Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định số 97/CP về việc thành lập ĐHQGHN trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở khu vực Hà Nội. ĐHQGHN ra đời với tầm nhìn và kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước về một cơ sở giáo dục đại học lớn nhất đất nước mang tầm quốc tế với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

ĐH Quốc gia Hà Nội kế thừa bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang của 117 năm từ Đại học Đông Dương (1906), Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956). Đó chính là tầm nhìn trong tư duy, chất lượng cao, trình độ cao trong đào tạo và đỉnh cao, xuất sắc trong học thuật, chủ động hội nhập quốc tế; là truyền thống đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, với tinh thần luôn tiên phong, đổi mới, sẵn sàng phụng sự quốc gia.

Sau 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng trong bối cảnh mới. Đặc biệt qua thực tiễn, mô hình đại học quốc gia đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Mô hình này giúp cho các đại học quốc gia thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Trên cơ sở thử nghiệm của các đại học quốc gia, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho đại học quốc gia được mở rộng cho tất cả các trường đại học khác ở Việt Nam như tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sĩ...

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi thư chúc mừng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong thư Tổng Bí thư viết: "Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, trong đó ĐHQGHN được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Vì vậy, tôi tin tưởng và mong rằng tập thể thầy và trò ĐHQGHN sẽ phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê và sức sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nêu trên. Sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã đạt được các thành tích xuất sắc và thực sự trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng hàng đầu của đất nước, có vai trò nòng cốt và đầu tầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Đỗ Văn Chiến đã gửi lời chúc mừng các thế hệ thầy cô giáo, các nhà khoa học, các học viên, sinh viên của trường đã không ngừng nỗ lực trong thời gian qua.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ giảng viên, học viên, sinh viên ĐHQGHN đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả đáng trân trọng, tự hào trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ công tác phát triển đất nước, trở thành cơ sở đào tạo uy tín trong đất nước và khu vực, từng bước xác lập vị thế trên trường quốc tế.

"Thành tựu 30 năm thực hiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần tô thắm thêm truyền thống 117 năm vẻ vang, đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác", ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Giao nhiệm vụ cho ĐHQGHN, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị ĐHQGHN quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và các chủ trương, đường lối của đảng, dành tâm sức xây dựng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt các giải pháp, cơ chế và nguồn lực để phát huy mọi tiềm năng của ĐHQGHN, trong đó có việc xây dựng khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc trở thành niềm tự hào, tiêu biểu cho trí tuệ, nơi khởi nguồn cảm hứng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và hợp tác phát triển; xây dựng ĐHQGHN thành cơ sở giáo dục đào tạo có tiếng trong nước và tiến tới quốc tế.

Tại buổi lễ, GS. Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN điểm lại một số thành tựu và bài học phát triển của ĐHQGHN trong những năm qua trở thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực; ĐHQGHN tiên phong đổi mới, khẳng định uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước; Hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh về quy mô và đạt được một số kết quả tầm cỡ quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ĐHQGHN thực hiện hiệu quả mô hình hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao Khoa học và Công nghệ và cung ứng dịch vụ; Vị thế, uy tín quốc tế của ĐHQGHN được nâng cao. Đến nay, ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ hợp tác với trên 320 trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia.

GS. Lê Quân cũng khẳng định ĐHQGHN hướng tới tương lai với những chiến lược và mục tiêu cơ bản như: Xây dựng Khu Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc thông minh, hiện đại, bền vững, ngang tầm khu vực, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 25.000 sinh viên và hướng tới năm 2030 đạt quy mô đô thị 100.000 người với 80.000 học sinh, sinh viên và khoảng 10.000 giảng viên, nhân viên, là trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các doanh nghiệp.

ĐHQGHN xác định trở thành trung tâm lõi của Thành phố Hòa Lạc thuộc Thủ đô Hà Nội; ĐHQGHN tập trung thu hút nhân tài với cơ chế linh hoạt và hiệu quả theo phương châm kiến tạo môi trường để các nhà khoa học xuất sắc phát huy tối đa năng lực chuyên môn, hướng tới những công trình có chất lượng, có giá trị và đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Với quyết tâm đặt chất lượng làm giá trị cốt lõi và là tôn chỉ cho hoạt động tại ĐHQGHN, coi trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng, coi đào tạo các ngành khoa học cơ bản/đào tạo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đại học là nhiệm vụ nền tảng; đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, sáng tạo, nghệ thuật (khối kỹ thuật công nghệ đạt gần 30%); đẩy mạnh đào tạo ứng dụng và thực hành; chú trọng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đồng thời đặt mục tiêu giáo dục sinh viên toàn diện – giỏi về chuyên môn, có năng lực hội nhập, am hiểu văn hóa, truyền thống dân tộc và đặc biệt là nâng cao thể lực, thể chất. Với truyền thống vẻ vang và đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu đất nước, sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ thầy và trò, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành, ủng hộ của Chính phủ cùng các bộ ngành, với sự tự chủ cao, ĐHQGHN đã luôn sáng tạo, tiên phong, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, đề xuất và thí điểm thành công nhiều chính sách quan trọng, tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học, xứng đáng là ngọn cờ đầu của giáo dục đại học Việt Nam.

Hành trình 30 năm trưởng thành và phát triển vừa qua là hành trình của sự kiên trì đổi mới, phát triển vượt bậc, trở thành đại học hàng đầu, tiên phong của giáo dục Việt Nam, là hành trình khẳng định vị thế trong nước và quốc tế của ĐHQGHN.