Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục" do Trường Phổ thông Liên cấp Song ngữ Maya tổ chức tại Cộng Xưởng - Lễ hội Sáng tạo Liên ngành 2024, diễn ra từ ngày 26/10 đến ngày 10/11/2024.
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra thách thức cho giáo dục
Nghiên cứu, tiếp cận việc dạy học online cách đây hơn 20 năm khi vẫn còn làm ở mảng công nghệ, thầy Nguyễn Sĩ Thư - HĐQT Công ty Giáo dục Grit, Founder Alpha School nhận xét: hàng chục năm phát triển của e-learning không bằng một cú “huých” của Covid-19. Thời điểm đó, để triển khai dạy online hiệu quả, có lúc 200 thầy cô giáo của trường thầy Thư đã phải ngồi lại để làm giáo án, tập cách dạy để có thể "đưa trường học về nhà". Trước đây, trường học phải là bảng xanh phấn trắng, thầy cô là người truyền thụ kiến thức, học sinh là người nghe. Tuy nhiên, giờ đây nếu vẫn áp dụng lối dạy truyền thống sẽ không thể nào thu hút các con.
Hiện nay, bên cạnh việc dạy học trực tiếp thì nhiều trường vẫn duy trì dạy online. Quan niệm dạy học truyền thống thay đổi, mọi người dần đón nhận cách thức dạy học mới. Các phương pháp dạy học theo dự án, dạy học đảo ngược không nằm ngoài mong muốn của những người làm giáo dục chân chính. Đó là kiến tạo kiến thức cho các con.
“Trước đây, người biết trước sẽ truyền lại cho người biết sau nhưng bây giờ có những kiến thức mà học sinh có thể biết trước thầy cô. Bởi vậy, phương pháp dạy học cần phải thay đổi để làm sao người học có thể tham gia kiến tạo kiến thức. Đây sẽ là một trong những thách thức của giáo dục trong kỷ nguyên này”, thầy Thư đánh giá.
Trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ cũng đang tạo ra nhiều thách thức đối với những người làm giáo dục. AI có thể hỗ trợ con người trong cuộc sống. Đơn cử như tổng kết một văn bản, dịch, chuyển thể dữ liệu âm thanh, hình ảnh sang text... rất nhanh nhưng nguy cơ làm giả dữ liệu từ AI cũng là một trong những băn khoăn của xã hội. Chuyên gia giáo dục Đặng Đình Long đặt vấn đề: AI có thể là những dòng nước độc, xây dựng nền tảng thông tin sai lệch mà khoảng 10 năm nữa, thế hệ tiếp theo sẽ có nguy cơ hứng chịu hậu quả từ những thông tin sai lệch này. Trong các cuộc thảo luận, chúng ta khẳng định không sợ AI sẽ chiếm lấy cuộc sống của loài người. Tuy nhiên, cần chuẩn bị cho học sinh kỹ năng đối mặt với thách thức đó.
Thầy Nguyễn Sĩ Thư cho biết, hiện nay Google for Education đã phát triển hệ thống máy tính với hệ điều hành rẻ chỉ bằng 1/3 máy tính thông thường. Công cụ này có thể quản lý học sinh đến mức các em dùng gì, thời gian nào đều có thể báo cáo cho phụ huynh và thầy cô giáo.
Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện đã cho con tiếp cận với công cụ này. Trong khi giáo viên vẫn chấm, chữa bài hằng ngày, vật lộn với các bài thi.
“Tôi đã được xem họ nhúng AI vào các chương trình của họ. Ví dụ ngay sau khi các con làm bài online và nộp kết quả, AI sẽ ra báo báo cáo tổng hợp và chỉ ra rằng: trong 5 câu hỏi đó thì câu số mấy các con làm tốt nhất, câu nào các con làm chưa tốt. AI sẽ khuyến cáo đâu là mảng học sinh còn yếu và cô giáo nên tập trung bồi đắp kiến thức gì, kỹ năng nào cho con”, thầy Thư cho rằng đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với những người làm giáo dục.
