nhóm nghiên cứu sinh viên đã được giải cấp trường về sử dụng bã chất thải nông nghiệp như vỏ sầu riêng, rơm rạ, bã mía để chế tạo ra dạng vật liệu siêu xốp siêu nhẹ có khả năng xử lý các chất ô nhiễm như tràn dầu, xử lý màu thuốc nhuộm trong nước thải, hấp thụ CO2.
Hiện nay công nghệ môi trường đang có xu hướng kết hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, PGS.TS Đoàn Thái Yên tập trung vào 2 nhóm nghiên cứu chính là giảm ô nhiễm nước thải và giảm lượng chất thải phát xạ bằng công nghệ môi trường xử lý khí, xử lý rác và biến đổi rác thành vật liệu mới thay vì đốt bỏ.
“Tôi muốn từ thực tế ô nhiễm môi trường ngày càng tăng thì sinh viên ngành môi trừng dưới sự hướng dẫn của mình đi đúng hướng giảm phát thải, tăng cường kinh tế tuần hoàn, các chất thải không coi là chất thải mà là nguồn đầu vào cho một sản phẩm mới “zero waste”.
Hơn 22 năm công tác ở Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên kể trước đây cô tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, từng công tác tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Tuy nhiên, cô đã “theo chồng bỏ cuộc chơi” để ra Bắc.
Nói về cái khó của phụ nữ khi làm nghiên cứu khoa học, cô Yên vui vẻ “cá nhân tôi được ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của gia đình, chồng con, ông bà, những người xung quanh làm “bệ đỡ”. Bởi vì ngoài là nhà khoa học, mình còn là phụ nữ, vẫn muốn chu toàn công việc gia đình, hoàn thành tốt chức năng làm vợ, làm mẹ. Có sự ủng hộ này thì sẽ cân bằng để mình toàn tâm toàn ý đóng góp cho khoa học”./.