Như hầu hết các địa phương trong cả nước, khi triển khai nội dung Giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, ngành giáo dục Thủ đô cũng rơi vào tình thế bị động, rập khuôn, máy móc và kết quả chưa thực sự được như mong đợi.
Trong bối cảnh đó, cuối năm 2022, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án: “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Đề án 1209). Đề án này đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội" hạng mục Ý tưởng năm 2023.
Ban chuyên môn đề án 1209 cùng sự giúp sức của các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu nhiên cứu các lĩnh vực khác nhau về Hà Nội đã biên soạn bộ chương trình và tài liệu bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học.
Hội thảo lần này có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cơ quan quản lý giáo dục, văn hóa Thủ đô, cán bộ quản lý các trường phổ thông…đặc biệt là đội ngũ giáo viên đã, đang và sẽ tham gia giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội.
Những ý kiến tham luận từ hội thảo sẽ giúp Ban chuyên môn đề Đề án 1209 tiếp tục hoàn thiện 7 chương trình và 37 chuyên đề bồi dưỡng cho 4 đối tượng gồm cán bộ quản lý ngành giáo dục, giáo viên đại trà, giáo viên dạy Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội, sinh viên ngành sư phạm của trường Đại học Thủ đô.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Đỗ Hồng Cường, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường đại học Thủ đô Hà Nội cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đã đồng hành cùng trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện biên soạn tài liệu bồi dưỡng cũng như những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ quản lý và các giáo viên tại Hội thảo.
Ở phần báo cáo chuyên đề “Địa lý kinh tế-xã hội Hà Nội”, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức cho rằng, nội dung giảng dạy địa phương cần linh hoạt và sinh động, tránh việc đi lại kiến thức của các phân môn như Lịch Sử, Ngữ Văn và đặc biệt cần tổ chức dưới dạng bài giảng mở. Ở đó giáo viên có thể đóng vai trò người tổ chức, quy trình giáo dục đảo ngược khi cho phép học sinh tự xây dựng bài học dưới dạng bài tìm hiểu, video…và trình bày trên lớp. Cùng với đó cần thêm những hoạt động trải nghiệm thực tế Hà Nội cho học sinh.
“Thực tế bản thân tôi dù dạy cả khối chuyên và không chuyên nhưng việc giảng dạy còn nhiều khó khăn khi nội dung kiến thức về Hà Nội quá rộng và chưa có tài liệu cho lớp 11, mỗi thầy cô với năng lực bản thân tự thiết kế nội dung dạy học. Hiện nay không chỉ giáo viên chuyên môn Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lý đảm nhiệm nội dung giảng dạy phần giáo dục địa phương mà do nguồn giáo viên khó khăn nên các thầy cô giáo Sinh học, Vậy lý… cũng tham gia giảng dạy. Chúng tôi mong chương trình bồi dưỡng sớm được triển khai đại trà để tất cả thầy cô giáo các cấp cũng tổ chức dạy và dạy hiệu quả và đam mê chứ không phải chỉ hoàn thành nhiệm vụ”, cô giáo Lê Thị Huyền, trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây chia sẻ.
Trong phần góp ý của mình, cô Huyền cho rằng trong đề án đưa ra 3 hình thức bồi dưỡng gồm: Trực tiếp, kết hợp trực tiếp với trực tuyến và trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên cần bổ sung thêm hình thức tự học, tự nghiên cứu nhằm hoàn thiện, nâng cao cũng như mở rộng kiến thức và cách thức cho mỗi thầy cô. Thay vì giảng viên lên lớp, nói lại những nội dung có trong tài liệu bồi dưỡng, giáo viên sẽ được phát trước, tìm hiểu và nêu những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình đọc tài liệu hoặc những tình huống phát sinh khi thiết kế, tổ chức dạy học nội dung này tại trường phổ thông.
Sau hội thảo, nội dung tài liệu bồi dưỡng được hoàn thiện cơ bản, Trường đại học Thủ đô Hà Nội sẽ tiến hành một số lớp thử nghiệm trước khi dạy mở rộng tới cả 4 đối tượng của đề án giai đoạn 2021-2025.