Giáo viên phải giữ vai trò dẫn dắt
Theo founder của Alpha School, nhiều trường học tiên tiến hiện nay đã thành lập các phòng công nghệ thông tin, giúp thầy cô bám sát công nghệ để cập nhật trong trường học, từ đó dẫn dắt học sinh. Hiện nay, nhà trường cũng đang có 2 phòng dùng ipad để dạy học sinh với các bài kiểm tra được đưa lên online, giúp các em ứng dụng trong quá trình học và kiểm tra, đánh giá.
“AI là sẽ là xu hướng ảnh hưởng lớn tới giáo dục. Điều này sẽ là thách thức cho giáo dục, đòi hỏi các thầy cô phải thay đổi phương pháp giảng dạy, các trường ĐH sẽ phải thay đổi cách thức đào tào tạo giáo viên”.
Về băn khoăn AI sẽ khiến cho học sinh lười suy nghĩ và thụ động, cô Nguyễn Thị Thủy, hiệu trưởng Maya School chia sẻ: con của một người bạn mình đang học ở Mỹ ngành Triết học. Chuyên ngành của con hiểu nôm na là dạy cho AI, giúp AI không chỉ thông minh mà còn “con người” hơn. Ví dụ đó cho thấy AI tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng sẽ là thách thức mà chúng ta phải đối mặt.
Tuy nhiên, giáo dục là công việc cần nhiều thời gian. Hãy “cho trẻ em nhiều tự do nhưng ít quyền lực, còn người lớn thì ít giáo huấn và cần hành động nhiều hơn”. Trước những cơ hội và thách thức này, cô Thủy cho rằng học sinh cần được lắng nghe và tạo cơ hội để cất tiếng nói. Thầy cô và cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để hiểu con. Từ đây, các con cũng có thời gian để hiểu tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của thế hệ trước dành mình, từ đó kiến tạo môi trường phát triển.
Chia sẻ tại tọa đàm, chị Lưu Minh Hường, một phụ huynh cho biết con đã biết cách tận dụng công nghệ để tự học. Tại thời điểm dịch Covid-19, nhiều phụ huynh lo ngại việc online liên tục khiến con dễ sa đà vào game online. Tuy nhiên, các thầy cô đã hướng cho con cách sử dụng công nghệ để tạo ra những điều hữu ích. Con đã có thể viết được những con bot chạy game chứ không phải là chơi game nữa. Khi chơi game, con học hỏi được văn hóa của các vùng đất khác nhau – thứ mà người lập trình cài cắm vào đó, hiểu cách tư duy lập trình. Nhà trường hướng dẫn các con tư duy để tận dụng công nghệ vào việc học tập thay vì sa đà vào những thú vui đơn thuần.
Em Phạm Việt Long, học sinh lớp 10 Trường Maya cho biết, trước đây khi còn học online do dịch Covid-19, việc học theo dự án rất khó khăn. Năm đó, em tham gia vào xưởng tự động hóa nhưng thầy giáo không thể ở bên cạnh để chỉ việc. Thay vào đó, thầy đã "ship" linh kiện điện tử từ trường đến nhà từng bạn. Thầy cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn từng học sinh, giúp em hứng thú và việc học trở nên dễ dàng hơn.
Chuỗi sự kiện "Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục" được tổ chức với mục tiêu giúp giáo dục nhà trường và gia đình hỗ trợ sự phát triển toàn diện của các em học sinh, chuỗi sự kiện tạo điều kiện để phụ huynh, giáo viên, và cộng đồng cùng trao đổi, học hỏi, và khám phá những phương pháp giáo dục tiên tiến.
Nhiều điểm nhấn tại chuỗi sự kiện, bao gồm: Hội thảo về phương pháp Học theo dự án; Các workshop và lớp học thực tế do học sinh điều phối: Workshop Cộng đồng và demo các buổi học Dự án Cộng đồng thực tế, mang đến cái nhìn rõ nét về cách các em áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các dự án xã hội và môi trường thực tế; Các buổi tọa đàm cùng REO vang Gieo về Quyền trẻ em; Chương trình trình diễn TRI THỨC BẢN ĐỊA VỀ ÂM NHẠC: Vẻ đẹp, triết lý của Âm Nhạc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng tộc người do Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam chủ trì...