Trong suốt chiều dài lịch sử, từ những ngày đầu khi con người bắt đầu ghi dấu tri thức qua hình thức truyền miệng, đến thời điểm bùng nổ của các phát minh công nghệ hiện đại, giáo dục vẫn luôn là một trụ cột không thể thiếu của sự phát triển xã hội. Ngày nay, khi trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện đã khiến nhiều công việc với các kỹ thuật truyền thống, các kinh nghiệm xử lý vẫn đề hiệu quả tích lũy qua nhiều thế hệ bị vô hiệu hóa. Điều này khiến nhiều ngành nghề, kể cả đương ở vị trí đỉnh cao có thể bị thay thế. Những tiềm năng và thách thức này được Salman Khan, nhà sáng lập Khan Academy, phân tích trong cuốn sách “Nền giáo dục mới can đảm”.
Nằm trong danh sách những cuốn sách hay nhất năm 2024 (tính đến thời điểm này) trên Amazon, “Nền giáo dục mới can đảm” là cuốn sách đầu tiên về cuộc cách mạng AI trong giáo dục, cùng những tác động của nó đối với việc nuôi dạy con cái và cách chúng ta có thể tận dụng sức mạnh này vì những điều tốt đẹp, từ Salman Khan – người sáng lập Khan Academy.
Trong “Nền giáo dục mới can đảm”, Salman Khan khám phá cách trí tuệ nhân tạo và công nghệ GPT sẽ chuyển đổi việc học và đưa ra một bản đồ chỉ đường cho giáo viên, phụ huynh và học sinh để điều hướng thế giới mới đầy hứng khởi và đôi khi đáng sợ này.
“Nền giáo dục mới can đảm” không chỉ nói về công nghệ mà là những ý nghĩa sâu xa của công nghệ này đối với xã hội và tác động thực tiễn đối với các nhà quản lý, cố vấn hướng nghiệp và người tuyển dụng, những người có thể khai thác sức mạnh của AI trong giáo dục và nơi làm việc. Khan cũng đi sâu vào các khía cạnh đạo đức và xã hội của AI và các mô hình ngôn ngữ lớn, mang đến những cái nhìn sâu sắc về cách chúng ta có thể sử dụng những công cụ này để xây dựng một hệ thống giáo dục dễ tiếp cận hơn cho học sinh trên toàn thế giới.
Nhân dịp cuốn sách được phát hành chính thức tại Việt Nam, Omega+ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội và Khan Academy tổ chức buổi Tọa đàm & Ra mắt sách “ Nền giáo dục mới can đảm: AI sẽ tạo nên cuộc cách mạng giáo dục như thế nào?". Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn TS Đỗ Ngọc Minh, đại diện Khan Acanemy Việt Nam quanh câu chuyện thay đổi trong giáo dục để lao động trẻ trong tương lai gần không bị thay thế bởi AI.
Phóng viên: Thưa TS, ông nghĩ sao về những thay đổi trong đào tạo và từ đây thay đổi về đội ngũ lao động trong nền giáo dục có sự xuất hiện của AI?
TS Đỗ Ngọc Minh: Chúng ta đang trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều công nghệ trưởng thành và hội tụ giúp cho phương thức sản xuất cũng như cuộc sống con người tốt hơn. Trong số đó nổi bật lên AI, công nghệ được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn cục, cách mạng thực sự. Phải dùng từ cách mạng bởi góp phần biến đổi căn bản và tổng thể các lĩnh vực, các ngành nghề, thậm chí tác động đến từng người ngay lập tức.
Trong bối cảnh ấy, giáo dục cũng phải đặt ra những yêu cầu khẩn trương trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo căn cứ trên khả năng, nhu cầu, bối cảnh xã hội đang thay đổi và khác hẳn. Sau này khi các bạn trẻ học xong ra trường, cơ cấu ngành nghề cũng thay đổi.
Tuy nhiên, tôi cần nói thế này, cũng giống như những cuộc cách mạng trước nay, dù sao đây cũng chỉ là những công cụ mặc dù công cụ vạn năng, giảm thiểu nhiều về thời gian, công sức, thậm chí nghĩ hộ. Nếu các bạn đã thử sử dụng Chat GPT sẽ thấy cách bạn hỏi chính là cách bạn nhận câu trả lời. Cùng một công cụ có người sử dụng rất tốt nhưng người khác lại cho rằng nó trả lời chung chung, chẳng mang lại giá trị gì.
Việc bạn có năng lực khai thác thế nào chính là nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo tập trung giúp người học có khả năng làm chủ những lĩnh vực ngành nghề ở góc độ căn bản. Từ đó sử dụng trí tuệ nhân tạo cho công việc tương lai. Vì tương lai sẽ có những ngành nghề khác, công việc khác thay thế những công việc mất đi do trí tuệ nhân tạo thay thế. Thực ra cũng bởi con người sai khiến để AI làm và làm tốt hơn. Còn tốt đến đâu lại phụ thuộc vào chính con người
Phóng viên: Bây giờ có thể AI chưa thay thế con người nhưng cũng không biết rồi nó sẽ tiến đến mức nào. Vậy các bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề, hướng nghiệp cần chuẩn bị những gì để chọn đúng và không bị thay thế bởi AI, thưa tiến sĩ?
