Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 hay còn gọi là đề án 33 đã đi được nửa chặng đường. Thực tế đã có nhiều khó khăn, thách thức cả chủ quan, khách quan đặt ra. Tuy nhiên, ngành giáo dục đã từng bước hoàn thành những mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu chuẩn bị đội ngũ cho chương trình giáo dục mầm non mới đang trong giai đoạn thí điểm trước khi ban hành.

Thành công, khó khăn thách thức đặt ra sau nửa chặng đầu tiên thực hiện đề án 33

Trong giai đoạn đầu từ 2018 đến 2021, việc thực hiện đề án 33 theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục từ 2018 dù ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã thực hiện hàng loạt chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán, nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới về các trường mầm non trên cả nước.

Ngay từ năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành "Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non" và "Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non" nhằm đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí để mỗi người giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá, xác định bản thân ở đâu trong thang của chuẩn để từ đó xây dựng kế hoạch phấn đấu. Sau khi Chuẩn được ban hành, Bộ GD&ĐT ban hành các Chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm dành cho cán bộ quản lý và giáo viên (còn gọi là chương trình bồi dưỡng theo chuẩn).

Bộ GD&ĐT cũng ban hành Quy chế bồi dưỡng từ xa với yêu cầu bắt buộc mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng là 120 tiết/năm với 3 nội dung gồm do Bộ GD&ĐT quy định; do địa phương quy định phù hợp với đặc điểm vùng miền và do cán bộ quản lý, giáo viên tự chọn theo các mô đun tại chương trình bồi dưỡng từ xa. Đây thuộc chương trình bắt buộc hằng năm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo nhu cầu của người học.

Đồng thời hằng năm, Bộ GD&ĐT lựa chọn các mô đun mang tính thời sự, thiết thực để tổ chức biên soạn tài liệu và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương. Bình quân mỗi năm có hàng ngàn lượt CBQL cốt cán, GV cốt cán tham gia bồi dưỡng. Lực lượng cốt cán này sẽ bồi dưỡng, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình triển khai bồi dưỡng đại trà tại địa phương.

Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đã nhanh chóng đổi mới về phương thức bồi dưỡng. Những năm trước đây, công tác bồi dưỡng giáo viên tổ chức trực tiếp cho đại diện cán bộ quản lý, giáo viên do địa phương cử, sau đó tiếp tục bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên. Thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt sau thời điểm Covid-19, công tác bồi dưỡng chuyển mạnh từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức trên nền tảng công nghệ thông tin.

Nội dung bồi dưỡng cũng thay đổi theo hướng đáp ứng theo nhu cầu của người học. Trên cơ sở các mô-đun bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT ban hành, người học tự xác định, chọn lựa các nội dung mà mình còn thiếu, còn yếu để đăng ký bồi dưỡng.

Quá trình bồi dưỡng giáo viên theo ông Phạm Tuấn Anh cũng đã gặp những khó khăn chủ quan lẫn khách. Có thể kể đến như thời gian làm việc ở trường của mỗi giáo viên mầm non nhiều hơn giáo viên ở phổ thông, thường kéo dài 9 đến 10 tiếng/ngày. Nhiều nơi, tại các điểm lẻ, chỉ có 1 giáo viên/lớp nên phải kiêm cả việc đón và trả trẻ. Chương trình giáo dục mầm non yêu cầu tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ 2 buổi/ngày. Bên cạnh việc phải tổ chức dạy học, giáo viên mầm non còn phải đảm bảo an toàn, chăm sóc và nuôi dưỡng đồng thời kiêm nhiệm nhiều việc khác. Điều này khiến giáo viên thiếu thời gian để sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp. Tiền lương, chính sách của giáo viên mầm non thấp chưa tương xứng với công sức lao động. Thầy cô phải làm thêm giờ khi đón trẻ sớm, trông trẻ buổi trưa, trả trẻ muộn nhưng nhiều nơi chưa trả được tiền thêm giờ hoặc trả thấp…

Ngoài việc được tham gia một cách bình đẳng các chương trình bồi dưỡng cán bộ và bồi dưỡng giáo viên như giáo viên công lập, theo bà Đậu Thúy Hà, đại diện Hiệp hội các trường mầm non ngoài công lập Việt Nam, các trường mầm non ngoài công lập có thuận lợi trong việc chủ động triển khai những chương trình mới. Thông qua việc khảo sát nhu cầu đào tạo từ các trường đặt hàng, Hiệp hội các trường mầm non ngoài công lập sẽ nỗ lực cùng phối hợp sự hỗ trợ của các đối tác, nhất là các đối tác về công nghệ hoặc là đối tác quốc tế về giáo dục để tổ chức đào tạo, cập nhật các xu hướng giáo dục mầm non mới của khu vực và thế giới.

“Ví dụ như Hiệp hội cũng cùng với các đối tác tổ chức những chương trình như trường mầm non hạnh phúc. Gần đây thì có các chương trình về đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong trường mầm non. Tôi nghĩ lợi thế của trường mầm non ngoài công lập nằm ở sự linh hoạt để thay đổi và thích ứng với thực tế”, bà Hà chia sẻ.

Bà Hà lấy ví dụ trong đại dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non vì hoàn cảnh khó khăn đã không trụ được với nghề. Tuy nhiên, năm học này, tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập gặp khó khăn trong tuyển giáo viên đã giảm nhiều.

Những công việc cần hoàn thành kịp mốc 2025

Theo Luật GD 2019, cao đẳng sư phạm được xem như trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 04/2022, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 86,1%.

Bộ đang triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non từ nay đến năm 2025 để tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn. Theo đó, các địa phương đang phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo lộ trình. Bộ chỉ đạo các địa phương rà soát, báo cáo số lượng giáo viên thừa/thiếu cũng như nhu cầu nhằm chỉ đạo các trường sư phạm tiếp tục đào tạo để bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu. Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ cho phép tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 và cử đi đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71, đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 theo lộ trình.

Công tác bồi dưỡng vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên tại các địa phương đồng thời tiếp tục triển khai các khoá tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non theo kế hoạch của Đề án 33. Đặc biệt tổ chức triển khai tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non để có thể thực hiện tốt chương trình Giáo dục mầm non mới trong thời gian tới, khi xã hội vận động và có những thay đổi không ngừng, đặc biệt sự có mặt của công nghệ vào mọi ngóc ngách, mọi hoạt động của xã hội.

Chuyển đổi số, xu hướng không thể đảo ngược của giáo dục mầm non

Chương trình giáo dục mầm non có mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm xã hội, ngôn ngữ, khám phá khoa học công nghệ và nghệ thuật. Công nghệ với bậc học mầm non theo ông Phạm Tuấn Anh thực ra vô cùng gần gũi, dễ hiều như các thiết bị được dùng trong gia đình. Từ việc hiểu được tên gọi của đồ vật đến việc sử dụng cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng các thiết bị công nghệ được xem như nhiệm vụ của giáo dục ở bậc học này.

Có thâm niên trong trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, lại đại diện cho Hiệp hội mầm non ngoài công lập Việt Nam và cũng nhiều lần trực tiếp tham gia hướng dẫn cũng như là đào tạo giáo viên mầm non, bà Đậu Thúy Hà cho rằng chủ đề lớn nhất mà các giáo viên mầm non cũng như các chủ trường mầm non ngoài công lập đề xuất hỗ trợ liên quan đến chuyển đổi số, đưa thêm công nghệ vào trường mầm non sao cho hiệu quả, giúp cho giáo viên giảm tải công việc.

“Hiệp hội các trường mầm non ngoài công lập chúng tôi đã triển khai một loạt các ngày tập huấn ứng dụng STEM với công cụ là thiết bị thông minh ở các tỉnh thu hút hàng trăm giáo viên tham gia. Chúng tôi rất hào hứng bởi đây là nhu cầu thực tế của giáo viên. Những tín hiệu hết sức khả quan này cho thấy những nét mới của chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được các giáo viên mầm non đón nhận. Thêm vào đó chúng ta còn có thêm các đối tác công nghệ cũng sẽ hỗ trợ để thực hiện việc này một cách suôn sẻ và hiệu quả ở quy mô lớn”, bà Hà phân tích.

Nhắc đến khả năng thích ứng của giáo viên mầm non, sau nhiều năm quan sát công việc hàng ngày của các cô giáo mầm non, bà Đậu Hà cho rằng ngày nào ở trường các cô cũng đều “tái sáng tạo” (re-invent) việc dạy học của mình, một cách tự nhiên nhất. Minh chứng thể hiện trong Cuộc thi THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ NĂM 2021 của Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động, dù không có một hạng mục dự thi riêng biệt cho giáo viên mầm non, nhưng vẫn có hơn 1000 cô giáo mầm non gửi bài giảng sáng tạo đến cuộc thi. Kết quả là, Ban tổ chức đã quyết định bổ sung hạng mục “Ý tưởng sáng tạo và ứng dụng CNTT hiệu quả” để vinh danh sự sáng tạo chủ động của các giáo viên mầm non.

Tuy sáng tạo là một phần cơ hữu trong công việc hàng ngày của giáo viên mầm non Việt Nam, nhưng cũng phải đến năm 2021 cộng đồng giáo viên mầm non Việt Nam mới có dự án đầu tiên được vinh danh trong nhóm 100 Sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu 2022 do tổ chức Chia sẻ các sáng kiến giáo dục tạo cảm hứng toàn cầu (HundrED) của Phần Lan bình chọn. Dự án đó mang tên: "Tăng cường năng lực giảng dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin” (Kidskills) bắt đầu triển khai từ 2019 do cô giáo Nguyễn Thị Phương, Giảng viên khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đồng thời là Đại sứ E-learning Việt Nam làm trưởng nhóm.

Tuy nhiên thì thực tế ứng dụng công nghệ thông tin các cấp học nói chung và giáo dục mầm non nói riêng vùng thuận lợi và vùng khó khăn vẫn còn khoảng cách khá xa, thể hiện ở rào cản về năng lực, trình độ của đội ngũ trong quá trình tiếp cận cũng như điều kiện để mua sắm trang thiết bị cho chính bản thân.

Về điều này, ông Tuấn Anh cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội và VNPT đưa đường truyền đến từng thôn, xóm bản của những vùng khó khăn. Quá trình đồng bộ hóa cần có thêm thời gian. Trước mắt, ngành giáo dục vẫn tin ở đội ngũ giáo viên vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình dạy học.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung về bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đã và đang được triển khai nhằm chuẩn bị về đội ngũ cho chương trình giáo dục mầm non mới: