Là hoạt động mở màn Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025 "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An", "Không gian làng nghề Ninh Bình" và chương trình "Di sản dành cho cuộc sống" đã chính thức khai trương. Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Không gian làng nghề truyền thống tại Tam Cốc - Bích Động được kỳ vọng là “bảo tàng sống”, nơi truyền thống và sáng tạo gặp gỡ, nơi di sản bước ra khỏi bảo tàng để hòa vào đời sống thực tại. Đây không chỉ là lời tri ân sâu sắc gửi tới những nghệ nhân đã và đang miệt mài gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc mà còn là địa chỉ để du khách tìm hiểu, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Ninh Bình như: thêu ren Văn Lâm, dệt cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát...
"Chính từ những giá trị bản địa bền vững ấy, đến nay, các nghề, làng nghề và các sản phẩm thủ công truyền thống trở thành một phần không thể tách rời của sản phẩm du lịch Ninh Bình. Các chuyến tham quan của du khách không chỉ khám phá cảnh quan, danh thắng và di tích lịch sử - văn hóa, mà còn là hành trình chạm vào đời sống cộng đồng địa phương, trải nghiệm những tinh hoa nghề thủ công được hình thành, gìn giữ và bồi đắp qua nhiều thế hệ trên vùng đất Hoa Lư lịch sử", ông Trần Song Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Văn Mạnh- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, địa phương mong muốn bảo tồn và lan tỏa giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, gắn bảo tồn với phát triển du lịch, gắn sáng tạo với kết nối cộng đồng để từ đó truyền cảm hứng và khẳng định di sản không chỉ nằm trong ký ức mà đang sống, đang chuyển mình và đồng hành cùng đời sống đương đại.
"Đây là một bước cụ thể của ngành du lịch Ninh Bình nhằm hiện thực hóa chủ trương của Tỉnh trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản dựa trên thiên nhiên - văn hóa - con người - sản phẩm sáng tạo, trong đó làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc riêng cho điểm đến, góp phần hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa, giàu tính trải nghiệm và gắn bó mật thiết với cộng đồng địa phương".

Trong nhịp sống hiện đại hiện nay, không ít làng nghề đang đối mặt với nguy cơ mai một do thiếu người kế cận, nối nghề, thị trường thu hẹp, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, kỹ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, lãng quên. Rồi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ dẫn đến các sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ đã và đang lấn át những giá trị bản địa cốt lõi. Cùng với đó, nhiều làng nghề thủ công vẫn loay hoay trong vòng xoáy giữa gìn giữ bản sắc và nhu cầu thích ứng với thị trường hiện đại. Nếu không có giải pháp kịp thời, những giá trị từng là biểu tượng văn hóa sẽ dần bị lùi vào quá khứ. Do đó, việc tỉnh Ninh Bình kết nối di sản với làng nghề, đưa sản phẩm truyền thống vào hành trình du lịch không chỉ góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách, mà còn tạo sinh kế, giữ chân người trẻ ở lại với nghề, góp phần xây dựng một mô hình phát triển du lịch bền vững, lấy văn hóa làm nền tảng, con người làm trung tâm, cộng đồng làm chủ thể.

Ông Bùi Văn Mạnh- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, hệ thống các làng nghề truyền thống như: thêu ren Ninh Hải- vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, dệt cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát… chính là những “di sản sống”. Không chỉ lưu giữ kỹ thuật thủ công độc đáo qua nhiều thế hệ, các làng nghề còn là nơi hội tụ tinh hoa bản sắc, kết tinh giữa lao động, sáng tạo và đời sống tâm linh của người dân. Mỗi sản phẩm thủ công đã mang giá trị sử dụng và hàm chứa chiều sâu văn hóa, lịch sử, là “sứ giả" kết nối du khách với đất và người Ninh Bình, trở thành nguồn lực quý giá để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, góp phần nâng cao thương hiệu và sức hút của điểm đến Tràng An - Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
"Thông qua sự kiện này, hình ảnh Ninh Bình giàu bản sắc, thân thiện, đổi mới sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Các làng nghề truyền thống sẽ được hồi sinh mạnh mẽ, không chỉ là nơi lưu giữ ký ức cha ông, mà còn là nơi khơi nguồn ý tưởng, sáng tạo, sinh kế và niềm tin cho chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"./.