Sở GD-ĐT vừa văn bản chỉ đạo về tổ chức Lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023.

Theo đó, Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 được tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ 7h30 sáng thứ hai ngày 5/9/2022.

Không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới

Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý các nhà trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Sau khai giảng, các trường cần duy trì nền nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng.

Đối với cấp học mầm non, các nhà trường tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút.

Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thù riêng của từng cấp học, ngành học, các nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Sở GD-ĐT cũng đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD-ĐT về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên; theo đó, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh; nhà trường có thể cung cấp mẫu để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh; đặc biệt không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Liên quan đến công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các cơ sở giáo dục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Đồng thời rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; bảo đảm khuôn viên cảnh quan môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Rà soát quy trình đón trẻ, quản lý trẻ từ gia đình đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao trẻ cho gia đình đảm bảo chặt chẽ...