Thi môn Lịch sử- thí sinh chỉ học thuộc lòng

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đã qua nhưng chị Đỗ Ngọc Dung, nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội không thể quên những ngày cả gia đình căng mình cho lần “thử lửa” của cậu con trai lớn. Để "cày" điểm môn Sử cao nhất có thể, bao nhiêu sách vở, tài liệu môn Lịch sử mượn được, mua được từ khắp các nguồn đều được hai mẹ con mang ra học thuộc hằng ngày.

Đồng hành với con suốt cả chặng đường ôn thi, chị Dung cho biết vì chỉ đến khi “chốt” môn thứ 4 các con mới ôn tập gấp rút nên thời gian 2 tháng ôn tập môn Lịch sử cảm thấy quá ít.

“Phải thi và phải đạt điểm cao, đó thực sự là áp lực khủng khiếp. Đa phần các cháu sẽ học thuộc các mốc lịch sử. Và học Sử khi không đặt vào bối cảnh sẽ cực kỳ khô khan. Hoàn toàn chỉ là học thuộc máy móc. Hai mặt giấy A4 dày đặc chữ bé tí xíu phải thuộc lòng thì thực sự là điều không cần thiết. Đừng ai nói với tôi rằng cho các con thi sử sẽ làm tăng tình yêu với môn học này”- Chị Dung chia sẻ.

Thầy Hà Minh Thắng, giáo viên dạy giỏi Lịch sử cấp thành phố, hiện đang giảng dạy tại trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội qua quá trình đồng hành, luyện thi cho các khóa học sinh cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn, học Sử bây giờ là học thuộc cả câu hỏi và câu trả lời. Chưa kể các em còn truyền nhau những mẹo để làm bài như nếu không biết câu trả lời thì cứ chọn đáp án nào dài nhất…

Những phương thức học Lịch sử như thế theo thầy Thắng không phản ánh đúng bản chất khoa học của bộ môn. Khi học sinh không hiểu bản chất sự kiện, không hiểu đúng tư duy lịch sử cũng không thể có cái nhìn khái quát về quá trình lịch sử diễn ra như thế nào.

Thầy Thắng trăn trở, làm sao phải hài hòa giữa việc học và thi, tránh được tình trạng học chỉ để thi, để đối phó và thi xong thì gần như quên hết kiến thức, học không hiểu bản chất. Đây là một vấn đề khó cần được nhìn nhận và giải quyết thấu đáo để tránh tình trạng học Sử bị đồng nghĩa với học thuộc lòng.

Cách thức ra đề góp phần phá hỏng niềm yêu thích môn Lịch sử

Đã từng dạy môn Lịch sử và tu nghiệp môn Lịch sử tại Nhật Bản, Th.s Nguyễn Quốc Vương cho rằng chuyện thi cử tác động tới dạy học Lịch sử đã có nhiều bài học từ quốc gia Châu Á tương đồng với chúng ta.

Nhật Bản cũng từng mắc sai lầm khi vào những năm 60 của thế kỷ trước cũng áp dụng chế độ thi cử ngặt nghèo. Sau một thời gian tổ chức kỳ thi quốc gia lớp cuối cấp 2 và cấp 3 thì họ phát hiện thực tế các trường chỉ chú trọng vào mục tiêu điểm số.

Nước Nhật sau đó giảm tải bằng hình thức bỏ bớt các kỳ thi, hạn chế sử dụng hình thức thi trắc nghiệm. Hiện nay học sinh Nhật Bản chỉ có một kỳ thi lớn ở bậc phổ thông để bước vào đại học. Môn Lịch sử vẫn có thể thi trắc nghiệm nhưng cách ra đề không chỉ chọn đáp án đúng nhờ vào thuộc, nhớ thông tin. Đa phần thông tin đều được đưa sẵn, thí sinh phải dùng kiến thức của bản thân để giải mã thông tin.

Người làm giáo dục kỳ vọng vào việc thu hút sự quan tâm của xã hội, thầy cô, cha mẹ, phụ huynh vào học Lịch sử thông qua việc trở thành môn thi cho giai đoạn chuyển đổi mang tính bản lề cho mỗi học sinh. Thế nhưng theo Th.s Nguyễn Quốc Vương, cách thức ra đề đã góp thêm việc phá hỏng ước muốn tốt đẹp đó.

Hệ quả của việc dạy học Lịch sử theo cách này chỉ hướng tới mục đích đạt điểm cao trong bài thi. Quá trình luyện thi bởi thế sẽ theo phương thức giáo viên làm hoặc sưu tầm các bộ đề và học sinh trả lời rồi học thuộc. Một vòng luẩn quẩn nếu không thay đổi tư duy người làm đề, người dạy và ngành giáo dục tưởng giảm tải cho học sinh bỗng chốc thành tăng tải khi trong một thời gian ngắn các em buộc phải ghi nhớ rất nhiều tri thức không theo hệ thống, rời rạc, không để lại ấn tượng hoặc không hiểu bản chất.

TS Lê Thị Thu Hương, giảng viên môn Lịch sử trường Đại học Thủ Đô cho rằng, việc ra đề phải tuân thủ đúng quy cách với sự phân hóa được học sinh lần lượt theo các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao mới hy vọng góp phần kích thích được việc học bộ môn đúng theo logic của khoa học Lịch sử. Trong đó tăng cường các câu hỏi vận dụng để học sinh phải sử dụng các kiến thức đã học để tìm ra đáp án.

Còn việc nơi này nơi kia tổ chức ra đề thi chỉ dừng ở việc kiểm tra được học thuộc đã khiến cái nhìn về bộ môn bị méo mó. Cộng thêm việc dồn khối lượng tri thức khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn thì học sinh, phụ huynh sẽ tiếp tục học thuộc câu hỏi lẫn đáp án. Và đừng trông chờ tình yêu lịch sử khi sức ép thi cử quá lớn như hiện nay, TS Thu Hương khẳng định.

Mời các bạn nhấn nút nghe chia sẻ từ các chuyên gia về câu chuyện: thi sử có làm tăng tình yêu Lịch sử