Mới đây, tại Diễn đàn người lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Đề xuất của Bộ trưởng GD-ĐT được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo giáo viên mầm non.

Giáo viên kiêm bảo mẫu

Gắn bó với nghề giáo viên mầm non 18 năm nay, cô giáo Phạm Thị Tâm, giáo viên trường mầm non xã Phú Mỡ (Đồng Xuân, Phú Yên) trải qua nhiều khó khăn, vất vả của nghề. Cô Tâm cho biết, trẻ ở độ tuổi mầm non hầu hết đều chưa có kỹ năng tự vệ sinh, ăn ngủ, sinh hoạt nên giáo viên mầm non vừa là cô, vừa là bảo mẫu.

“Trẻ mầm non hiếu động nên đòi hỏi công sức của giáo viên rất nhiều. Nếu chẳng may các cháu chơi đùa bị ngã dẫn đến tai nạn thương tích thì mọi trách nhiệm đều đổ lên vai giáo viên”, cô Phạm Thị Tâm chia sẻ.

Theo quy định hiện nay, lớp mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi không quá 25 trẻ/lớp; Lớp mẫu giáo 4 đến 5 tuổi không quá 30 trẻ/lớp và lớp mẫu giáo 5 đến 6 tuổi không quá 35 trẻ/lớp. Định mức giáo viên trong lớp học cũng được quy định rõ nhưng theo cô Phạm Thị Tâm, do tình trạng thiếu giáo viên nên có lớp chỉ có một giáo viên đứng lớp. Trường nào đảm bảo giáo viên thì có thể cân đối định mức 1,2-1,5 giáo viên/lớp.

“Số lượng trẻ/lớp thường đông nên hàng ngày giáo viên phải chịu áp lực về tiếng ồn từ sự vui đùa, quấy khóc của trẻ. Bên cạnh đó, không chỉ mùi mồ hôi mà giáo viên mầm non nhiều khi phải gặp tình huống như mùi vệ sinh, mùi nôn, trớ của trẻ…”, cô Tâm nói.

Cô Phạm Thị Tâm so sánh, giờ dạy của giáo viên mầm non quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDDT ngày 25/10/2011 là 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, giáo viên mầm non thường làm cả ngày ở trường, đi làm từ 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 mới về đến nhà.

Trong khi đó, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết (17,25 giờ/tuần), giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết (14,25 giờ/tuần); Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học (15,75 giờ/tuần), 17 tiết ở cấp trung học cơ sở (12,75 giờ/tuần) quy định tại Thông tư hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017.

Trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, cô Trần Thị Thanh Nga, giáo viên trường Mầm non Vành Khuyên (Pleiku, Gia Lai) thực sự xúc động bởi đây là tâm tư từ lâu của đông đảo giáo viên mầm non như cô.

Cô Nga cho biết, nghề giáo viên mầm non là ngành nghề đặc thù so với các bậc học khác cũng như các ngành nghề khác. Trong khi giáo viên bậc học khác có thời gian nghỉ ngơi giữa các tiết dạy thì giáo viên mầm non đứng lớp từ sáng đến chiều tối. Giáo viên chỉ tranh thủ nghỉ ngơi một chút buổi trưa khi các con đi ngủ.

Vất vả, nặng nhọc nhưng cô Trần Thị Nga cho rằng, giáo viên mầm non thuộc nhóm giáo viên có thu nhập thấp nhất. Việc sắp xếp thang, bảng lương cũng chịu nhiều thiệt thòi dù giáo viên có bằng đại học chính quy.

“Công việc vất vả nhưng nếu giáo viên ra trường dù bằng đại học nhưng chỉ được tính lương hệ số trung cấp, cao đẳng thôi. Áp lực nghề nghiệp cộng với thu nhập thấp khiến nhiều giáo viên mầm non xin nghỉ việc trong thời gian qua”, cô Trần Thị Thanh Nga chia sẻ.

Nếu bổ sung nghề giáo viên mầm non thuộc nhóm ngành nặng nhọc, độc hại theo cô Nga sẽ giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác, được hưởng thêm các quyền lợi cũng như tạo thêm động lực để các bạn trẻ lựa chọn nghề giáo viên mầm non.

Trong khi đó với cương vị là người sáng lập và chủ của Hệ thống giáo dục Mẹ Yêu Con, bà Vũ Thị Thúy thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của đội ngũ giáo viên mầm non cả công lập lẫn tư thục. Trong 3 cụm từ: "Nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm", bà Thúy nói, giáo viên mầm non phải đối mặt với tận hai nguy cơ: "Nặng nhọc - Nguy hiểm".

Nói về sự nặng nhọc của nghề, bà Thúy đánh giá, thời gian làm việc trong một ngày của giáo viên mầm non thường kéo dài, đón trẻ từ 7 giờ sáng và chiều muộn khi phụ huynh đến đón trẻ, giáo viên mới hoàn thành công việc. Đó còn chưa kể giáo viên phải làm nhiều công việc “không tên” khác liên quan đến sổ sách, giấy tờ, báo cáo cũng như tham gia tập huấn, nâng cao trình độ thường xuyên.

“Hầu hết giáo viên mầm non là nữ nên với cường độ làm việc kéo dài như vậy khiến cho sức khỏe tinh thần, thể chất của giáo viên bị kéo căng. Bên cạnh đó, họ là phụ nữ nên còn phải đảm bảo các công việc nội trợ của gia đình”, bà Vũ Thị Thúy chia sẻ.

Liên quan đến những rủi ro nghề nghiệp, bà Vũ Thị Thúy nói, giáo viên mầm non hiện nay đối mặt áp lực rất lớn từ phụ huynh. Không ít trường hợp phụ huynh xô xát, uy hiếp giáo viên do bất đồng hay hiểu nhầm về cách giáo dục, cách ứng xử với học sinh.

“Có trường hợp phụ huynh xông thẳng vào trường, lớp bạo hành ngôn ngữ, thể xác, đánh, tát giáo viên. Đối với bậc mầm non, không ít giáo viên bị stress, cạn kiệt sức khỏe do áp lực công việc”, bà Vũ Thị Thúy cho biết.

Nếu bổ sung nghề giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, bà Vũ Thị Thúy cho rằng đây sẽ không phải là sự ưu ái dành cho giáo viên mầm non mà là đánh giá đúng những khó khăn, vất vả, thậm chí nặng nhọc, nguy hiểm mà hàng vạn giáo viên mầm non đang phải đối mặt.

“Khi đưa vào nhóm nghề nặng nhọc, nguy hiểm sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non nhiều hơn như rút ngắn thời gian làm việc, rút ngắn tuổi nghỉ hưu, tăng phụ cấp, giảm giờ làm, hỗ trợ đào tạo giáo viên mầm non, thu hút nhiều bạn trẻ đi học ngành nghề này hơn”, bà Vũ Thị Thúy đặt kỳ vọng.

Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách...

-Nghỉ phép năm: Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ phép hằng năm 14 ngày hưởng nguyên lương.

-Chế độ ốm đau: Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày: 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 đến dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày).

-Chế độ hưu trí: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.