Tình yêu đất nước từ lâu đã là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, gắn kết mỗi người dân Việt Nam. Thế hệ cha anh đi trước đã thể hiện lòng yêu nước bằng việc xả thân nơi chiến trường, hy sinh vì độc lập, tự do;

Trong giai đoạn đất nước phát triển, chuyển mình mạnh mẽ, mỗi người trẻ đang thể hiện lòng yêu nước theo những cách rất riêng trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, bảo vệ môi trường, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra thế giới...

Phóng viên VOV2 (Đài TNVN) có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Thành đoàn TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng.

-P/V: Trong dịp cả nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn, anh có cảm nhận thấy, người trẻ có những cách làm, cách bày tỏ niềm tự hào dân tộc theo nhiều cách riêng của mình?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Quả thật, các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc rất sáng tạo, dễ thương, và không kém phần lan tỏa. Đó là những bạn trẻ sáng tạo xây dựng những kênh tiktok, trang mạng xã hội kể chuyện lịch sử, edit những video clip hào hùng về quê hương, đất nước,… thu hút hàng triệu người xem trên các nền tảng mạng xã hội;

Đó là hình ảnh những bạn trẻ bên lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại các điểm từ địa đầu Tổ quốc, đến các huyện đảo xa xôi,… mỗi lá cờ đều mang những câu chuyện về hòa bình khác nhau.

Nhưng có lẽ, hình ảnh khiến tôi luôn xúc động mỗi khi nghĩ tới, đó là hình ảnh những bức di ảnh các anh hùng liệt sĩ - được các bạn trẻ phục chế lại và trao tặng gia đình, thân nhân các anh hùng liệt sĩ. Đó cũng chính là hình ảnh những giọt nước mắt, cái ôm thật chặt của thân nhân các anh hùng liệt sĩ khi đón nhận di ảnh. Đây là hoạt động đã được triển khai từ những năm gần đây, và vào dịp 30/4 này, lại có thêm nhiều bức di ảnh được các bạn trẻ phục dựng và trao tặng những gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Thành đoàn Hà Nội dịp này cũng phối hợp với các bạn trẻ trong nhóm Skyline, nhóm Màu hoa đỏ hoàn thành và trao tặng 50 di ảnh.

Đây chính là một trong những cách làm mà các bạn trẻ không chỉ thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, sự tự hào dân tộc, mà còn để bày tỏ lòng tri ân với cha anh đi trước, sự tri ân với những người đã ngã xuống để các bạn trẻ được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay.

-Phóng viên: Cách người trẻ hướng đến cộng đồng, quê hương, đất nước có chút khác biệt với thế hệ cha anh nhưng tôi nghĩ sự tha thiết và nồng nàn thì trước sau vẫn vậy. Anh có cùng suy nghĩ như vậy không?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Đúng vậy! Các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước của mình đến với cộng đồng. Mỗi bạn trẻ ở những ngành nghề hay lứa tuổi khác nhau đều có những cách bày tỏ lòng yêu nước rất riêng, nhưng tựu chung lại là đều lan tỏa sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng lớn từ những người xung quanh.

Đặc biệt những năm gần đây, nhờ có công nghệ thông tin, mạng xã hội… mà chúng ta được “nhìn” thấy rõ hơn những tình cảm đó. Sự quan tâm đến lịch sử, trân trọng quá khứ và công lao của thế hệ cha anh đi trước luôn thường trực trong tim mỗi người - đặc biệt là người trẻ.

Đến nay, chúng ta được nhìn thấy rõ hơn, cũng bởi các bạn trẻ ngày nay đã và đang làm chủ khoa học công nghệ, sẵn sàng là những tuyên truyền viên tích cực, và không ngại bày tỏ quan điểm, cảm xúc cá nhân, đặc biệt là lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến cộng đồng, xã hội.

Yêu nước từ những việc làm nhỏ nhất

-Phóng viên: Không ít người cho rằng yêu nước cần phải làm điều gì đó rất lớn lao. Nhưng theo anh, tình yêu đó có nhất thiết là những hành động lớn lao, vĩ đại?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Thực ra, mỗi công việc, hành động tích cực mà chúng ta đang làm mỗi ngày, đều chính là yêu nước. Việc chúng ta yêu thương, chăm sóc gia đình – cũng chính là yêu nước. Việc chúng ta dọn dẹp, giữ vệ sinh chung, hay trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan – đó chính là yêu nước. Việc các bạn trẻ học tập tốt, rèn luyện chăm – đó cũng chính là yêu nước.

Mỗi người ở mỗi ngành, mỗi nghề - làm tốt việc mình đang làm bằng nhiệt huyết, bằng đam mê – từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế tại địa phương – đó cũng chính là yêu nước. Chính vì vậy, tôi nghĩ tình yêu quê hương, đất nước đã và luôn thường trực trong mỗi người dân Việt Nam, và mỗi người đều có những cách bày tỏ tình yêu của mình bằng những hành động khác nhau.

-Phóng viên: Đối với thành đoàn Hà Nội đã và đang có những hoạt động, chương trình gì để khơi dậy và bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào trong mỗi người trẻ?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Thành đoàn Hà Nội quan tâm, chú trọng triển khai trong những năm qua.

Thành đoàn Hà Nội đã triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống sâu rộng, đợt thi đua cao điểm trong các cấp bộ Đoàn như: “Hành trình theo dấu chân Bác”, “Tự hào tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”, “Thanh niên Thủ đô làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ Thủ đô tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Tuổi trẻ Thủ đô sắt son niềm tin với Đảng"...

Thành đoàn cũng đã xây dựng, tổ chức các chương trình, hoạt động có tính giáo dục đồng loạt, rộng khắp; chú trọng đổi mới các hình thức giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, các chủ trương chính sách của Đảng như: Tổ chức các diễn đàn “Đảng với Thanh niên - Thanh niên với Đảng”, kết nạp các lớp Đoàn viên ưu tú, “lớp Đảng viên 95 năm” tại các di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ”; Tổ chức các cuộc thi trực tiếp kết hợp trực tuyến tìm hiểu về lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô, về văn kiện Đại hội Đảng,…

Bên cạnh đó, các mô hình, công trình, phần việc tiêu biểu được triển khai nhằm khơi dậy và bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào trong các bạn trẻ Thủ đô có thể kể đến như: Đội hình tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội” thường xuyên ra quân tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thủ đô được duy trì hoạt động hiệu quả với phương châm “Mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên tích cực về văn hoá Thăng Long - Hà Nội”, xây dựng công trình bản đồ số “Mã hóa dữ liệu các địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố” – các bạn có thể truy cập diachidohanoi.vr360.com.vn để trải nghiệm; tuyên truyền về 02 quy tắc ứng xử của Thành phố bằng các hình thức sáng tạo như bài rap, infographic, motiongraphic…

-Phóng viên: Cụ thể hơn, anh có thể chia sẻ một số sáng kiến, mô hình sáng tạo, mới mẻ từ tuổi trẻ Thủ đô thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước, với thế hệ cha anh đi trước?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Như tôi đã nói ở trên, dịp này Thành đoàn Hà Nội tiếp tục triển khai Dự án phục dựng di ảnh liệt sĩ và trao tặng 50 bức ảnh đã được phục dựng đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình các liệt sĩ trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đã đã phát động, tổ chức và triển khai nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa như: tổ chức Chuỗi chương trình giao lưu “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” tại các trường Tiểu học, THCS, THPT và Đại học, Học viện trên địa bàn Thành phố với 05 chương trình cấp Thành phố và hơn 50 chương trình cấp cơ sở - tại đó, các bạn trẻ được gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận trong suốt giai đoạn chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên mạng xã hội, Thành đoàn Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên không gian mạng với chuyên mục “Thanh âm non sông”, chia sẻ và giới thiệu hơn 20 ca khúc cách mạng về tình yêu quê hương, đất nước; lan tỏa trào lưu hình ảnh “Màu cờ tôi yêu” với hơn 25.000 bức ảnh được gửi đến fanpage Thành đoàn Hà Nội, “phủ đỏ” hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên không gian mạng.

Nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tối 28/4 Thành đoàn Hà Nội cũng đã phối hợp với Quận Cầu Giấy trang trọng tổ chức “Lễ Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” tại Nghĩa trang Mai Dịch; thắp nến tri ân, dâng hoa, dâng hương tại gần 1.700 phần mộ các anh hùng liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng đang yên nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch.

Các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Hà Nội cũng đã có nhiều sáng kiến, mô hình sáng tạo, mới mẻ thể hiện tình cảm của mình với đất nước, với thế hệ cha anh đi trước như: vẽ tranh tường bích họa, tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 30/4; tổ chức tu sửa, dọn dẹp các nghĩa trang liệt sĩ, địa chỉ đỏ; tu sửa, xây mới nhà nhân ái, nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công với cách mạng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, các hành trình đến “địa chỉ đỏ”, sinh hoạt truyền thống, báo công dâng Bác,…

Yêu nước không có một khuôn mẫu cụ thể

-Phóng viên: Chúng ta nhắc nhiều đến cách mà mỗi người trẻ thể hiện tình yêu, niềm tự hào của mình với dân tộc, đất nước. Nhưng theo anh, chúng ta cần làm gì để hành động đẹp đó được nuôi dưỡng và lan tỏa rộng khắp?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Tôi nghĩ đơn giản thôi, để những hành động đẹp đó được nuôi dưỡng và lan tỏa rộng khắp - trước hết chúng ta cần ghi nhận, khích lệ những người trẻ đang làm tốt. Biểu dương, cổ vũ họ tiếp tục làm tốt hơn nữa. Tiếp theo, chúng ta cần là kênh góp phần lan tỏa những hành động đẹp đó – đến những người trẻ khác, và cả những người dân xung quanh mình.

Chúng ta hãy dùng chính những hành động đẹp của người trẻ để giáo dục, định hướng những người trẻ khác cùng học theo, noi theo, làm theo; “lấy cái đẹp – dẹp cái xấu”, lấy những hình ảnh đẹp để xây dựng một xã hội (cả trực tiếp và trực tuyến) đẹp; đẩy lùi những cái xấu, cái méo mó, cái lệch chuẩn - tránh để nó tác động tiêu cực đến người trẻ.

-Phóng viên: Khi đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì tình yêu đất nước của người trẻ trong thời gian tới cần phải được cụ thể hóa như thế nào, thưa anh?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Như tôi đã nói, mỗi người trẻ sẽ có những cách làm riêng, sẽ không có một khuôn mẫu cụ thể nào cho việc “cụ thể hóa tình yêu đất nước của người trẻ”, chỉ có một điều chắc chắn rằng - tổ chức Đoàn với vai trò là trường học XHCN của thanh niên sẽ phải luôn nhạy bén, kịp thời làm mới, điều chỉnh để phù hợp, sẵn sàng đồng hành cùng thanh niên để ghi dấu ấn của tuổi trẻ cùng các cấp các ngành và toàn xã hội bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

-Phóng viên: Anh có kỳ vọng gì về thế hệ trẻ Hà Nội – cũng như Việt Nam – trong việc tiếp nối truyền thống yêu nước?

-Anh Nguyễn Tiến Hưng: Vì cũng là một người trẻ, nên tôi sẽ không nói rằng mình kỳ vọng gì vào thế hệ trẻ; tuy nhiên tôi muốn khẳng định thay lời của những người trẻ Thủ đô hôm nay, đó là: tuổi trẻ Thủ đô, tổ chức Đoàn thanh niên Thành phố luôn tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội; đồng thời thanh niên Thủ đô cũng nhận thức sâu sắc rằng, Năm 2025 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, bước chuyển mình mới, và vẫn sẽ còn đó những khó khăn đan xen với những thách thức, tiếp tục chờ đợi người trẻ “đón đầu”. Chính khó khăn, thách thức sẽ mang lại những cơ hội chưa từng có trong tiền lệ và chỉ những người trẻ mới đủ nhạy bén, đủ sự sáng tạo để nắm bắt được cơ hội từ chính những thách thức khó khăn mang lại.

Thanh niên Thủ đô sẽ luôn khẳng định trách nhiệm đối với quốc gia, tình yêu đối với Hà Nội bằng một khát vọng lớn và thông qua những hành động cụ thể, thiết thực; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

-Phóng viên: Cảm ơn anh!