7 giờ 15 sáng, đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) rộn vang tiếng trống trường. Cùng với cỏ cây, hoa trái, những hàng phi lao xanh tốt, tán bàng vuông rợp bóng, lớp học nhỏ vang tiếng đọc bài của học sinh như góp thêm sức sống của hòn đảo nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Ước mơ dạy học nơi tiền tiêu Tổ quốc
Thầy Trương Hồng Lĩnh đến với học sinh đảo Sinh Tồn từ ước mơ được thầy theo đuổi từ khi còn là sinh viên trường sư phạm. Khi đó, thầy đã tham gia dạy tình nguyện phổ cập giáo dục tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhưng tâm nguyện lớn nhất của thầy là có cơ hội được "gieo chữ" ở Trường Sa.
"Năm 2023, khi có thông tin tuyển giáo viên đi dạy tại các xã đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tôi nghĩ không thể bỏ lỡ cơ hội này bởi các tiêu chí đều phù hợp với mình. Tôi nhớ khi đó có một điều kiện đặt ra, giáo viên phải dưới 40 tuổi. Tôi đã ở cái tuổi gần 40 nên nếu bỏ lỡ lần này thì cơ hội dạy học ở Trường Sa mãi mãi chỉ là giấc mơ nên tôi đã quyết tâm đăng ký", thầy Lĩnh chia sẻ.
Dù biết, dạy học trên đảo có thể thiếu thốn đủ bề, xa xôi cách trở, việc trao đổi bài vở khó khăn…nhưng khi đó là ước nguyện của người thầy thì những khó khăn ấy trở nên nhỏ bé.

Nói về sự khác nhau giữa môi trường giáo dục ở đất liền và biển đảo, thầy Trương Hồng Lĩnh khẳng định đây là hai môi trường giáo dục có những khác biệt rất lớn. Một nơi sầm uất, học sinh đông đúc còn một nơi học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay; sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa đồng nghiệp cũng hạn chế nên tâm thế dạy học của giáo viên phải thay đổi toàn bộ.
Hơn hai năm công tác tại xã đảo Sinh Tồn, thầy Lĩnh đã quen với môi trường dạy học như vậy. Lớp học chỉ 5 học sinh thì 4 học sinh lớp 1 và 1 học sinh lớp 5 buộc người thầy phải áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt.
"Vì lớp nhiều trình độ nên khi giáo viên đang giảng bài cho nhóm học sinh này thì nhóm khác lại ngồi chơi, gây ồn làm cho lớp học trở nên ồn ào, mất tập trung. Giáo viên buộc phải linh hoạt, ví dụ khi các em học sinh lớp 1, lớp 2 tập viết thì giáo viên tập trung giải Toán, tiếng Việt cho học sinh lớp 5. Khi học sinh lớp 5 làm bài tập thì giáo viên lại giúp nhóm học sinh lớp 1, lớp 2 tập đọc", thầy Trương Hồng Lĩnh cho biết.

Thầy một lớp, một lớp lại nhiều trình độ, thầy Trương Hồng Lĩnh đảm nhiệm dạy học tất cả, từ môn tiếng Việt, Toán, Công nghệ, Mỹ thuật đến Tin học, tiếng Anh… biết là khó nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, người thầy phải sáng tạo, tự nâng cao trình độ để đến một ngày khi học sinh trở về đất liền học tập, trình độ của các em không thua kém.
Thầy Lĩnh thừa nhận: "Khó nhất là một số môn đặc thù như âm nhạc giáo viên không thể hát hay như giáo viên âm nhạc được, chủ yếu bật băng và hướng dẫn các em hát theo. Hoặc cả lớp chỉ duy nhất có 1 học sinh lớp 5 nên không thể tổ chức thảo luận được. Khi đó giáo viên sẽ phải đóng vai là người bạn của học sinh để cùng thảo luận, cùng chơi, cùng trao đổi…".