TS Đỗ Ngọc Minh: Thực ra đang có mấy hướng. AI tạo sinh như bây giờ giúp chúng ta tạo ra, tìm kiếm thông tin nhanh và dễ. Điều này khiến việc viết nhanh hơn, tạo ra thông tin dưới các định dạng như video, âm thanh, hình ảnh cực kì nhanh chóng. Thế nên những ai trước nay vẫn làm những phần việc này thủ công thì chắc chắn nếu học chỉ tập trung bằng ấy kỹ năng ra làm nghề chắc chắn sẽ bị thay thế. Cũng giống như khi máy tính ra đời thì nghề gõ chữ không còn bởi ai cũng tự sử dụng máy tính rồi. Hoặc trước kia muốn xử lý một bức ảnh phải qua nhiều thao tác, có nhiều kỹ năng, sử dụng nhiều kỹ thuật. Tuy nhiên, giờ chỉ cần nói với con AI câu lệnh: “Tôi cần ảnh làm visa đi Mỹ”, lập tức sẽ có ảnh 5x5 nền trắng với những căn chỉnh chuẩn luôn. Như thế lao động sẽ đỡ đi rất nhiều.
AI tạo sinh đang giúp cho chúng ta xử lí thông tin nhanh. Còn trí tuệ nhân tạo tổng quát thay thế con người vẫn là một dấu hỏi, vẫn ở phía trước. Tuy nhiên, chỉ AI tạo sinh thôi đã làm chúng ta có cảm giác trí tuệ nhân tạo rất thông minh rồi và tiến hằng ngày hằng giờ. Cách đây 2 năm Chat GPT 3 rồi đến 3.5 ra đời với cảm giác về sự ngô nghê. Nhưng chỉ trong chớp mắt nó đã trở nên tinh tế mà chúng ta không nhanh nó thay thế thực sự. Ví dụ như AI có thể làm nhân viên tư vấn tâm lý, giảng bài giúp cho giáo viên…
Phóng viên: Ông vừa chia sẻ chúng ta cần thay đổi trong đào tạo thì cụ thể gồm những gì để bản thân thầy cô không chậm nhịp và lao động bước ra thị trường không bị thua cuộc trước công nghệ như AI?
TS Đỗ Ngọc Minh: Chúng tôi đã có cuộc tọa đàm với sự tham gia của các bạn trẻ nhằm trả lời cho vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng khi AI, một công nghệ có khả năng mang tới một cuộc cách mạng thì giáo dục cũng cần làm cách mạng, hình dung về sự thay đổi để rồi từ đó biết mình sẽ làm những gì.
Cho đến giờ giáo dục của chúng ta vẫn chỉ đáp ứng cho nhu cầu của các cuộc cách mạng trước nên vẫn theo kiểu đi học đúng giờ, cùng nhau học chung một tốc độ, chung một vấn đề… Và dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa khai thác được hết năng lực của các bạn trẻ, giáo viên có nỗ lực đến mấy cũng không thể quan tâm, dạy học cho từng học sinh trong tập thể vài chục, vài trăm em.
Nay có AI, chúng ta sẽ phải đặt ra những câu hỏi rất căn cơ, thậm chí có nhất thiết cần lớp hay không? Có cần 12 năm học xong chương trình phổ thông hay cứ nhẹ nhàng, tự nhiên căn cứ vào năng lực của từng em và chỉ cần 5,6 năm đã xong chương trình… Đấy chính là những câu hỏi cần đặt ra, xem xét và trả lời. Còn lại nếu chỉ áp dụng công nghệ vào cái cũ vẫn chưa tạo nên bước ngoặt. Phải đặt công nghệ trong quá trình tạo ra những điều hoàn toàn mới chưa từng xảy ra mới tạo nên bước ngoặt.
PV: Học trực tuyến và tự học có lẽ sẽ trở thành giải pháp cho giáo dục nhằm thích ứng với những thay đổi liên tục và nhanh chóng, thưa TS?
TS Đỗ Ngọc Minh: Đúng như vậy và đó là điều chắc chắn.
PV: Trân trọng cám ông với những chia sẻ vừa rồi.
-“Về tốc độ gia tăng của công nghệ AI trong đời sống có thể thấy 75% dân số thế giới đang sử dụng trong công việc. Trong đó 46% mới sử dụng AI trong 6 tháng gần đây. Điều này cho thấy tốc độ phát triển các ứng dụng AI nhanh, mạnh và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Và có đến 65% giáo viên theo khảo sát từ Ford vào tháng 6 năm 2024 áp dụng AI vào giảng dạy. 55% trong số đó cho rằng AI đang góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như giảm áp lực hành chính và cho thấy dù muốn hay không AI đang len lỏi vào giáo dục tạo nên những ảnh hưởng và cải tiến đáng kể” - PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường đại học Khoa học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
-“Cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu cách sử dụng AI trong dạy và học với con cái và học sinh của bạn. Có rất nhiều ví dụ minh họa dể hiểu để có thể dễ dàng hình dung cách áp dụng. Bạn có thể đọc đi đọc lại và chia sẻ với những người khác. Điều này chắc chắn sẽ gia tăng hiệu quả của toàn bộ nền giáo dục”- Phạm Đức Trung Kiên, Chủ tịch The Vietnam Foundation.
-“Tôi hi vọng chúng ta như những đốm lửa nhỏ, cùng nhóm lên đốm lửa lớn, giúp mọi người đặc biệt các bạn trẻ vì AI giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, tiến xa hơn trong giáo dục mà giáo dục là gốc rễ thúc đẩy. Từ giáo dục mới có thể thay đổi nhiều thứ...” - Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty sách Omega Việt Nam.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: