Một ngày của bé Ha Ha và cô giáo

Bé Ha Ha vừa tròn 13 tháng tuổi đã được cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh hằng ngày đến nhà chăm sóc và dạy học từ 3 tháng nay. Toàn bộ lịch trình học tập, sinh hoạt ở lớp nhà trẻ được cô Linh triển khai cùng Ha Ha với mô hình nhỏ một cô một trò trong căn phòng chừng 15m2. Cũng có giờ vận động, giờ ra sân, trải nghiệm trò chơi...

Chỉ với ba hộp gạo, ít màu thực phẩm, cô trò trộn màu, rắc gạo lên giấy làm thành bức tranh, rồi vỗ tay khen nhau. Ha Ha cười tít mắt khoe mấy chiếc răng mới nhú. Chừng một tiếng thì trò chơi trộn gạo làm tranh đã thôi không còn hấp dẫn cô bé. Cô giáo chuyển sang trò chơi rèn luyện kĩ năng khéo tay. Một chậu nước pha màu, một chai nhựa cổ rộng. Cô làm mẫu múc nước đổ chai, trò bắt chước. Lúc đầu nước bắn tung tóe, mãi rồi thì cũng đổ được ca nước gọn gàng vào chai.

Bố làm việc ở Đà Nẵng, mẹ làm cho một doanh nghiệp Hàn Quốc đi từ sáng đến tối, Ha Ha ở nhà với bà ngoại. Bà ngoại Hoàng Mỹ Hạnh của bé Ha Ha có một tư duy cởi mở và hiện đại.

“Nhiều người bảo tôi bà ở nhà cả ngày, có việc gì mà không trông cháu, việc gì phải thuê cô... Lúc đầu tôi cũng băn khoăn nhưng rồi tôi nghĩ, mỗi lứa tuổi đều có nhu cầu riêng, trẻ con có nhu cầu học tập dù ở tuổi rất nhỏ. Mình ở tuổi này cũng có nhu cầu riêng, không thể cả ngày chăm sóc, lại càng không thể dạy cháu. Hơn hai tháng có cô đến, cháu khôn ra nhiều so với các bạn cùng trang lứa”, bà Hạnh kể.

Đã xong bữa trưa, Ha Ha liu riu ngủ trên vai cô giáo, thi thoảng vẫn mơ màng khóc mếu. Cô Linh vỗ vỗ nhẹ lên lưng trấn an đưa em vào giấc ngủ. Lúc này cô giáo mới tranh thủ trò chuyện.

Là giáo viên một trường tư thục ở Hà Nội, cô giáo Linh biết đến dự án Chăm sóc và dạy học cho trẻ tại nhà của trường Mầm non Mẹ yêu con ngay từ khi các trường học đóng cửa dưới tác động của đợt dịch lần thứ 4. Cũng như tất cả các giáo viên khi ấy, cô Linh có khá nhiều lo lắng. Chỉ chăm sóc, dạy dỗ một trẻ và lại ở nhà riêng của phụ huynh cả ngày. Có biết bao nhiêu tình huống phát sinh ngoài những kĩ năng đã được rèn luyện cần phải xử lí. Rồi thì phụ huynh sẽ cư xử ra sao? Có tôn trọng mình không? Đi dạy học kiểu này thì khác gì đi làm giúp việc?

Và rồi sau đợt tập huấn tại dự án, được theo giáo viên hướng dẫn tới nhà Ha Ha, cô trò làm quen rồi nhanh chóng gắn bó. Bản thân cô Linh có hai con nhỏ, một 5 tuổi và một 3 tuổi gửi bà nội trông để hằng ngày đi từ Hoài Đức lên nhà học sinh.

“Em may mắn hơn nhiều so với các đồng nghiệp vì biết đến và tham gia dự án từ đầu chứ dịch và nghỉ thế này thêm vài tháng nữa thì không thể trụ được. Nhiều cô giáo mầm non phải chuyển sang làm đủ nghề từ bán bảo hiểm, bán hàng online để có tiền trang trải cuộc sống. Em cũng đã giới thiệu thêm 1, 2 đồng nghiệp cũ tham gia dự án. Giải pháp tình thế nhưng em được làm nghề và có thu nhập. Em chỉ mong sớm được đến trường”, mắt cô Linh ngân ngấn nước.