Như những cây bàng vuông, dù sinh ra nơi cằn cỗi vẫn vươn mình đầy mãnh liệt, trường tiểu học Sinh Tồn là điểm tựa tri thức cho những mầm non tương lai của biển đảo.
Những đứa trẻ như Huỳnh Minh Trí, học sinh lớp 5 (Trường tiểu học xã Sinh Tồn) theo bố mẹ ra đảo sinh sống. Dù nhịp sống trên đảo không nhộn nhịp, đông đúc, nhiều bạn bè như trên bờ nhưng nơi đây sự tương tác, gắn bó với thầy giáo chặt chẽ hơn - người thầy thực sự như người cha, người mẹ thứ hai của các em.
"Lúc mới ra đảo em còn bỡ ngỡ. Em hay đi bộ với thầy, thầy chỉ bảo em rất nhiều nên giờ em quen cuộc sống trên đảo", em là Huỳnh Minh Trí chia sẻ.
Sinh Tồn - nơi không chỉ có nắng, có gió, có những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc - nơi đây còn có những người thầy truyền lửa, mang kiến thức đến học sinh. Đây cũng chính điều giúp cho những gia đình như anh Thạch Thanh Long yên tâm khi đưa cả gia đình ra đảo sinh sống.
Anh Long cho biết, khi quyết định đăng ký cả gia đình ra đảo Sinh Tồn, điều băn khoăn nhất của anh là việc học của các con. Nhưng chứng kiến trường học khang trang, lớp học đầy đủ thiết bị, sách giáo khoa và đặc biệt sự tận tâm của giáo viên giúp vợ chồng anh thực sự yên tâm.

Đúng như tên của đảo “Sinh Tồn”, mỗi chiến sĩ, người dân và cả thầy trò trên đảo đều khẳng định sự “Sinh Tồn” của mình nơi mênh mông sóng gió. Hình ảnh người thầy nơi đảo xa như một cột mốc thiêng liêng, âm thầm gìn giữ chủ quyền đất nước bằng chính trái tim, tấm lòng son sắt với nghề, với biển đảo thiêng liêng.
"Dạy ở biển đảo có nhiều khó khăn do đặc thù nhưng thực sự đây là một trải nghiệm ý nghĩa cuộc đời giáo viên của mình. Những học sinh trên đảo thực sự như những đứa con của mình", thầy Trương Hồng Lĩnh chia sẻ.
Dành 7 năm cuối sự nghiệp cho giáo dục biển đảo
Ở xã đảo Sinh Tồn có một người thầy đặc biệt khác - một người đang ở chặng cuối của sự nghiệp giáo dục của mình nhưng đã tình nguyện ra đảo công tác để hoàn thành ước mơ của sự nghiệp trồng người của mình - thầy Phan Quang Tuấn, giáo viên đang phụ trách dạy 4 học sinh mầm non.
Khác với Trương Hồng Lĩnh, thầy Phan Quang Tuấn đến đảo Sinh Tồn dạy học khi có 36 năm công tác trong ngành giáo dục. Tính tại thời điểm năm 2023 - năm nhận quyết định ra công tác tại xã đảo Sinh Tồn, thầy Tuấn còn 7 năm công tác nữa đến tuổi nghỉ hưu.

Quyết tâm dạy học nơi "đầu sóng ngọn gió" khi ở chặng cuối sự nghiệp giáo dục với thầy Tuấn không phải là sự trải nghiệm mà để hiện thực hóa ước mơ đóng góp một phần nhỏ bé cho giáo dục biển đảo từ khi còn trẻ.
"Ở đâu có dân thì ở đó có trẻ em. Mà ở đâu có trẻ em ở đó phải có trường học, có giáo viên. Tuổi trẻ mình đã không thực hiện được thì nay còn quãng thời gian ngắn ngủi còn lại trong ngành giáo dục mình quyết tâm có mặt ở đây để giúp học sinh", thầy Phan Quang Tuấn tâm sự.
Nhớ lại những ngày đầu viết đơn xin ra công tác tại đảo Sinh Tồn, thầy Tuấn cho biết vợ của thầy đã khóc rất nhiều. Thật may mắn, ngày lên đường ra đảo, thầy nhận được sự yêu thương, ủng hộ của cả gia đình. "Vì gia đình đã hiểu được tâm nguyện, ước mơ mà tôi đã ấp ủ bao lâu nay".
Hơn 2 năm công tác ở xã đảo Sinh Tồn, thầy Tuấn được phân công dạy nhiều trình độ học sinh. Khi dạy học sinh tiểu học, đúng chuyên môn, thầy thỏa sức sáng tạo nhưng với lứa tuổi mầm non, mẫu giáo… thầy giáo "già" cảm thấy như trẻ ra khi dạy múa, dạy hát, dỗ dành... học sinh.
“Các cháu học sinh mầm non tuy hiếu động, hồn nhiên nhưng khá thông minh, tiếp thu bài tốt, lễ phép. Sau mấy tháng, cháu nào cũng ngoan hơn. Được phụ huynh đánh giá rất cao - đấy cũng là điều hạnh phúc của người thầy”, thầy Tuấn nói.
Gieo chữ trên đảo, giáo viên đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu các vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, yêu trò, yêu Tổ quốc, thầy Tuấn đã vượt qua tất cả, âm thầm gieo mầm tri thức cho thế hệ trẻ nơi đảo xa./.