Những ngày qua, vấn đề giáo viên nghỉ việc đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên VOV2 đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Phóng viên: Thưa bà, nếu như trước đây nhiều người muốn “xin” vào ngành giáo dục, thì hiện nay lại có một lượng lớn giáo viên bỏ hẳn nghề hoặc chuyển từ trường công lập ra trường tư thục. Bà có thể lý giải nguyên nhân vì sao lại như vậy?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Có mấy nguyên nhân, thứ nhất là một bộ phận giáo viên mầm non ở những địa bàn không thể dạy trực tiếp được mà mầm non thì cũng không thể tổ chức dạy trực tuyến. Các giáo viên mầm non đã phải đi tìm những công việc mới và có thể công việc đó cho thu nhập cao hơn hoặc bớt áp lực hơn. Chính vì lẽ đó, khi mà các trường mầm non mở cửa trở lại thì họ đã không quay trở lại ngành giáo dục.
Thứ hai, giáo viên cũng là một lực lượng lao động, họ cũng phải chịu sức ép của cuộc sống như bao người khác, nhưng khi so sánh giữa đồng lương của giáo viên với thu nhập của những công việc khác thì có sự chênh lệch rõ rệt. Tại các khu công nghiệp, lương của giáo viên mầm non mới ra trường chỉ tầm khoảng 3,5 triệu, trong khi đó, công nhân có thể có thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng thậm chí trên 10 triệu đồng. Cho nên dù giáo viên mầm non có yêu nghề đến mấy, cuối cùng vì thu nhập mà họ phải bỏ nghề để đi làm công việc khác.
Thứ ba, khi ngành giáo dục triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa, có rất nhiều yêu cầu mới đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư nhiều hơn về thời gian, chất lượng bài giảng…Đối với bậc trung học cơ sở, chương trình mới dạy một số môn tích hợp mà giáo viên trung học cơ sở thì chỉ được đào tạo đơn môn, vì vậy một số giáo viên không tự tin khi đứng lớp. Tôi cho rằng, nếu không có những giải pháp để hỗ trợ cho họ thì đến một thời điểm nào đó, chính bản thân họ cũng buộc phải lựa chọn phương án dời ngành vì họ không đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phóng viên: Thưa bà, như bà vừa phân tích, có thể thấy lương thấp là một trong những lý do dẫn đến nhiều giáo viên phải chia tay với nghề. Vậy nếu nâng lương và có chế độ ưu đãi khác thì có “níu chân” giáo viên được hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Đúng là hiện nay, lương của giáo viên rất thấp. Chính vì vậy, ngoài công việc đứng lớp, họ còn phải làm nhiều nghề khác như bán hàng, lái xe.... ngoài giờ để bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, tiền lương chưa phải là lý do chính. Từ xưa tới nay, đã ai giàu bằng nghề giáo đâu, các thầy cô giáo ngày xưa vẫn phải làm thêm thì mới đủ sống, nhưng khi đã chọn nghề giáo, họ hoàn toàn biết và chấp nhận điều này. Tôi cho rằng, môi trường làm việc mới là nguyên nhân cốt lõi để giáo viên trăn trở ở lại hay không ở lại nghề.
Phóng viên: Vậy bà có thể cho biết cụ thể hiện môi trường làm việc của giáo viên như thế nào mà dẫn đến người giáo viên buộc phải chia tay với nghề không thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Bệnh thành tích trong ngành giáo dục hiện là một trong những nguyên nhân khiến cho giáo viên luôn luôn bị áp lực. Bệnh thành tích xuất phát từ chỗ, các chỉ tiêu đặt ra đối với giáo dục rất cao. Tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh đến lớp, thậm chí có những việc như giáo viên không được phép cho học sinh ở lại lớp, mặc dù học sinh có thể không đáp ứng được yêu cầu. Vì bệnh thành tích thì giáo viên bắt buộc phải tuân theo những chỉ tiêu đấy. Bởi nếu không đạt, giáo viên sẽ bị cắt thi đua, trừ khen thưởng cuối năm thậm chí có nơi còn bị kiểm điểm... Đây là áp lực không nhỏ đối với giáo viên và cũng là lý do giáo viên bỏ ngành.
Phóng viên: Ngoài “bệnh thành tích” như bà vừa nêu, theo bà, giáo viên hiện còn phải chịu áp lực nào nữa không?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Đúng là giáo viên không những phải chịu áp lực trong ngành như tôi vừa nêu mà họ còn phải chịu áp lực từ ngoài ngành. Đó là từ phía phụ huynh học sinh. Bây giờ phụ huynh kỳ vọng rất nhiều vào con cái, ai cũng mong muốn con em mình trong học tập phải luôn được đánh giá là khá, là giỏi.
Sự can thiệp của phụ huynh vào nhà trường và giáo viên rất nhiều, họ có thể giám sát giáo viên thông qua hội phụ huynh.
Không chỉ có vậy, giáo viên còn phải chịu áp lực của mạng xã hội nữa. Bất cứ một hành vi nào của giáo viên trong nhà trường, có khi chỉ là phạt học sinh vì không tuân thủ đúng quy định của trường, của lớp cũng bị phụ huynh đưa lên mạng xã hội.
Thực tế là có những giáo viên bỏ ngành chỉ vì nghiêm khắc với học sinh và bị phụ huynh phản ứng không tốt, thêu dệt câu chuyện rồi đưa lên mạng xã hội và gặp phải chuyện không hay. Nhiều giáo viên họ cảm thấy không đủ sức để chịu đựng những sức ép đó và đã rời khỏi môi trường giáo dục.
Vâng, xin cám ơn bà.