Hiểu đúng về ứng dụng công nghệ

Ứng dụng công nghệ được xem như một giải pháp làm thay đổi căn bản và toàn diện mỗi giờ dạy học. Nhưng ở bậc học mầm non, không ít ý kiến nghi ngại việc đem công nghệ vào giờ học. Các em đang ở độ tuổi quá nhỏ, chỉ cần tập trung phát triển các kỹ năng cá nhân, công nghệ trong nhiều trường hợp sẽ bị cho sẽ tác động xấu tới thị lực, đến sự linh hoạt với đời sống thực.

Chị Lê Thị Thu Huyền, Tổng Giám đốc công ty cổ phần phát triển giáo dục Igaten, sáng lập hệ thống mầm non Simigaten, nguyên giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương và hiện vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên mầm non khẳng định công nghệ đang bị hiểu quá hẹp. Cứ nhắc tới công nghệ là mặc nhiên chúng ta nghĩ tới máy tính, điện thoại thông minh, robot...Nhưng thực ra công nghệ và ứng dụng công nghệ để dạy học từ bậc mầm non rất rộng, rất linh hoạt và sẵn có trong cuộc sống hằng ngày.

"Tôi lấy ví dụ về con dao, một vật dụng rất phổ biến trong mỗi gia đình. Tác dụng của dao là để cắt, chặt, gọt, phân tách nguyên liệu, vật liệu. Càng về sau càng xuất hiện nhiều thiết bị khác như máy xay thịt, xay sinh tố, máy cắt gọt tự động... dù là máy gì, sử dụng cho các mục đích khác nhau thì vẫn sử dụng lưỡi dao. Dạy học sinh mầm non cũng gần như việc giúp các em nhận diện công nghệ trong chính căn nhà mình, những vật dụng sử dụng hằng ngày thay đổi ra sao, được hỗ trợ của máy móc thế nào", cô Thu Huyền cho ví dụ để giáo viên, đặc biệt khối mầm non thoát được tư duy "sử dụng công nghệ là chưa cần thiết ở khối học này".

Đổi mới đào tạo từ nhiều cách

Để thay đổi, thêm mới hoặc ứng dụng những phương thức dạy học theo xu hướng hiện đại của thế giới, trong đó có dạy học mầm non trước hết phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy đội ngũ giáo viên. Họ phải thực sự cởi mở, ham thích và quyết tâm và dám thử nghiệm những thay đổi.

Còn ở góc độ đào tạo, theo TS Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngay tại giảng đường đã phải thay đổi để các bạn giáo sinh khi bước vào thực tế giảng dạy sẵn sàng, thậm chí tiến tới chủ động cho những thay đổi. Bên cạnh những nỗ lực từ công tác đào tạo, từ các ban giám hiệu và các giáo viên mầm non, theo thầy Tôn Quang Cường, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận và được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng sẽ giúp chúng ta đi tắt, đón đầu các xu hướng giáo dục hiện đại.

Cô Trần Thị Phương, Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương từ thực tế giảng dạy khẳng định những thay đổi tích cực từ giáo viên mầm non trong việc tiếp cận xu hướng giáo dục hiện đại của thế giới. Họ không chỉ tự học hỏi để sử dụng thành thục các phương tiện trang thiết bị dạy học hiện đại mà còn tự thiết kế, xây dựng bài giảng dựa trên công nghệ đồng thời tạo kho học liệu số để có thể dùng chung.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung thực hiện chương trình giáo dục mầm non ứng dụng phương pháp giáo dục Quốc tế: