"Gậy thông minh", bạn của người cao tuổi, người khuyết tật

Dự án “Gậy thông minh” của Nguyễn Hồng Phúc, Phạm Hồng Đồng, Vi Đình Khánh sinh viên trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An thuyết phục Hội đồng giám khảo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021 không chỉ vì có tính khả thi cao mà dự án còn có ý nghĩa xã hội khi hướng tới hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật.

“Từ thực tiễn cuộc sống, người cao tuổi, người khuyết tật rất khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày do vậy nhóm của em đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu, sản xuất sản phẩm hỗ trợ vận động, đi lại cho người cao tuổi, người khuyết tật”, Nguyễn Hồng Phúc – nhóm trưởng của dự án cho biết.

“Gậy thông minh” của 3 sinh viên trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An có các chức năng như cảm biến vật cản với khoảng cách từ 0,5-2m; được thiết kế hệ thống định vị GPS nhằm hỗ trợ người thân có thể giúp đỡ, quản lý vị trí người dùng từ xa. Ngoài ra phần thân gậy có đèn led chiếu sáng, chân gậy được thiết kế để đảm bảo phù hợp nhất cho người cao tuổi, người khuyết tật...

(Nhóm dự án khởi nghiệp Startup Kite "Gậy thông minh" của trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An)

Phân tích cụ thể hơn về công nghệ khi ứng dụng sản xuất sản phẩm “Gậy thông minh”, Nguyễn Hồng Phúc cho biết nhóm đã áp dụng hai công nghệ mới nhất hiện nay là cảm biến vật cản và thiết bị định vị GPS – người dùng có thể sử dụng lâu dài. Với công nghệ này, Phúc khẳng định bất kỳ ở vị trí nào cũng đều có thể nhận lệnh và gửi lệnh đi.

“Với sản phẩm gậy thông minh chúng em muốn biến nó trở thành người bạn đồng hành cho người cao tuổi và người khuyết tật. Mỗi khi không có người thân bên cạnh hoặc trong sinh hoạt hàng ngày, người cao tuổi, người khuyết tật có thể sử dụng cây gậy này như một người thân bên cạnh mình”, Phúc chia sẻ.

Thực tế trên thế giới đã có những sản phẩm tương tự như “Gậy thông minh”. Tuy nhiên theo Nguyễn Hồng Phúc, tại thị trường Việt Nam chưa hề có doanh nghiệp nào sản phẩm này. Do vậy, đây sẽ là một lợi thế khi đầu tư, sản xuất sản phẩm này tại thị trường trong nước.

“Nếu được sản xuất đại trà, sản phẩm Gậy thông minh của chúng em có giá thành chỉ khoảng 1 triệu đồng. Trong khi với một sản phẩm tương đương trên thế giới có giá thành khoảng 10 triệu đồng”, Nguyễn Hồng Phúc cho biết.

Có mặt tại Lễ trao giải cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021, ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt-Đức Nghệ An tự hào khi năm nay nhóm sinh viên khởi nghiệp của trường nhận được giải cao nhất tại sân chơi Startup Kite.

Ông khẳng định, dự án “Gậy thông minh” hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của học sinh, sinh viên. Trước đó, trường đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp và đã nhận được trên 30 dự án, ý tưởng của sinh viên. Tham dự Startup Kite 2021, trường Cao đẳng Việt-Đức Nghệ An có 3 dự án vào bán kết và 1 dự án lọt vòng chung kết và đạt giải Nhất.

“Ý tưởng hoàn toàn là của sinh viên. Các em cũng chính là những người triển khai dự án. Nhà trường chỉ hỗ trợ, tư vấn các em về mặt kỹ thuật cũng như phản biện các công đoạn để làm sao sản phẩm có tính năng tốt nhất, khả năng triển khai vào thực tiễn tốt nhất”, ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt-Đức Nghệ An chia sẻ.

Ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết, sinh viên trường nghề khởi nghiệp là điều rất cần phát huy trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, bản thân các trường, các giảng viên cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong học sinh-sinh viên, thổi hồn cho các em để các em có thể trở thành những ông chủ từ chính tay nghề, kỹ năng của mình.

Startup Kite 2021 chứng kiến sự trưởng thành của học sinh, sinh viên trường nghề

Vòng chung kết diễn cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021” diễn ra trong 2 ngày 25-26/11/2021 gồm 67 đội dự thi góp mặt tại đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí - công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hoá…

Cuộc thi Startup Kite năm nay gồm 5 nhóm tiêu chí: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh Covid 19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.

Sau 2 ngày diễn ra Vòng chung kết, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 29 dự án khuyến khích và 01 giải Đội Startup được yêu thích nhất thông qua bình chọn qua trang fanpage Facebook của Ban tổ chức.

2 giải Nhì thuộc về các dự án: “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn” (Nhóm sinh viên trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh); “Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” (Nhóm sinh viên trường Cao đẳng nghề kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang).

Phát biểu tại buổi Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, Startup Kite 2021 góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Thông qua cuộc thi có thể thấy nhiều học sinh, sinh viên rất chủ động, năng động, sáng tạo tìm tòi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội…

“Chúng ta được chứng kiến sự trưởng thành của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong việc học nghề, lập nghiệp. Các em chủ động tạo ra việc làm, tìm việc làm cho các bạn khác, trưởng thành rất lớn trong phối hợp làm việc nhóm, tự tin hơn rất nhiều khi đứng lên thuyết trình dự án, ý tưởng của mình trước các doanh nhân-giám khảo; các em đã chủ động trang bị, tìm tòi kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định.

Trong khuôn khổ diễn ra Vòng chung kết cuộc thi Startup Kite 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác các doanh nghiệp: Công ty TNHH Phú Thái Holding và Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; phối hợp đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho học sinh, sinh viên.