Ngày 27/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù về giáo dục cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ GD-ĐT, trong 10 năm (2011-2021), giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình.

Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm.

Từ việc chỉ có Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay toàn vùng 17 trường đại học (trong có 6 trường đại học ngoài công lập), 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Việc huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp mầm non còn phân tán, nhiều địa phương còn nhiều điểm trường, đặc biệt là ở những vùng có nhiều kênh rạch, cồn, bãi ngang...

Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% - 13%). Tỷ lệ người mù chữ của cả vùng còn cao.

Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Bên cạnh đó, theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước. Mặc dù quy mô đào tạo tăng trong 10 năm qua, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của người dân.

Để phát triển của giáo dục vùng ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng cần rà soát mạng lưới giáo dục, khắc phục tình trạng phân tán, điểm nhỏ, điểm lẻ; đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục; có chính sách đặc thù về tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1 ven sông...

"Bộ GD-ĐT cần tham mưu Chính phủ xây dựng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia cho vùng ĐBSCL. Nếu có đề án này, chắc chắn chất lượng giáo dục của vùng sẽ nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, bà Thanh đề nghị.

Trong chính sách phát triển đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, cần lưu ý tới phát triển giáo viên là người dân tộc thiểu số với cơ cấu hợp lý; đồng thời, có đề xuất để có đề án kiên cố hóa trường lớp mới, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho giáo dục.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Bộ GD-ĐT và các địa phương thiết kế chính sách tốt hơn trong giai đoạn tới, để giáo dục vùng ĐBSCL và từng tỉnh đạt mục tiêu Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định.

Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục

Đánh giá chất lượng giáo dục vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ĐBSCL đã thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục. Mặc dù chỉ số cơ sở vật chất, huy động trẻ đến trường, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đang còn rất khó khăn, song chất lượng giáo dục phổ thông của vùng ĐBSCL rất khả quan khi đứng thứ 2 trên 6 vùng của cả nước.

"Giờ không thể nói ĐBSCL là “vùng trũng” về giáo dục nữa, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi với các địa phương vùng ĐBSCL về những việc cần làm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới các nhóm công việc và giải pháp tổng thể về đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, đầu tư trang thiết bị, phòng học bộ môn. Trong đó việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học cần có phương án phù hợp với khu vực địa hình sông nước, chia cắt như ĐBSCL, khi xây dựng trường học, cần chọn những mẫu trường học phù hợp với địa hình, hướng đến mô hình gần gũi với thiên nhiên.

“Đối với ĐBSCL, chúng ta cần phải đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là một yêu cầu đặc thù, thiết thân. Với tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ người chưa được huy động đến trường, tỷ lệ người chưa thiết tha với việc đi học còn cao và với tỷ lệ vào đại học thấp… câu chuyện nhấn mạnh nâng cao dân trí là việc quan trọng. Sau đó mới tính đến nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.