Ngày 2/8, Trường đại học Thủy Lợi phối hợp với Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản (JSCE), Đại học Tohoku tổ chức hội thảo Khoa học Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực Kỹ thuật và Môi trường.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan nghiên cứu khoa học, viện, trường, cơ sở đào tạo và nhiều nhà khoa học về lĩnh vực kỹ thuật, môi trường, thủy lợi; Các chuyên gia đã và đang học tập, nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản.
Năm nay, hội thảo hướng tới một diễn đàn giao lưu học thuật hàng đầu nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất, những thách thức thực tế đã gặp và kinh nghiệm đối phó về các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật và môi trường của Việt Nam – Nhật Bản.
Cụ thể, tại hội thảo các đại biểu, nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất như: Cầu đô thị, từ ý tưởng kiến trúc đến lựa chọn kết cấu và áp dụng quy trình BIM trong thiết kế; Trường dòng chảy nông trong hệ sinh thái thảm thực vật, từ lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn; Nghiên cứu toàn diện về cơ chế phát triển kéo dài của doi cát ở cửa sông Việt Nam; Vì một thế giới không kháng sinh; Nghiên cứu chế tạo vật liệu oxit kim loại chuyển tiếp ứng dụng trong điện tử học và điện tử học spin; Thiết kế vật liệu mới cho các ứng dụng năng lượng: Từ nhiệt điện đến cơ bắp nhân tạo….
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi nhấn mạnh, các dự án, kết quả nghiên cứu được chia sẻ tại hội thảo giải quyết các vấn đề kỹ thuật và môi trường quan trọng, mang lại các giải pháp thiết thực và sáng tạo đã được chứng minh hiệu quả và bền vững.
“Hội thảo cũng là cơ hội để kết nối các nhà khoa học Việt Nam-Nhật Bản nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực Kỹ thuật và Môi trường", GS.TS Nguyễn Trung Việt chia sẻ.
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi vinh dự được Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản trao giải thưởng xuất sắc về Hợp tác quốc tế.
Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản (JSCE) được thành lập vào năm 1914 được giao phó sứ mệnh đóng góp vào sự tiến bộ của văn hóa khoa học bằng cách thúc đẩy lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và mở rộng các hoạt động kỹ thuật dân dụng.
Kể từ khi thành lập, JSCE đã nỗ lực để đạt được sứ mệnh trên, thông qua các hoạt động sâu rộng bao gồm trao đổi khoa học giữa các thành viên, các nhà nghiên cứu/quảng bá khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực xây dựng dân dụng, tham gia xã hội... Trong những năm qua, tư cách thành viên của JSCE đã đã tăng đáng kể từ 443 thành viên ban đầu lên khoảng 39.000 thành viên hiện tại, và hiện đang tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau trên toàn thế giới.