Ngày 26/10, trao đổi với phóng viên báo chí bên lề hành lang kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV) liên quan đến việc cho học sinh đi học trở lại, ông Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh xảy ra thì quan trọng số 1 là phải bảo đảm an toàn sức khỏe. Tuy nhiên, nhu cầu được đến trường học trực tiếp là nhu cầu chính đáng của học sinh. Cả xã hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cần vào cuộc để giúp các cháu được đi học an toàn.

Ông Nguyễn Anh Trí đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT, các nhà trường thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Tuy nhiên, ông cho rằng đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chất lượng dạy học trực tuyến tồn tại nhiều vấn đề.

“Cho nên, tất cả phải cố gắng, giải quyết tốt nhất để các cháu được đi học trực tiếp”, ông Trí nhấn mạnh.

Để đưa học sinh đến trường an toàn, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có chiến lược vaccine cho trẻ em. Vaccine cho trẻ em theo ông Trí không phải là lấy vaccine của người lớn để ưu tiên cho trẻ em mà phải là đặt hàng những vaccine được phát triển riêng cho trẻ.

Về vấn đề này, ông Trí nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Y tế phải đón đầu những thành tựu nghiên cứu vaccine cho trẻ em trên thế giới, tránh bị động. Bám sát vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật của quốc tế. Vaccine nào phù hợp cần tập trung nguồn lực mua ngay để tiêm cho học sinh.

Bên cạnh giải pháp vaccine thì việc tổ chức khi cho học sinh đi học trở lại là điều rất quan trọng. Trong đó phải an toàn ngay trong mỗi gia đình, phải phòng chống dịch từ ngay bố mẹ, ông bà, người thân của học sinh….

Thứ hai, phải đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình các em di chuyển từ nhà đến trường. Cố gắng đưa học sinh đến trường bằng ô tô, xe máy cá nhân. Đối với những gia đình không có điều kiện ông Nguyễn Anh Trí đề nghị nghiên cứu giải pháp “3 tại chỗ”. Trường học chuẩn bị điều kiện ăn, nghỉ tại trường học và đảm bảo 5K.

Đặc biệt, phải tổ chức được mạng lưới y tế ngay trong trường học. Bên cạnh các thầy cô giáo dạy, người chăm nuôi thì cán bộ y tế trường học rất quan trọng. Đầu tư thêm mỗi trường chỉ 1-2 cán bộ y tế, hàng ngày đo nhiệt độ, hướng dẫn cho các cháu cách phòng chống, nếu có nghi ngờ thì xét nghiệm cho các cháu”, ông Nguyễn Anh Trí đề xuất.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi mở cửa trường học, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, mỗi tuần nên tổ chức xét nghiệm PCR tầm soát virus SARS-CoV-2 cho học sinh. Giải pháp này theo ông có thể tổ chức được và không lãng phí, không quá tốn kém khi có thể tổ chức xét nghiệm mẫu gộp trong khuôn khổ từng lớp học.

Ngoài ra để tránh nguy cơ, khi học sinh đi học trở lại, các trường học cần kiểm soát tốt khách, người ngoài đến trường làm việc, không cho tiếp xúc với học sinh.

“Nếu xã hội đồng lòng, ngành y tế, địa phương tham gia quyết liệt được, nhà trường cố gắng thì hoàn toàn cho học sinh đến trường học trực tiếp được”, ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đối với Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị cả nước, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bất cứ lúc nào nên việc lãnh đạo thành phố có sự thận trọng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn nên cho học sinh đi học trở lại. Bởi dù vẫn phát sinh những ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng nhưng không phải là số lượng lớn, chỉ xảy ra ở một số địa điểm nhỏ.

Chúng ta chấp nhận có F0 trong cộng đồng, nói cách khác không thể không có F0 thì phải thực hiện bình thường mới theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Rất nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa bàn ở nông thôn là “vùng xanh” không có dịch nhưng tại sao vẫn chưa cho học sinh đi học? Chúng ta quy đồng cả một tỉnh, cả một thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn, cần có kế hoạch phân vùng nào gọn vùng đấy. Vùng nào có nguy cơ, vùng nào không? dịch ở mức độ nào giải quyết nguy cơ đó, phạm vi đó.

(PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam )