Tọa đàm khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 8/11.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán tại Việt Nam trong thời gian vừa qua chưa được nhận thức đầy đủ hoặc chưa có những giải pháp đồng bộ. Đó cũng nguyên nhân mà theo ông Hoàng, còn những nghịch lý và mâu thuẫn. Thứ nhất, giáo dục phổ thông có vai trò định hướng rất quan trọng về nghề nghiệp STEM. Tuy nhiên tỷ lệ học sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp THPT luôn chiếm tỷ lệ thấp. Số học sinh theo học các ngành khoa học, công nghệ, toán ít. Hiện nay, ở phổ thông đang rất quan tâm thúc đẩy giáo dục STEM. Tuy nhiên, cái đích sau cùng của giáo dục STEM là phát triển năng lực và quan trọng hơn là định hướng cho các em có niềm đam mê, năng lực và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp thuộc về các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán thì còn bỏ ngỏ. “Phương pháp giáo dục STEM thì nhiều nhưng kết quả đầu ra có tăng tỷ lệ các em lựa chọn các ngành nghề có liên quan hay không thì chưa thấy hiệu quả”, ông Hoàng nói. Thứ hai, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán có chất lượng. Tuy nhiên sự quan tâm, đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học với các ngành nghề này chưa đáng kể. Thậm chí, nhiều ngành truyền thống không có sinh viên, không tuyển sinh được. Thứ ba, chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong phát triển nguồn nhân lực. Song, chưa có chính sách thu hút sinh viên giỏi vào các trường kỹ thuật, công nghệ; chưa có những chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn lực lao động liên quan đến các ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục Đánh giá về đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua, ông Tiến cho rằng Việt Nam có chủ trương, chính sách, chiến lược và định hướng phát triển rõ ràng của Đảng và Nhà nước về nhân lực. Song nhiều sáng kiến mới đang ở giai đoạn đầu triển khai và thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu. “Chúng ta nói rất nhiều đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng tuyệt nhiên chúng ta không có một kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Yêu cầu đột phá trong bối cảnh này chính là phát triển nhanh nguồn nhân lực STEM, nhất là nhân lực STEM chất lượng cao. “Điều đáng quan tâm là riêng bộ phận nhân lực STEM, nhất là STEM chất lượng cao thì hiện vẫn chưa có sự quan tâm cần thiết”. Do đó, ông Tiến đề xuất cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao trong thời kỳ mới. Theo ông Tiến: phát triển giáo dục STEM được coi là điều kiện tiên quyết trong phát triển nguồn nhân lực STEM.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội trong bài phát biểu tại Hội thảo cho rằng: ở Mỹ, ở Châu Âu việc định hướng đào tạo cho học sinh phổ thông yêu toán và công nghệ được tổ chức rất sớm. Từ đó hình thành năng lực tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và hình thành những năng lực để khi vào bậc đại học các em phát triển lên thành năng lực đổi mới sáng tạo thích ứng giải quyết những bài toán ở bậc Đại học và khi ra trường. Ý thức được điều này ĐH Bách Khoa Hà Nội đã tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, hợp tác với các trường phổ thông định hướng giáo dục STEM. Hội thảo này là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn theo mô hình hợp tác cùng phát triển, một bên là lý thuyết, một bên là các nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực đào tạo, một bên là các trường Đại học mới đào tạo nhân lực, một bên là nhà tuyển dụng. Từ những đúc kết kinh nghiệm và thực tiễn, Ban Tuyên Giáo có những kiến nghị tốt hơn cho Chính phủ; còn các trường Đại học có định hướng tốt hơn khi hợp tác hỗ trợ các trường phổ thông từ đó thay đổi định hướng của các em học sinh THPT với khoa học công nghệ.

Cũng tại tọa đàm này, ông Đào Cường Việt, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng đã đưa ra con số “báo động" về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông Việt, 10 năm trước đây, LG tuyển dụng nhân lực đáp ứng những yêu cầu của công ty là rất khó. Sau 2 năm Covid-19, hiện tại việc tuyển dụng nhân lực của công ty lại rơi vào tình trạng khó khăn như thời điểm 10 năm trước đây. Cụ thể, LG Innotek hợp tác với gần 10 trường Đại học nhằm mục đích phối hợp đào tạo nhân lực và tạo nguồn tuyển dụng nhân lực cho công ty, tuy nhiên tỷ lệ nhân lực đạt yêu cầu tuyển dụng là rất thấp. Ông Việt cho rằng, chỉ 10% trong số các kỹ sư tốt nghiệp có khả năng sử dụng tiếng Anh, bên cạnh đó các kỹ năng mềm của họ rất hạn chế. Để có nhân lực làm việc công ty phải đưa họ đi đào tạo lại, tuy nhiên việc này lại gặp một trục trặc là sau khi được đào tạo có thể đáp ứng được yêu cầu của LG Innotek, nhiều người lại chuyển công tác khiến cho công ty bị thiệt hại rất lớn mà vẫn rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của công ty.

Ông Trần Trung Kiên – Trưởng phòng tuyển sinh, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Nhiều năm nay nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành với mục tiêu sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên trong bối cảnh phát triển nhanh của khoa học công nghệ, nhiều sinh viên chưa chủ động học tập, trang bị cho mình các kỹ năng mềm, nâng cao khả năng ngoại ngữ nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng khi đặt ra mục tiêu tìm kiếm nhân lực chất lượng cao. Theo ông Kiên, việc đưa giáo dục STEM vào nhiều chương trình đào tạo của trường kỳ vọng sẽ sớm giải quyết được bài toán này. Không chỉ đổi mới chương trình giảng dạy, thúc đẩy sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều nhóm sinh viên còn chủ động hỗ trợ các em học sinh ở các trường phổ thông thực hiện những đề tài khoa học có tính ứng dụng để giúp các em hiện thực hóa khái niệm giáo dục STEM.

Làm thế nào để giáo dục STEM thực sự mang lại hiệu quả chứ không chỉ là phong trào mang nặng tính hình thức là vấn đề đặt ra đối với các hoạt động STEM ở các cấp học từ phổ thông đến Đại học. Nếu những hoạt động này thực sự hiệu quả thì việc xóa đi "vết gãy" giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học sẽ được giải quyết và học sinh sẽ sớm quen dần với tư duy học đi đôi với hành, sớm làm quen với môi trường học tập ở bậc đại học từ khi còn là học sinh phổ thông. Có như vậy tham vọng đào tạo ra “nguồn nhân lực chất lượng cao" phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo những tiêu chí mới ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới có thể thành hiện thực.