Học sinh mà nghiên cứu được những dự án “khủng” như vậy là hồng phúc dân tộc!

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong số 141 dự án tham gia dự thi, Ban tổ chức đã trao 12 giải Nhất, 19 giải Nhì, 26 giải ba và 34 giải tư.

Ngay sau khi tên 12 dự án được trao giải Nhất được công bố trên báo chí, dư luận và đặc biệt là giới nghiên cứu khoa học tỏ ra bất ngờ, thậm chí “choáng váng” bởi hầu hết những dự án này đều rất “khủng”, vượt tầm trình độ học sinh trung học.

Có thể kể tên những dự án như: "Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo" (THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh); "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ" (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM); "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình)…

Thậm chí, một số dự án giải quyết những vấn đề hóc búa trong y học như: "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch" (THPT Ngô Quyền và THPT Nguyễn Trãi, Hải Phòng); "Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư" (THPT chuyên Lam Sơn và THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa); "Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ" (THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư Phạm Hà Nội)….

Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, nếu quả thật học sinh trung học làm được những dự án này thì đây là hồng phúc dân tộc, các em xứng đáng được tôn vinh ở quy mô lớn hơn và phải được đào tạo đặc biệt.

“Nhìn vào những sáng tạo được trao giải mọi người đều thấy nó vượt tầm khả năng của các em. Phải là tài năng thực sự, thần đồng mới làm được. Nên thanh tra, xem xét lại những dự án được trao giải để xác định rõ thật, giả thế nào?” – Ông Lê Văn Vỵ băn khoăn.

Với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia tổ chức giải thưởng Nhân tài đất Việt, GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói thẳng: “Tôi không tin học sinh trung học có thể thực hiện được những dự án như thế này!”.

GS. Phạm Tất Dong khẳng định nếu đây là những đề tài thật, học sinh làm thật, giá trị thật thì phải tuyên dương Bộ GD&ĐT vì chất lượng dạy học ở phổ thông như thế nào mà học sinh có thể làm được những đề tài “vĩ đại” như thế.

Đọc tên 12 đề tài được trao giải Nhất, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trường phổ thông không thể cung cấp những kiến thức (như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, phân lập tế bào...) cho học sinh được mà phải là những Đại học, viện nghiên cứu lớn. Thậm chí, giáo viên phổ thông cũng khó có đủ trình độ để hướng dẫn học sinh thực hiện những đề tài này.

“Trước đây ở bên Nga, khi học sinh phổ thông làm được một số công trình như máy nghe cá voi nói chuyện, máy báo động kẻ trộm vào nhà... phần lớn các em phải nhờ các phòng thí nghiệm lớn, dựa vào các viện nghiên cứu và được các viện sĩ hướng dẫn chứ thầy giáo phổ thông sao có thể hướng dẫn những đề tài lớn như thế này được.”- GS. Phạm Tất Dong chia sẻ.

"Đừng tổ chức những cuộc thi mà tạo ra một nhà trường nói dối, giáo viên nói dối và học sinh nói dối"

Các bậc học phổ thông hiện nay đang diễn ra nhiều cuộc thi. Ngoài các cuộc thi học sinh giỏi các cấp còn có cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, nếu làm tốt cuộc thi này mang lại nhiều ý nghĩa. Song thực tế, cuộc thi đang rơi vào căn bệnh hình thức và chạy đua thành tích.

Ông Lê Văn Vỵ nêu lên 3 vấn đề liên quan đến cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học hiện nay:

Thứ nhất, nghiên cứu khoa học kỹ thuật phải dựa trên cảm hứng sáng tạo. Học sinh phải có cảm hứng, có sự nghiền ngẫm. Nhưng dường như cảm hứng sáng tạo này không phải bắt đầu từ chính học sinh mà nó được bắt nguồn từ sức ép từ một cuộc thi bên ngoài.

Thứ hai, các ý tưởng sáng tạo hầu hết hao hao giống nhau. Và những ý tưởng sáng tạo này liệu có phải là của học sinh hay vay mượn chỗ này chỗ kia?

“Các dự án của học sinh thường được hướng dẫn bởi một nhóm thầy giáo nào đó. Có khi chủ yếu thấy giáo làm mà không phải học sinh làm. Và như vậy biến học trò thành những diễn viên, chỉ diễn lại thôi. Nó gây ra sự tốn kém, lãng phí và tạo ra sự giả dối trong nghiên cứu khoa học”. – Ông Lê Văn Vỵ nhấn mạnh.

Thứ 3, trong nhiều năm tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, đã có bao nhiêu dự án đoạt giải cao được ứng dụng thực tiễn vào cuộc sống hay trao giải xong rồi bỏ đấy?

Từ thực tế này, ông Vỵ cho rằng, cần xem xét lại mục đích cuộc thi này. Nếu cuộc thi chỉ mang tính tập dượt cho học sinh nghiên cứu khoa học thì quy mô tổ chức phải khác. Còn nếu là cuộc thi sáng tạo thực sự thì các tổ chức, cách đánh giá phải thực chất. Do vậy, đã đến lúc phải rung lên một hồi chuông cảnh báo có nên tồn tại cuộc thi này nữa hay không? Nếu không hiệu quả, không thực chất thì phải bỏ.

GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng thẳn thắn nói, phải xem lại mục đích, mục tiêu của cuộc thi là gì? Những đề tài, dự án học sinh đoạt giải tính thực tiễn như thế nào? Có được sử dụng không? Cần phải được công bố trên mạng để mọi người cùng học hỏi, cùng giám sát.

“Nếu các dự án không thực chất thì tổ chức cuộc thi làm gì? Nó sẽ tạo ra một nhà trường nói dối, giáo viên nói dối và học sinh nói dối” – GS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Trong số 12 dự án được trao giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình) được cho là giống với một dự án từng đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2019 là "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình).

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Đặng Đình Sơn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) phủ nhận dự án được trao giải năm 2021 trùng với dự án được trao giải năm 2019. Và đây là 2 dự án có mục đích nghiên cứu, ứng dụng hoàn toàn khác nhau.

Ông Sơn cũng cho biết, 4 năm nay, trường đoạt 2 giải Nhất, 2 giải Nhì tại các cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Các dự án nghiên cứu này học sinh đóng vai trò chính chứ giáo viên không làm thay, làm hộ học sinh.