Ngoài việc có đủ thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, cô Linh thấy dự án có ưu điểm là luôn xây dựng các cặp cô trò ở khoảng cách gần, trong cùng một khu vực vừa nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đỡ chặng đường đi lại cho giáo viên. Chiều nào cũng vậy, hơn 5h chiều mẹ Ha Ha mới đi làm về, đúng tan tầm, đường đông nhưng vì ở gần nên cô Linh không mất quá nhiều thời gian để về với con.

Mất đi nguồn giáo viên chất lượng sau dịch mới là điều đáng sợ nhất

Cô Vũ Thị Thúy, Hiệu trưởng mầm non Mẹ yêu con, chủ dự án Chăm sóc và dạy học cho trẻ tại nhà chia sẻ, ngay khi đợt dịch lần đầu xảy ra, các trường tạm đóng cửa, nhu cầu của phụ huynh về mô hình cô giáo đến nhà chăm sóc và dạy học cho trẻ đã manh nha hình thành.

"Lúc đó, tôi với các cô phải cùng ngồi lại, bàn bạc và xây dựng phương án cụ thể. Cũng có nội dung, chương trình cụ thể như ở trên lớp”, cô Thúy cho biết.

Đến đợt dịch thứ 2,3 thì mọi việc đã quy củ và kế hoạch hơn, giáo viên đã thích ứng được với việc chuyển đổi linh hoạt. Nhiều gia đình hễ có thông báo nghỉ sẽ đăng kí chuyển đổi luôn.

Đợt dịch thứ 4 kéo dài suốt từ cuối tháng 4 có thể xem như khốc liệt với ngành mầm non, đặc biệt khối ngoài công lập nhất khi giáo viên hoàn toàn không trở lại trường, cũng không thể dạy online. Thời điểm này dự án đã được nhà trường phát triển thêm một bước dài: Mở rộng đối tượng giáo viên tham gia. Điều này sẽ giúp giáo viên mầm non ngoài công lập trên địa bàn toàn Hà Nội có việc làm.

Việc tìm được các cặp cô - trò ở gần nhau sẽ giảm khoảng cách di chuyển giữa các vùng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Dự án cũng triển khai sau khi tất cả giáo viên được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Giáo viên thuộc trường Mẹ yêu con hoặc từ nơi khác đến tham gia dự án đều được nhà trường tập huấn theo chương trình khung, được giáo viên nhiều kinh nghiệm hỗ trợ trong những tuần đầu đến nhà học sinh để làm quen, xây dựng nền nếp.

“Đồng ý tôi làm kinh doanh. Nhưng giáo dục là kinh doanh đặc biệt, liên quan đến con người và lại ở lớp học nền tảng đầu đời. Khi làm dự án này, điều tôi kì vọng nhất chính ở việc giữ giáo viên ở lại với nghề. Đào tạo được một giáo viên có kinh nghiệm và thuần thục kỹ năng không hề dễ. Nhưng nếu họ vì mưu sinh không trụ được với nghề thì rồi khi trường được mở cửa trở lại, chúng tôi không thể có được giáo viên tốt. Dự án này hoàn toàn cho các cô, vì các cô. Chủ trường như chúng tôi vẫn đang gồng mình lên để giải quyết nhiều khoản chi như tiền thuê địa điểm, tiền bảo dưỡng trang thiết bị. Nhưng trong giáo dục, con người là quan trọng. Nhìn các cô đi làm tôi vui lắm”, cô Thúy tâm sự.

Nhưng vẫn còn một điều khiến cô hiệu trưởng Vũ Thị Thúy trăn trở. Hơn 20 giáo viên đi dạy, đồng nghĩa chỉ hơn 20 em bé được học, được chơi, được rèn luyện bài bản. Còn cả trăm em bé không có cơ hội phát triển toàn diện chỉ bởi cha mẹ em không đủ sức chi trả chi phí cho lớp học cá nhân như mô hình dự án dày công xây dựng và triển khai. “Bất bình đẳng trong giáo dục khiến tôi cảm thấy áy náy. Nhưng sức mình chỉ có thể lo được đến thế”, cô Thúy thở dài.

Bé Ha Ha đang trong nhóm những đứa trẻ hạnh phúc khi được học, được chơi, được vỗ về, ôm ấp ngay cả khi trường học đóng cửa. Và cô Linh cũng hạnh phúc khi được làm nghề và sống được với nghề giáo viên mầm non. Cô giáo đến nhà chăm trẻ, một mô hình còn nhiều tranh cãi nhưng thực sự đang là giải pháp tối ưu cho cùng lúc giáo viên- phụ huynh và cả học sinh.