Nghe chương trình tại đây:

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần nâng cao chất lượng sống, tối ưu hóa quy trình và mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người. Nhưng công nghệ chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó phục vụ con người và phục vụ tất cả mọi người, bao gồm cả những người yếu thế trong xã hội.

Cơ hội học tập cho người khuyết tật

Từ khi sử dụng các công cụ AI như: Chat GPT, Gemini, Be My Eyes - Helping the blind, Envision...Lương Tuấn Cường, sinh viên năm 3 một trường đại học ở Hà Nội cho rằng người khiếm thị đã có một đôi mắt khác, đó là "đôi mắt công nghệ".

Chỉ cần mở ứng dụng đưa máy lên chụp ảnh về hướng mà Cường muốn, trong tích tắc, AI sẽ xử lý và đọc những gì mà hình ảnh chụp lại, giúp những người khiếm thị căn cứ theo môi tả để dễ dàng tìm đồ đạc.

"AI mô tả những đồ vật trong cuộc sống hàng ngày giúp người khiếm thị tìm kiếm những vật thể ở trong không gian nào đấy. Ví dụ như mình để quên điện thoại ở góc nào đấy, mình có thể dùng AI chụp lại không gian, mô tả và mình sẽ tìm thấy đồ vật đó" - Cường nói và thực hành trên ứng dụng Be My Eyes - Helping the blind.

Cái lợi lớn nhất mà sinh viên như Cường đang khai thác triệt để AI đó là truy cập tìm tài liệu và giải đáp chuyên sâu những vấn đề mình quan tâm.

"Hạn chế của người khiếm thị là phần mềm đọc màn hình không đọc được file ảnh, PDF và exel. Bây giờ em chỉ việc đưa các tệp đó lên Chat GPT là có thể biết được nội dung hoặc truy xuất thông tin theo trang mà mình muốn" - Cường nói.

Cơn bão AI không loại trừ ai miễn người đó có máy tính hoặc điện thoại di động truy cập Internet. Thế nhưng, AI không đơn giản như Google, để sử dụng AI hiệu quả, tránh những thông tin không chính xác thì người dùng phải "học cách sử dụng AI".

Tháng 4 vừa qua, nhóm các bạn trẻ khiếm thị do Nguyễn Đức Nghị đứng đầu đã sáng lập dự án "Starlight - nhóm sáng kiến Vì cộng đồng". Mục tiêu của nhóm là hướng dẫn cho cộng đồng người khiếm thị sử dụng AI.

"Người sáng mắt chỉ cần nhìn và quan sát là được, còn với người khiếm thị phải cầm tay chỉ việc: tải app thế nào, tên là gì, đăng ký như thế nào?" - dự án của Nghị bắt đầu từ những câu hỏi như vậy.

"Các video dạy sử dụng AI trên mạng đều dành cho đối tượng người mắt sáng còn người khiếm thị rất khó để tìm được sự hỗ trợ như thế" - Nghị nói.

Dự án đã đào tạo 10 giảng viên nguồn là những bạn trẻ khiếm thị hiểu biết về công nghệ, sau đó thực hành giảng dạy tại các địa phương như Hội người mù tỉnh Bắc Ninh. Các giảng viên sẽ cung cấp cho người học tính năng của các AI và cách sử dụng hiệu quả như sáng tác nhạc, tạo nội dung hoặc dùng AI để tìm kiếm đồ vật...

Ứớc tính có khoảng hơn 7% dân số là người khuyết tật ở nước ta, tương đương với hơn 6 triệu người. Người trẻ khuyết tật làm việc, học tập trên các nền tảng số ngày càng nhiều hơn. Theo như Nguyễn Đức Nghị (hiện đang làm việc tại một tổ chức phi chính phủ), ngay cả khi trí tuệ nhân tạo phổ cập thì cũng không phải đã công bằng với tất cả.

"Có rất nhiều công việc sẽ bị AI thay thế. Trong xu thế đào thải hiện nay, người khuyết tật là người tổn thương nhất trong những người tổn thương và họ cũng dễ dàng bị thay thế bởi AI nhất. Tại vì khi đặt trên bài toán kinh tế thì họ sẽ là những người bị gạt ra đầu tiên" - Nghị nhận định.

Hai công việc điển hình phù hợp với người khiếm thị biết sử dụng máy tính đó là nhập liệu và viết content. AI cũng đang làm tốt phần việc này. Vậy là chẳng riêng gì những người khỏe mạnh bình thường lo mất việc bởi AI mà người khuyết tật lại càng dễ bị khoét sâu thêm miếng bánh việc làm vốn đã không rộng mở.

"Chúng em phải không ngừng học tập, tự học, trang bị kiến thức kỹ năng để thích ứng tốt trong thời đại này" - Nghị nói với VOV2.

