Từ những thập niên 60-70, Việt Nam đã được thế giới biết đến bởi những thành tích nổi trội của những thí sinh tham gia các kỳ thi Toán quốc tế. Cộng đồng Toán học Việt Nam với những tên tuổi nổi tiếng như GS Hoàng Tụy, GS Trần Văn Nhung, GS Ngô Việt Trung, GS Đào Trọng Thi, GS Phùng Hồ Hải, GS Vũ Hà Văn và đặc biệt là GS Ngô Bảo Châu là những cái tên làm nên "thương hiệu" cho toán học Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đầu tư phát triển toán học khẳng định tầm nhìn bền vững của Đảng, nhà nước ta từ nhiều năm qua đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang quyết tâm thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .

Giải thưởng toán học là một trong những hoạt động nhằm khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực toán học, khích lệ các nhà toán học trẻ quyết tâm theo đuổi đam mê ở một lĩnh vực khoa học đặc thù. Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán về vấn đề này.

Phóng viên: Được biết Chương trình Toán đã thực hiện trao thưởng cho các công trình nghiên cứu toán học từ năm 2012. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Lê Minh Hà: Để thực hiện được các mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học (Chương trình Toán) giai đoạn 2010-2020, đặc biệt là mục tiêu “đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010” và mục tiêu “Nâng cao trình độ, vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế, nhằm đưa thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí hiện nay (50 - 55) lên hàng thứ 40”, một trong những giải pháp đã được tiến hành là tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế, đồng thời trao thưởng cho các công trình công bố xuất sắc để khuyến khích các nhà toán học trẻ nâng cao chất lượng công bố quốc tế.

Từ năm 2012, Ban Điều hành Chương trình Toán đều đặn tổ chức xét chọn và trao thưởng cho các công trình Toán học đăng ở các tạp chí quốc tế uy tín. Các công trình được xét thưởng phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là có ít nhất một đồng tác giả là giảng viên của một trường đại học trong nước (mỗi năm tối đa có 100 công trình được trao thưởng).

Qua 9 kỳ xét thưởng, cho đến năm 2020, Chương trình Toán đã hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng cho 736 công trình công bố quốc tế với mức thưởng mỗi năm từ 17,25 - 37,25 triệu đồng/công trình (mức thưởng mỗi năm được tính theo mức lương cơ bản của nhà nước).. Mặc dù trong giai đoạn 2012-2020, nhiều hình thức hỗ trợ công bố khoa học đã được thực hiện từ các nguồn khác nhau nhưng việc xét thưởng của Chương trình Toán có ý nghĩa rất lớn và uy tín cao đối với cộng đồng toán học, đặc biệt là đối với các nhà toán học trẻ. Điều này được thể hiện qua việc số lượng và chất lượng công trình đăng ký xét thưởng ngày càng tăng (năm 2012 chỉ có 81 hồ sơ đăng ký, các năm tiếp theo số lượng hồ sơ đều tăng, trong đó có năm lên tới hơn 200 hồ sơ đăng ký).

Chương trình Toán, đặc biệt là chính sách thưởng công trình Toán học, cùng với các chính sách hỗ trợ khoa học cơ bản khác như của Quỹ NAFOSTED, nỗ lực đầu tư cho nghiên cứu của các trường đại học là những yếu tố quan trọng nhất đưa công bố ngành Toán của các giảng viên đại học trong 10 năm qua có những tiến bộ vượt bậc.

Phóng viên: Việc trao thưởng đã được thực hiện đến năm 2020, tại sao mới đây Bộ GD&ĐT lại ban hành quy định mới?

PGSTS Lê Minh Hà: Thời gian thực hiện của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn trước là từ năm 2011 đến năm 2020.

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả đạt được của Chương trình Toán giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở đó, cùng với tình hình thực tiễn, đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp mới cho 10 năm tiếp theo. Ngày 22/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030.

Một trong những mục tiêu cụ thể quan trọng của Chương trình Toán giai đoạn 2021-2030 là “Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong Danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 - 2020”. Thực hiện nhiệm vụ giải pháp của Chương trình Toán giai đoạn mới” Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng Quy chế xét tặng Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030. Ngày 30/12/2022, Quy chế đã được ban hành kèm theo Quyết định 4657 /QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ba điểm hay đổi quan trọng nhất của Giải thưởng Công trình Toán học xuất sắc giai đoạn này so với giai đoạn trước. Đây là giải thưởng KHCN cấp Bộ, thực hiện 3 năm/1 lần (trước đây là xét thưởng hàng năm). Số lượng giải thưởng ít hơn - tối đa 3 năm 60 công trình (trước đây mỗi năm 100 công trình), và chỉ dành cho các công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín cao. Mức thưởng cao hơn và được chia thành Giải Nhất, Giải Nhì và Giải Ba.

Phóng viên: Với quy định mới này, theo ông có biểu dương và khích lệ được các nhà toán học và có khẳng định được tầm quan trọng của toán học trong sự phát triển Việt Nam không?

PGS.TS Lê Minh Hà: Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc giai đoạn 2021-2030 là sự kế thừa những thành công trước đó của thưởng công trình toán học xuất sắc thuộc Chương trình Toán giai đoạn 2010 - 2020.

Thưởng công trình Toán học xuất sắc giai đoạn trước (2010-2020) đã góp phần đạt được những kết quả xuất sắc, qua đó đạt được một số thành tựu chung của Chương trình Toán như:

Tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế: Trên hệ thống Mathscinet, kết quả thống kê cho thấy vào thời điểm 2010, Việt Nam có khoảng 300 bài báo. Đến năm 2019, tổng số công bố đã là 767, tăng gấp 2,5 lần so với 2010. Cả về số lượng lẫn mức độ tăng trưởng, công bố trên các tạp chí thuộc Mathscinet của Việt Nam nhiều hơn các quốc gia hàng đầu khác trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.

Nâng cao trình độ, vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế, nhằm đưa thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí hiện nay (50 - 55) lên hàng thứ 40: Số lượng và chất lượng các công trình Toán học tăng vượt bậc đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam, tạo đà cho Toán học Việt Nam có những thay đổi cơ bản cả về số lượng lẫn chất lượng, nâng thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí 50-55 lên ở vị trí 35-40.

Trong giai đoạn phát triển mới, mục tiêu của chúng ta sẽ không chỉ là khuyến khích hỗ trợ nghiên cứu khoa học thông qua việc công bố một cách đều đặn mà còn chú trọng đến chất lượng và tầm ảnh hưởng của công trình nghiên cứu. Một điều mà chúng ta thấy rất rõ là có những nhà khoa học có công bố nhiều và đều đặn, nhưng cũng có nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu và giải quyết một vấn đề lớn, có ý nghĩa, với thời gian thực hiện dài hơn.Vì thế Giải thưởng công trình toán học xuất sắc được trao tặng 3 năm/1 lần sẽ góp phần định hướng cho cả cộng đồng, chú trọng những công trình có chất lượng, có ý nghĩa lớn chứ không chỉ quan tâm đến số lượng công bố.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!