Công nghệ tốt phải là công nghệ nhân văn

Overflow - một công ty chuyên phát triển thiết bị và phần mềm hỗ trợ người khiếm thị để cung cấp giải pháp kính lúp kỹ thuật số Flowy. Gần 200 bản Versa Slate và Versa Printo hỗ trợ việc ghi chép chữ nổi không cần sử dụng điện và pin phục vụ việc học tập thuận tiện hơn và 30 camera OCR để trao tặng cho Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng, Mái ấm Thiên Ân, Mái ấm Bừng Sáng, và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh.

Đây là sản phẩm của công ty công nghệ khởi nghiệp được dự án "Thành phố thông minh không rào cản" (Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD) hỗ trợ từ khi bắt tay vào ý tưởng.

"Tôi cho rằng AI và công nghệ số nói chung là cơ hội vàng để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau. Điều quan trọng, công nghệ chúng ta đang nói đến là công nghệ nhân văn và bao trùm" - Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững khẳng định, không cần phải là một công nghệ thiết kế riêng cho người khuyết tật như một nhóm ngoài lề mà nên thiết kế bao trùm ngay từ đầu.

"Cần sự tham gia thực chất của người khuyết tật như người dùng chính ở một xã hội hòa nhập với công nghệ hòa nhập. Thành phố thông minh thực sự phải là nơi mà mọi người: người khuyết tật và người không khuyết tật đều có thể di chuyển, giao tiếp, học tập và làm việc một cách bình đẳng, an toàn và hiệu quả" - Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh chia sẻ.

AI có thể chuyển đổi văn bản thành lời nói, tạo sách nói, tự động thêm phụ đề hoặc ngôn ngữ ký hiệu giúp người khiếm thị và người khiếm thính học tập hiệu quả hơn.

Trợ lý giọng nói, chatbot thông minh hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp. Trong đời sống hằng ngày, hệ thống chỉ dẫn giao thông bằng âm thanh, nhận diện khuôn mặt hay bản đồ số có tính năng tiếp cận giúp người khuyết tật di chuyển tìm đường và sử dụng dịch vụ công thuận tiện.

Từ năm 2021, MSD đã triển khai nhiều sáng kiến đổi mới sáng tạo xã hội, kết nối các startup công nghệ với cộng đồng người khuyết tật nhằm xây dựng thành phố thông minh không rào cản.

"Chìa khóa không nằm ở công nghệ mà là ở cách chúng ta thiết kế công nghệ"

Để công nghệ thông minh và phù hợp cho tất cả, giải pháp mà bà Linh đưa ra là công nghệ đó cần được thiết kế dựa trên cái nhu cầu thực tế với sự tham gia thực chất và bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật.

"Tôi luôn nói với các bạn trẻ hay các bạn làm startup rằng: công nghệ thì không cần phức tạp, nhưng nhất định phải đồng cảm. Tiêu chí quan trọng nhất của một giải pháp bao trùm đấy là thiết kế lấy người dùng làm trung tâm, trong đó người khuyết tật là một phần tự nhiên của hệ sinh thái khách hàng chứ không phải là một đối tượng đặc biệt".

Điều đó có nghĩa là công nghệ không được tạo thêm rào cản mới. Giao diện phải đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận cho nhiều dạng khuyết tật khác nhau, có tính linh hoạt cho phép tùy chỉnh theo yêu cầu của người dùng.

Ngày 22/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đảng và Nhà nước xem "phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc".

"Tôi đánh giá cao những cái nỗ lực gần đây của các doanh nghiệp và chính sách nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi số bao trùm. Việc xây dựng các chính sách và khuyến khích toàn dân tham gia vào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo công nghệ của Đảng và Nhà nước, khiến cho tôi cảm thấy được truyền cảm hứng và rất kỳ vọng sẽ có thêm những điều kiện, môi trường để thúc đẩy những công nghệ nhân văn và bao trùm" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững nhấn mạnh.

Bà Linh cũng đề cập 3 hạn chế đang đặt ra đó là: - Doanh nghiệp chưa nhìn thấy người khuyết tật như một nhóm khách hàng có giá trị dẫn đến việc thiếu đầu tư và tiếp cận bao trùm trong sản phẩm.

- Chính sách với rất nhiều điều kiện mang tính chất khuyến khích, ủng hộ nhưng vẫn còn thiếu tính ràng buộc và hướng dẫn cụ thể về chuẩn tiếp cận công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ công và giáo dục.

- Cộng đồng người khuyết tật vẫn còn thiếu cơ hội tham gia vào quá trình thiết kế, phản hồi và thử nghiệm công nghệ. Chúng ta sẽ cần chuyển dịch tư duy là từ hỗ trợ sang trao quyền, từ hỗ trợ sang đồng phát triển. Đó sẽ là cách để công nghệ trở nên thực sự thông minh và công bằng./.